Lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ người nghèo là ai?

07:37, 09/11/2015
|

(VnMedia) Bà Lê Hằng- Tổng giám đốc và ông Trần Đức Trung - Chủ tịch HĐTV Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới là ai mà có thể huy động được hàng chục nghìn người tham gia ủng hộ cho Trung tâm này? PV đã tìm gặp một số lãnh đạo cũ của hai vị này để xác minh thông tin.

Như VnMedia đã có loạt bài phản ánh về hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn VN (trụ sở 308-309 tòa nhà 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Trung tâm này do ông Trần Đức Trung làm Chủ tịch HĐQT và bà Lê Thị Hằng - làm Tổng giám đốc.

Trung tâm này đã hoạt động được 3 năm và mở hàng trăm văn phòng tư vấn, thực tế là các điểm thu tiền tại các tỉnh thành. 

Phiếu thu và đơn tình nguyện nộp tiền cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân nghèo trong PTNN mới
Phiếu thu và giấy tình nguyện nộp tiền cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân nghèo trong phát triển nông thôn mới

Theo xác nhận của ông Trần Đức Trung - Chủ tịch HĐTV Trung tâm với báo chí, hiện đã có khoảng 40.000 nông dân nghèo nộp tiền cho Trung tâm, trong đó, người nộp ít nhất là 1,2 triệu đồng và người nhiều nhất nộp hàng chục triệu đồng.

Ông Trung khẳng định, đây là tiền mà người dân đã tự nguyện nộp cho Trung tâm, vì vậy, không có chuyện Trung tâm sẽ trả lại cho người dân tiền. Chỉ có những gia đình nghèo bị ốm đau, bệnh tật nặng thì Trung tâm mới hỗ trợ trả lại tiền.

Tuy nhiên, nhiều người nông dân cho PV biết, họ không hề tự nguyện nộp tiền cho Trung tâm để ủng hộ người nghèo, bởi hoàn cảnh của họ cũng rất nghèo. Họ không thể có điều kiện để "cho không" Trung tâm hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng như vậy. 

Bản chất khi nhân viên của Trung tâm này đến gặp gỡ, tư vấn cho nông dân, họ đã mồi chài rằng, nếu nộp tiền vào Trung tâm này thì sẽ được trả lãi suất cao. Cụ thể, nếu nông dân nộp 1,2 triệu đồng sau 6 tháng sẽ được hỗ trợ 5,2 triệu đồng, nếu nộp 1,9 triệu đồng sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng, nếu nộp 7,5 triệu đồng sẽ nhận hỗ trợ 50 triệu đồng... Số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Vì ham lãi suất cao nên nhiều nông dân nghèo đã góp tiền nộp. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền thì nhân viên Trung tâm mới đưa phiếu thu và bảo người dân phải ký vào tờ giấy tự nguyện tham gia đóng góp. Nhiều người cả tin đã trót dại ký vào giấy, giờ mới ngã ngửa biết mình bị lừa và đến đòi lại tiền song không lấy được. 

Câu hỏi đặt ra là, với số tiền đã thu của hơn 40 nghìn nông dân, Trung tâm này đã sử dụng vào việc gì? Việc Trung tâm này mở hàng trăm điểm tư vấn để thu tiền của người dân trên nhiều tỉnh thành có được phép hay không, cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra để tránh người dân nghèo bị lừa tiền.

Và vì sao Trung tâm hỗ trợ người nghèo lại dễ dàng "ăn dỗ" tiền của nông dân nghèo như vậy? PV đã đi xác minh thông tin.

Có hay không việc mạo danh Phó Tổng biên tập Nhà báo và công luận?

Khi tiếp xúc với PV, ông Trần Đức Trung – Chủ tịch HĐQT Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã chìa một thẻ nhà báo để giới thiệu. Thẻ nhà báo của ông Trung ghi ông Trung là phóng viên Nhà báo và công luận. Theo lời ông Trung thì ông đã từng giữ chức danh Phó Tổng biên tập.

Tuy nhiên, theo xác minh của PV tại báo Nhà báo và Công luận, thì ông Trung đã bị Lãnh đạo báo cho nghỉ và miễn nhiệm chức danh Phó Tổng biên tập từ 12 tháng 10 năm 2011. Thế nhưng, ông Trung đã không nộp lại thẻ nhà báo cho tòa soạn mà giữ nó để sử dụng cho việc làm ăn riêng của mình.

 

Ông Trần Đức Trung - Chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (bìa trái) xuất trình thẻ nhà báo
 

Lãnh đạo báo Nhà báo và công luận khẳng định, “Báo đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ nhiều nơi gọi về xác minh thông tin về nhà báo Trần Đức Trung. Lãnh đạo báo đã phải giải thích rất nhiều về việc này. Việc ông Trung không còn làm tại báo này nhưng vẫn dùng thẻ nhà báo để giới thiệu với các cơ quan chức năng để làm việc là trái quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của tờ báo. Chúng tôi đã báo cáo với cơ quan cấp trên để đề nghị xử lý nghiêm việc làm này của ông Trung” – đại diện lãnh đạo báo Nhà báo và công luận nói.

Không chỉ xưng danh PV Nhà báo và công luận, ông Trung còn giới thiệu mình đã từng làm Phó Tổng biên tập tạp chí Văn hiến.

Tuy nhiên, cũng theo xác nhận của PV với GS. Hoàng Chương – Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc VN – chủ nhiệm tạp chí Văn Hiến, cách đây 3 năm, sau khi phát hiện ra những việc làm ăn sai trái của ông Trần Đức Trung, GS Chương đã ra quyết định cắt mọi chức danh của ông Trung tại cơ quan này.

"Nữ đại sứ thiện chí" Lê Thị Hằng là ai?

Cũng theo lời kể của GS Hoàng Chương, nhiều năm trước đây, bà Lê Thị Hằng – Việt kiều ở Đức về Việt Nam làm ăn có đề xuất GS. Hoàng Chương và GS. Vũ Khiêu về việc lập chương trình ủng hộ người nghèo. Do nhận thấy đây là chương trình rất nhân văn vì người nghèo nên cả GS. Chương và GS. Vũ Khiêu đều rất ủng hộ. Thậm chí, hai vị giáo sư còn nhận đỡ đầu cho chương trình. Đích thân GS. Chương và GS. Vũ Khiêu đã viết thư kêu gọi nhiều Bộ, ban ngành ủng hộ cho chương trình này.

GS. Chương cũng đã nhận bà Lê Thị Hằng vào làm việc tại cơ quan và bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc VN đã miễn nhiệm mọi chức danh của bà Hằng.

Lê Thị Hằng- đại sứ thiện chí
Lê Thị Hằng từng được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí vì sự nghiệp phát triển nông thôn mới, nhưng đã bị miễn nhiệm từ lâu


Theo GS. Chương, đã 3 năm nay, GS không có quan hệ gì với ông Trung và bà Hằng nhưng nhiều thông tin cho biết, hai người này vẫn sử dụng những giấy tờ có chữ ký của GS. Chương để photo và scan dấu, chữ ký để đến cách địa phương làm ăn.

Ngoài ra, khi PV cho biết về việc Trung tâm này treo nhiều ảnh của các vị lãnh đạo cấp cao tại văn phòng và các điểm thu tiền, GS. Hoàng Chương cho biết, trước đây, ông đã từng lên án việc ông Trung và cô Hằng sử dụng hình ảnh của Lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước để trưng bày tại văn phòng và các điểm thu tiền. Bản thân GS. Chương và GS. Vũ Khiêu đã nhiều lần phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 2 người này phải gỡ ảnh xuống nhưng cả hai người này đều ngoan cố, không nghe.

GS. Chương cũng cho biết, đã có rất nhiều lãnh đạo Nhà nước và các giáo sư hàng đầu của Việt Nam cũng bị hai người này sử dụng photo và scan chữ ký các văn bản giấy tờ để trưng ra, tạo uy thế với lãnh đạo các địa phương.

Bảng dán các bức thư tay của Lãnh đạo được treo trong phòng thu tiền của Trung tâm
Bảng dán các bức thư tay của Lãnh đạo được treo trong phòng thu tiền của Trung tâm

Bản thân nhóm PV khi đến trụ sở của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tại 308-309 tòa nhà 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, chứng kiến cảnh một văn phòng bé khoảng 30m2 nhưng trên tường treo chi chít những bức ảnh chụp chung giữa bà Lê Thị Hằng – Tổng giám đốc và nhiều lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước. Thậm chí, nhiều bức thư ủng hộ chương trình Trái tim Việt Nam cũng được dán kín trên tấm bảng lớn và tại nhiều địa phương còn được photo hàng tập để phát cho nông dân. Mục đích của việc này là nhằm khoe khoang thân thế, quảng cáo cho chương trình tạo niềm tin để người nghèo thiếu hiểu biết “mắc bẫy”.

Sau khi phát hiện ra việc này, nhóm PV đã liên lạc với nhiều vị lãnh đạo cấp cao để thông báo sự việc. Hầu hết, các vị lãnh đạo đều rất bất bình về việc làm này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

 


Ý kiến bạn đọc