Chủ tịch Quốc hội: "Tại sao cứ xây nhà cao tầng giữa phố?"

18:18, 18/11/2015
|

(VnMedia) - Trả lời câu hỏi không đi vào trọng tâm, không rõ trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng “xây nhà vượt  tầng giữa phố”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã bị Chủ tịch Quốc hội hỏi dồn và cuối cùng đành... xin khất câu trả lời.

Phiên chất vấn sáng nay (18/11) tiếp tục nóng với phần chất vấn của đại biểu về tình trạng xây nhà vượt tầng giữa Thủ đô và chất lượng nhà chung cư.

Tư vấn Việt Nam chỉ đủ năng lực kiểm định chất lượng nhà đến 45 tầng

Liệt kê hàng loạt vấn đề như tình trạng quản lý xây dựng còn nhiều yếu kém, tiêu cực, vì vậy nhà cao tầng vượt hàng chục mét chiều cao so với cấp phép giữa thủ đô chậm được phát hiện; nhiều công trình chưa hoàn thiện đã được đưa vào sử dụng nên xảy ra hỏa hoạn ở nhiều chung cư cao tầng trong thời gian vừa qua... đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt câu hỏi:

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc kiểm định chất lượng xây dựng? Việt Nam đã đủ năng lực, trình độ để đánh giá độ an toàn của các tòa nhà cao 50-70 tầng chưa để nhân dân được yên tâm?”

Trả lời câu hỏi này trong phiên họp sáng nay (18/11), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo Luật xây dựng năm 2014, công trình cao tầng thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, đó là Sở Xây dựng.

Mặt khác, trong luật cũng yêu cầu khi cơ quan chuyên môn không đủ điều kiện để thẩm định thì được thuê các tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ kiểm định. Trong luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức tư vấn của các chủ đầu tư trong việc kiểm tra an toàn công trình.

“Như vậy, việc kiểm tra công trình nhà cao tầng được tiến hành với quy trình chặt chẽ. Những nhà tư vấn thiết kế phải kiểm tra tại chỗ, sau đó là kiểm tra chéo của các nhà tư vấn, cuối cùng là thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức và những vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng" - Bộ trưởng trả lời nhưng vẫn không nói rõ trách nhiệm cuối cùng là ai.

Về an toàn cháy nổ, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, có 2 vấn đề: Một là an toàn về chịu lực, hai là an toàn về cháy nổ. Theo Luật phòng cháy, chữa cháy thì Bộ Công an chịu trách nhiệm thẩm định và quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình nhà cao tầng.

Về năng lực kiểm định nhà cao tầng của Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, các cơ quan, các tổ chức tư vấn của Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiến bộ và hiện đã làm chủ được việc tính toán, thiết kế kếu cấu công trình 45 tầng. Ngoài ra, có thể kiểm định được công trình cao hơn nhưng phải có sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn nước ngoài.

Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tại sao cứ xây nhà cao tầng giữa phố? 

Vì sao nhà cao tầng cứ mọc giữa phố: Trả lời sau!

Quan tâm đến ảnh hưởng của nhà cao tầng đối với chất lượng đô thị, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: “Tôi xin hỏi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, vì sao có tình trạng nhà cao tầng mọc lên quá nhiều trong nội thành? Vì sao chúng ta đã có chủ trương kế hoạch di dời nhiều bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành nhưng chục năm nay chưa thực hiện được? Điều này gây hệ lụy đến ùn tắc giao thông.”

Về vấn đề này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho rằng, nguyên nhân quan trọng của ùn tắc giao thông là vấn đề quy hoạch và quản lý xây dựng.

“Xin Bộ trưởng Bộ xây dựng cho biết, vấn đề này như thế nào và quan trọng hơn, giải pháp sắp tới sẽ giải quyết như thế nào? “ – đại biểu Lê Nam nói.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói: “Vấn đề ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, đây là vấn đề lớn, không chỉ ngắn hạn mà phải dài hạn và phải tổng thể chứ không thể giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông một cách dễ dàng một sớm một chiều.”

Đưa ra 3 nguyên nhân không mới, đó là “Đô thị hóa dẫn đến tăng mật độ dân số; tăng phương tiện giao thông cá nhân và thiếu diện tích đất cho hạ tầng giao thông, Bộ trưởng đồng thời cũng đưa ra một số giải pháp khá cũ và rất... dài, đó là hạn chế việc gia tăng dân số vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Sau câu trả lời này của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc nhở: “Đồng chí trả lời thế thì bây giờ ai đi tìm nguyên nhân ùn tắc giao thông, chuyện đấy là chuyện khác!”.

“Vấn đề đại biểu hỏi đơn giản là quy hoạch thế nào, xây dựng trái luật và cao tầng phải chặt ngọn, trách nhiệm của Bộ xây dựng thế nào ở chỗ này, đó là một biện pháp, chỗ đó là một việc gây ra ùn tắc giao thông. Dân cư vào đúng rồi, nhưng quy hoạch xây dựng đô thị dân cư thế nào? Tại sao cứ xây nhà cao tầng giữa phố? Trách nhiệm Bộ Xây dựng ở chỗ nào, quản lý thế nào? Sau khi xảy ra rồi thì các đồng chí ra chỉ thị phải thực hiện nghiêm, quản lý nghiêm, xử lý nghiêm. Nhưng ở đây hỏi về quy hoạch về quản lý?” – Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Sau sự nhắc nhở này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lại tiếp tục nhấn mạnh chuyện quy hoạch vùng cũng như việc tăng cường kiểm soát sự gia tăng dân số tại đô thị trung tâm...

Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội lại phải nhắc nhở: “Đồng chí Bộ trưởng nên đi vào trọng tâm câu hỏi, không ai yêu cầu trả lời những việc đấy. Đại biểu chỉ hỏi là quản lý quy hoạch, có quy hoạch chung rồi, làm sao mà cứ lộn xộn như thế? Có chủ trương di dời rồi làm sao bây giờ lại không di dời được, trách nhiệm của Bộ Xây dựng thế nào? Phải đi thẳng vào câu hỏi này mới giải đáp được vấn đề.”

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tiếp tục nói: “Riêng Bộ Xây dựng không thể làm được hết, trách nhiệm ở đây sau này các Bộ, ngành cùng phải làm để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông”.

Chủ tịch Quốc hội lại nhắc: “Đại biểu chỉ hỏi là trách nhiệm của Bộ Xây dựng về mấy việc, quy hoạch có rồi, bây giờ lại làm không đúng, giấy phép thấp tầng cứ xây cao tầng, phạt và cho tồn tại, tại sao trong quá trình quản lý thì không biết, đến lúc xảy ra rồi lại đập phá thì hại cả cho dân. Chỗ này đồng chí phải trả lời sâu vào mới giải quyết được vấn đề.”

Đến lúc này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ nói gọn: “Chúng tôi đã trả lời như vậy. Nếu theo câu hỏi cụ thể thì chúng tôi sẽ có trả lời thêm”, rồi báo cáo hết mà không có câu nào nói về trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng tôi đã trả lời như vậy. Nếu theo câu hỏi cụ thể thì chúng tôi sẽ có trả lời thêm!

Tiếp sau phần trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, tại các đô thị, chiều cao được quản lý theo những quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp có nhà cao tầng cần phải vượt độ cao về quy hoạch cho phép thì phải đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng và đặc biệt phải đáp ứng yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc, được quy định trong dự thảo về quy chế quản lý khu nội đô thành phố Hà Nội, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để ban hành. 

Về di dời các cơ sở bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất công nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như các cơ quan hành chính ra khỏi trung tâm nội đô, Phó Thủ tướng cho biết, vào tháng 1 năm nay,  Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan phải rà soát lại danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở trong trung tâm để xây dựng đề án dịch chuyển ra ngoài; Giao các Bộ phải xây dựng cùng với đề án về tài chính và giao cho Bộ Tài chính kiểm tra, thẩm định những vấn đề này, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.

“Vì không có nguồn lực về tài chính thì việc di dời này sẽ hết sức khó khăn. Đặc biệt là trong điều kiện ngân sách hiện nay thì việc xây dựng một lộ trình và giải pháp hành chính đúng, phù hợp là một điều hết sức cần thiết để triển khai trong thời gian tới" -  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.


Ý kiến bạn đọc