TP. Hồ Chí Minh: Lấp hàng nghìn m2 rạch để xây cao ốc

19:50, 12/10/2015
|

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín vừa yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập và các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát thực địa tại dự án san lấp rạch ở phường Tân Phú, quận 7 do công ty TNHH Riviera Point làm chủ đầu tư để có biện pháp khắc phục và chấn chỉnh sai phạm.

Theo đó, nếu xem xét có thể bổ sung xây dựng hồ điều tiết thì thực hiện ngay việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phù hợp. Trong trường hợp không xây hồ điều tiết thì buộc chủ đầu tư phải có giải pháp để đảm bảo khả năng thoát nước như tăng tiết diện cống thoát nước công trình đấu nối vào hệ thống cống bao, không để xảy ra tình trạng ngập úng.

Theo UBND quận 7, để triển khai dự án, chủ đầu tư đã lấp tổng cộng 5 đoạn rạch thoát nước của khu dân cư xung quanh với gần 4.700 m2. Nhưng diện tích đất để bố trí xây dựng hồ điều tiết thì chỉ rộng 600 m2. Đối với phần rạch Cả Cấm đi ngang qua dự án Riviera Point bị lấp khoảng 3.000 m2.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu kiểm tra, khảo sát thực địa dự án khu dân cư Sài Gòn Mới mở rộng (huyện Nhà Bè) do Công ty cổ phần bất động sản Sài Gòn Mới làm chủ đầu tư, để thống nhất giải pháp xử lý đối với diện tích rạch đã bị san lấp, đảm bảo đáp ứng tốt khả năng tiêu thoát nước cho khu vực.

Về hướng chỉ đạo xử lý của UBND TP đối với việc lấp rạch làm dự án của công ty TNHH Riviera Point, TS Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM (WACC) nói: “Cách xử lý của thành phố là không đúng nguyên tắc và cũng không đúng luật. Cách duy nhất để cảnh báo cho những dự án còn lại không đi theo viết xe đổ là bắt buộc chủ đầu tư phải khôi phục lại hiện trạng. Bởi chủ đầu tư đã vi phạm luật rất rõ ràng. Ở đây không có giải pháp nào để chữa cháy cho hành động lấp rạch”.

Theo TS Hồ Long Phi, hồ điều tiết thì không thể thay thế cho rạch thoát nước. Bởi bản chất và công năng hồ điều tiết khác với rạch thoát nước. Rạch là để dẫn nước đi nơi khác làm thông thoáng dòng chảy. Còn hồ là để trữ nước bên trong dự án. Hồ chỉ bổ sung cho rạch chứ không thể thay thế. Lấp rạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với những khu vực xung quanh và gây ngập lụt.

Còn nếu chủ đầu tư làm cống thoát nước thì cống nằm ở đâu? Nếu làm ở trong dự án thì nước bên trong lại đẩy ra bên ngoài thì càng gây ngập nhanh hơn nữa. Đúng ra chủ đầu tư phải giữ nước lại. Vì vậy, không thể chọn giải pháp tăng tiết diện cống thoát nước để đẩy nước ra bên ngoài nhanh hơn.

“Luật pháp thì phải nghiêm, phải khôi phục kỷ cương. Phải xử lý kỷ luật những đơn vị nào theo dõi dự án mà không báo cáo hoặc dung dưỡng việc sai phạm này. Chắc chắn là địa phương không thể không biết. Trong khi quy định của pháp luật có đủ cơ sở để xử lý mà không làm. Để rồi chủ đầu tư là người có lợi còn cái hại thì xã hội phải gánh chịu và ngân sách nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục. Đây chỉ là một dự án, nếu hàng trăm dự án khác đều vin việc này như là một tiền lệ thì còn gì là kênh, rạch nữa?”, ông Phi nhấn mạnh.

Ông Phi cho biết thêm, trong 20 năm đô thị hóa, có đến 60% diện tích kênh, rạch bị san lấp. Hậu quả là thành phố bị ngập lụt nghiêm trong và phải tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng mà vẫn chưa khắc phục xong. “Phải xử lý mạnh mẽ một trường hợp để làm gương cho những trường hợp khác phải nhìn vào đó mà giữ đúng luật. Chứ không thể nói lỡ rồi nên cho khắc phục. Cách xử lý của chính quyền thành phố giống như là gợi ý cho họ xé rào thì còn gì nữa...” – ông Phi nói.

(theo NLĐ)

    


Ý kiến bạn đọc