Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đàm phán TPP bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất

20:14, 20/10/2015
|

(VnMedia) - Trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo Nghị quyết và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là: bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Quốc hội sáng 20/10 - ảnh: VGP

Những ngày gần đây, sự kiện thông qua Hiệp định TPP đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều bài phân tích đã được đưa ra, trong đó có dự báo về những ngành nghề sẽ được hưởng lợi và những ngành nghề sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội diễn ra sáng nay (20/10), trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã dành thời gian để báo cáo trước Quốc hội về sự kiện đặc biệt quan trọng này.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hiệp định TPP là Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 quốc gia , có quy mô chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán Hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11 năm 2010.

Các nước tham gia đàm phán cùng thống nhất mục tiêu của Hiệp định TPP là: Hiệp định TPP là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao nhưng cân bằng về lợi ích và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát huy sáng tạo; nâng cao năng suất lao động; tạo nhiều việc làm mới; nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo. Sau 5 năm, các nước đã kết thúc đàm phán Hiệp định vào ngày 5/10/2015.

“Trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo Nghị quyết và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là: bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp. Kết thúc đàm phán, chúng ta đã đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo nêu trên và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt.” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Thủ tướng cho biết, theo thỏa thuận, các Bên sẽ tiếp tục hoàn tất các văn bản, thủ tục để có thể cùng ký chính thức Hiệp định vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Sau đó, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi nước với mục tiêu là đưa Hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

  Thủ tướng nhận định, việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn.

“Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Đối với một số ngành hàng khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt được lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.” – Thủ tướng cho biết.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc thực hiện thành công Hiệp định TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

  “Với những kinh nghiệm thực tế trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và với bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.” Thủ tướng kỳ vọng và cho biết thêm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong bài phát biểu sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cả nước đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra, nhất là: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước.

Tuy nhiên, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra một số vấn đề của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm. Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, đất nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề.

  “Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2016, ngay từ đầu năm Chính phủ sẽ triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình.”


Ý kiến bạn đọc