Lịch sử sẽ là môn học tự chọn

16:55, 20/10/2015
|

(VnMedia) -  Trước nhiều ý kiến cá nhân, các nhà giáo, chuyên gia đề nghị đưa môn học Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng - An ninh thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có ý kiến về vấn đề này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ở THPT, môn Công dân với Tổ quốc (theo bản Dự thảo) là một trong 4 môn bắt buộc, môn này là tích hợp của 3 môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh, đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Như thế, môn Lịch sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc.

Định hướng giá trị công dân (quyền và nghĩa vụ), hội nhập quốc tế, tuân thủ luật giáo dục quốc phòng, an ninh, các kiến thức phổ thông nền tảng được hoàn thành ở cấp tiểu học và cấp THCS. Ở cấp THPT là định hướng nghề nghiệp, có ít môn bắt buộc, dành thời gian cho các môn học và chuyên đề học tập tự chọn.

Bộ GD&ĐT khẳng định rằng, nội dung giáo dục Lịch sử, Quốc phòng - An ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp THPT.

Ngoài ra, ở cấp THPT học sinh còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học xã hội (là môn học dành cho những học sinh có thiên hướng về  các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Công nghệ) hoặc môn Lịch sử  và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử (là môn học chuyên đề về học tập dành cho học sinh có thiên hướng về Khoa học xã hội và nghệ thuật).

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác.

Được biết, theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tới đây, chương trình cấp trung học phổ thông được xây dựng theo tình thần phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 tới lớp 11, 12. Học sinh sẽ học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11)... 

Thùy Minh


Ý kiến bạn đọc