(VnMedia) - Mỹ đang gây sóng gió ở Biển Đông khi đưa tàu chiến mang tên lửa dẫn đường vào khu vực gần quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã có phản ứng về hành động trên của Mỹ.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ vừa đi vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Hôm nay (29/10), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Hoa Kỳ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Trước đó, sáng hôm 27/10, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ - USS Lassen đã đi qua khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý do với bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một cấu trúc địa lý chìm dưới mặt biển vào lúc thuỷ triều lên cao.
Washington tuyên bố, việc họ điều tàu chiến đến khu vực trên là để khẳng định sự tự do hàng hải, tự do bay qua bầu trời ở Biển Đông và cũng là để thể hiện sự không công nhận của Mỹ đối với chủ quyền của Trung Quốc đòi hỏi một cách phi lý ở khu vực này. Trung Quốc trong thời gian qua đã tiến hành dự án nạo vét, bồi đắp trái phép quy mô lớn để xây dựng đảo nhân tạo ở nhiều khu vực của Biển Đông nhằm tìm cách thay đổi thế nguyên trạng, tiến tới giành chủ quyền ở những nơi này. Động thái của Mỹ đang châm ngòi cho một cuộc đối đầu nóng bỏng giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo luật quốc tế, việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực bãi đá trước đây từng bị ngập dưới mặt biển không giúp một quốc gia xác định chủ quyền ở nơi đó.
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc