Ngay cổng chính của trường được trang trí bằng một vòng bóng hơi thật to đung đưa khiến bọn trẻ con thích thú. trang trí đơn giản và có phần giống như vào khu vui chơi của trẻ con. Không hề có băng rôn, cờ hoa, khẩu hiệu - những dấu hiệu quen thuộc của không khí lễ lạt. Ngạc nhiên nhất là người đầu tiên đứng ở cổng trường đón học sinh chính là thầy hiệu trưởng. Ông cười chào đón từng học sinh bước qua cổng trường bằng câu: “Welcome back” (Chào mừng trở lại trường). Lần lượt tiếp theo sau ông là các thầy cô giáo, nhân viên của nhà trường. Có mặt cả các cô y tá, nhân viên nhà ăn… tươi cười chào đón lũ trẻ và phụ huynh. Thầy hiệu trưởng và các thầy cô, nhân viên cũng sẵn sàng đập tay “high five” với học sinh, nhất là những bạn bé. Nghi thức chào đón thân thiện này cũng chỉ kéo dài chừng 15 phút, sau đó ai về vị trí làm việc của người nấy. Các cô giáo ra khu vực tập trung của từng khối lớp đón học sinh. Con gái tôi thực sự phấn khích vì vừa được đập tay với Mr C. - cách cả trường gọi thầy hiệu trưởng. Từng lớp xếp hàng theo khu vực quy định đã đánh dấu sẵn. Cô giáo chào mừng và hỏi han từng học sinh, từng phụ huynh. Bố mẹ thoải mái đứng cùng con, trò chuyện hỏi thăm lẫn nhau. Đến đúng giờ vào lớp như thường lệ, từng lớp lần lượt đi theo hàng vào lớp. Bố mẹ có thể nắm tay đi cùng các con đến tận cửa khu lớp học để chào tạm biệt. Còn các cô bé, cậu bé lon xon với ba lô trên lưng và túi cơm trên tay bước vào khu lớp học chính thức bắt đầu ngày học đầu tiên. Khi thấy tôi lưu luyến nắm tay cô con gái trước cửa hơi lâu, cô giáo lớp một của con tôi - cô Bergin nhắc nh:ẹ “Đừng để em ấy và cả lớp bị muộn học”. Các con đã bắt đầu buổi học đầu tiên đúng giờ, không bị mất nhiều thời gian cho các nghi thức, dù đây cũng là ngày đầu tiên nhiều em mới gặp cô giáo chủ nhiệm của mình.
Chiều khi con trở về nhà sau ngày học đầu tiên, tôi hỏi con gái ở trường thế nào và nhận được câu trả lời khiến tôi nhớ mãi: “Cô Bergin nói, hãy tận hưởng ngày đầu tiên vui vẻ nhé. Hy vọng cả lớp sẽ có một năm học thành công và hạnh phúc. Rồi chúng con bắt đầu học bài. Học rất vui mẹ ạ”.
Đấy là đối với trường tiểu học, nơi các con đến trường cần có sự “hộ tống” của cha mẹ. Đối với cô con gái lớn học trung học, năm học mới còn bắt đầu đơn giản hơn, đúng nghĩa là “ngày đầu tiên của năm học”. Các em học sinh sẽ nhận thông báo trực tiếp từ nhà trường qua email, trên website về lịch học các môn đã đăng ký, chuẩn bị sách vở… Và đúng đến ngày, học sinh tới trường đúng giờ để tham dự một nghi thức chào đón vui vẻ và đơn giản ở phòng họp chung, nghe thầy hiệu trưởng giới thiệu về những thay đổi của trường trong năm học mới, những quy định kỷ luật mới của trường, đánh giá về kết quả thi của năm học trước… Tất cả đều là những thông tin thiết thân của học sinh, nhất là đối với những em năm cuối cấp. Sau đó, thầy giám thị sẽ thông báo chi tiết về các quy định xử phạt và tuyên dương của trường áp dụng trong năm học mới. Các thầy cô chính của từng bộ môn phổ biến cho học sinh những điểm mới trong chương trình học, những yêu cầu về sách vở, kiểm tra đánh giá... Buổi chiều, học sinh sẽ nhận các lớp học, mỗi tiết học này sẽ chỉ khoảng 10 phút để học sinh làm quen với giáo viên và bạn cùng lớp. Không có khách mời và bài diễn văn nào hết!
Tôi đã đến dự tất cả lễ khai giảng của cô con gái lớn từ lớp 1 đến lớp 8 khi con học ở Việt Nam. Đối với tôi, đó vẫn luôn là những kỷ niệm đáng nhớ, xúc động. Năm này qua năm khác, con lớn lên, trải qua nhiều khối lớp những ngày đầu năm học của con vẫn luôn mang đến cho tôi một cảm giác đặc biệt. Nhưng tôi cũng thấy hình như bao nhiêu hào hứng với năm học mới, được gặp lại bạn bè sau một mùa hè của con thường vơi dần sau tuần lễ tập tành chuẩn bị cho khai giảng. Tôi vẫn còn nhớ khi chuẩn bị cho khai giảng năm đầu tiên ở trường tiểu học, con phải tập trước cả tuần, dù chỉ là cách đi đứng, diễu hành qua sân trường. Đến đúng ngày khai giảng, các con phải đến trường tập trung từ sáng sớm, để rồi nhễ nhại, bơ phờ dưới nắng vài tiếng đồng hồ chờ đón khách, nghe những bài diễn văn dài mà con không nhớ được câu nào vì toàn những từ ngữ quá to tát, nhiều con số tỷ lệ này nọ… so với một đứa trẻ lớp một. Các con vỗ tay, phất cờ hoa như máy khi cô giáo nhắc. Tôi thương cả các cô giáo của con, dù mặc áo dài, trang điểm thật đẹp nhưng cũng tất tả, bơ phờ, vừa tay quạt không ngừng cho học trò, vừa phải luôn miệng trấn an đám trẻ giữ nguyên hàng lối. Sau lễ khai giảng, con mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ bừng vì ngồi ngoài sân trường hàng tiếng, hỏi ngay khi mẹ đến đón: “Ngày mai có phải đi khai giảng nữa không mẹ ơi?”. Những ngày khai giảng như vậy diễn ra hằng năm, thầy trò ngắc ngoải chờ những bài diễn văn năm nào cũng giống năm nào kết thúc. Con tôi rồi cũng dần quen với ngày khai giảng nhưng vẫn không hết thắc mắc: “Tại sao chúng con cứ phải đứng mỏi cả chân rồi lại ngồi thật lâu để chờ các bác đọc?”. Thì ra, đối với bọn trẻ, không phải là “nghe” mà chỉ là “chờ” đọc xong diễn văn! Sau lần khai giảng năm lớp 5, con gái tôi nói rất thật lòng: “Con thích nhất là lúc cô hiệu trưởng bảo năm học mới bắt đầu và đánh trống vì sau đấy bọn con không phải xếp hàng và vỗ tay nữa”.
Ngày đầu tiên của năm học bao giờ cũng là một ngày quan trọng và đáng nhớ, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ. Nhưng trước hết đó phải là ngày của các em học. Các em mới là chủ thể chính. Người lớn chúng ta đừng long trọng hóa, biến những ngày khai giảng thành những buổi lễ - nơi quan khách trở thành nhân vật chính. Các trường, các em học sinh vẫn cần có ngày khai giảng nhưng nên để nó đơn giản và hữu ích, đúng là “ngày đầu tiên của năm học mới” cho các em, chứ không phải một sự kiện cờ hoa mang tính đối ngoại hay thể hiện phô trương hình thức.
Thanh Hà
Ý kiến bạn đọc