Bức xúc cách thu phí bảo hiểm y tế học sinh

10:37, 09/09/2015
|

 Năm học 2015 - 2016, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%, học sinh sinh viên (HSSV) sẽ phải đóng cùng lúc 15 tháng bảo hiểm y tế.  Vấn đề này khiến nhiều người không khỏi đau đầu khi đầu năm học đã quá nhiều khoản đóng góp.
 

Nhiều phản ứng trái chiều

Ngay trong ngày 8/9, anh Lê Văn M. có con học tại một trường THCS nhận được tin nhắn đóng tiền BHYT cho con. Anh M. bức xúc: "Năm trước, mức thu BHYT 289.800 đồng nhưng năm nay tăng lên 544.000 đồng. Mức tăng này là quá cao. Bình thường các cháu có đau ốm gia đình thường cho cháu khám tư hoặc khám dịch vụ, không trông chờ gì vào BHYT vừa phiền hà, mất thời gian và không hiệu quả".

Cũng như anh M., rất nhiều phụ huynh học sinh cho rằng, mức tăng này là quá cao bởi ngay từ đầu năm học phụ huynh đã đóng rất nhiều khoản khác nhau và tại sao lại có việc điều chỉnh này.

Còn cô giáo Nguyễn Thanh L. (Giáo viên THCS) cho hay, từ đầu năm học đến nay, khi biết được thông tin về việc đóng BHYT tăng lên, nhiều phụ huynh bày tỏ thắc mắc. Cô L. cho biết, nhiều phụ huynh đến trường gặp cô để thắc mắc, cô phải trả lời rất nhiều câu hỏi về mức tăng BHYT của nhiều phụ Huynh qua điện thoại, tin nhắn, thậm chí cả Facebook...Theo cô L., mức đóng BHYT năm nay ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình, do vậy các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn mức thu để giảm gánh nặng về tài chính cho các gia đình vào đầu năm học

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, việc thu  BHYT 15 tháng thay vì 12 tháng như mọi năm là không đúng. Điều này hết sức vô lý, tại sao lại dồn cái khó cho dân. Đồng thời, số tiền này không hề nhỏ, đặc biệt đối với những gia đình ở nông thôn, ở các khu vực ngoại thành. Có những nơi thu nhập rất kém, nông sản lỗ rất nhiều, do vậy không thể có lý do gì mà lại dồn cái khó cho người dân như vậy được. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi ít nhất cũng chỉ nên thu BHYT 12 tháng như mọi năm, không được thu nhiều hơn.
 

05f7048f1edb71cf54d78addbf9a7a16_XL.jpg
Ảnh minh họa.

Lý giải của Bộ Y tế về việc tăng mức đóng BHYT đối với học sinh viên

Trước những bức xúc của phụ huynh học sinh, ông Lê Văn Khảm - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã giải đáp một số thắc mắc về vấn việc tăng mức đóng BHYT đối với HSSV.

Về việc tăng mức đóng BHYT đối với HSSV từ 3% lên 4,5% lương cơ sở, ông Lê Văn Khảm cho biết, thứ nhất mức đóng tăng là phù hợp với sự điều chỉnh của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Theo đó quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng mở rộng. Cụ thể, với người hộ gia đình nghèo, trước đây khám chữa bệnh phải cùng chi trả 5% chi phí thì bây giờ không phải cùng chi trả nữa. Như vậy, hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Tương tự như vậy, đối với một số các loại hình bệnh tật, các trường hợp bệnh trước đây BHYT không chi trả thì hiện nay cũng được BHYT chi trả.

Ngoài ra, mức điều chỉnh này để đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh các công nghệ kỹ thuật trong y khoa, trong sản xuất thuốc đang được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và như vậy, chi phí cho khám chữa bệnh ngày càng tăng.

Lý giải về việc cách thu BHYT đối với HSSV năm nay, ông Khảm cho biết, việc điều chỉnh mức thu BHYT đối với HSSV đã được cân nhắc rất là kỹ. Về việc ảnh hưởng đến kinh tế của hộ gia đình, ông Khảm cho biết, rất nhiều đối tượng tham gia BHYT là HSSV nhưng lại thuộc các đổi tượng khác nhau, các em là thành viên của hộ gia đình nghèo hoặc người dân tộc thiểu số hoặc là người sinh sống ở huyện xa, đảo xa hoặc là thân nhân của sĩ quan thì đã được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng 100%. Cho nên gia đình này không bị ảnh hưởng gì cả.

Ngay cả đối với những gia đình hộ cận nghèo, các em tham gia theo hộ gia đình cận nghèo cũng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng và chỉ đóng 30%. Trong khí đó, rất nhiều địa phương và tỉnh thành đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ nốt 30% mức đóng cho hộ gia đình cận nghèo.

Như vậy, còn các em học sinh sinh viên thuộc các gia đình khác thì khi tham gia BHYT cũng được Nhà nước hỗ trợ 30%. Cho nên việc điều chỉnh này không có tác động lớn đến nhiều đối tượng khác nhau và đối với kinh tế hộ gia đinh.

Về việc điều chỉnh cách đóng, ông Lê Văn Khảm cho biết đó là theo quy định của Luật BHYT, việc thu phí BHYT là theo năm tài chính, nghĩa là từ  1/1 của năm đến 31/12 của năm đó. Trước đây HSSV là thu theo năm học,  còn bây giờ là đang trong thời điểm giao thời giữa năm 2015 và những năm tiếp theo. Như vậy, thu phí BHYT 15 tháng gồm có 3 tháng của năm 2015 và 12 tháng tiếp theo của năm 2016. Tuy nhiên, việc thu phí BHYT không áp dụng một cách máy móc là thu luôn 1 lần 15 tháng, như thế sẽ tạo gánh nặng cho các bậc phụ huynh, cho các gia đình nhân dịp năm học mới.

Do vậy, việc đóng BHYT đối với HSSV có thể giãn tiến độ hay còn gọi là phân kỳ mức đóng. Có thể năm 2015, HSSV chỉ đóng 3 tháng để đủ cho đến 31/12/2015. Sau đó, năm 2016 có thể đóng 12 tháng hoặc cũng có thể thu 6 tháng 1 lần đê giảm áp lực đầu năm học cho các gia đình.

Phạm Minh


Ý kiến bạn đọc