(VnMedia) - Theo đại biểu Quốc hội, tiến sĩ Trần Du Lịch, "3 nguyên nhân tiêu cực" khiến ngân sách lâm vào tình trạng giật gấu, vá vai một cách vất vả là: Cơ chế xin cho; Vung tay quá trán; Kỷ cương kỷ luật ngân sách và thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Ngày 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Xung quanh vấn đề phát hành thêm trái phiếu và những giải pháp để tạo nên một nền tài chính công bền vững hơn trong thời gian tới, theo đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), nếu xét trên tổng thể của nền kinh tế thì “chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam và đất nước Việt Nam có một vị trí to lớn và tốt đẹp như hiện nay”.
“Nhưng tại sao trong bối cảnh như vậy, bây giờ ngân sách đã phải lâm vào tình trạng giật gấu, vá vai một cách vất vả thế này?” – đại biểu Lịch đặt câu hỏi và đưa ra 5 nguyên nhân.
“2 nguyên nhân tôi gọi là nguyên nhân tích cực, mặc dù nó tạo ra bội chi ngân sách nợ, nhưng vẫn là tích cực, đó là nỗ lực của chúng ta để đầu tư làm nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở đô thị và xã hội để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Thứ hai, chúng ta thực hiện chính sách xã hội giảm việc phân hóa giàu, nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị, thực hiện các chương trình quốc gia và thành quả là chúng ta đạt được về mặt xã hội của vấn đề.”
Đại biểu Trần Du Lịch |
Một trong "3 nguyên nhân tiêu cực", theo đại biểu Trần Du Lịch, nếu không sửa thì không làm được, đó việc duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi cái nào là ngân sách quốc gia, cái nào là ngân sách địa phương.
Nguyên nhân thứ hai, đó là “vung tay quá trán trong chi tiêu, sự nới rộng quá lớn bộ máy”.
“Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi” – đại biểu Lịch nhấn mạnh. Đây cũng là một nguyên nhân được đại biểu Nguyễn Danh Út nói khá gay gắt. Theo đại biểu Danh Út, tổ chức bộ máy như hiện nay đang qua cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động thi đua, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng.
Đại biểu Danh Út đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc vừa tiếp kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Theo ông, về cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan đơn vị nếu ai làm sai quy định phải xử lý kiên quyết, ai làm không được vị trí công việc thì kiên quyết thay đổi.
Nguyên nhân tiêu cực thứ ba mà đại biểu Trần Du Lịch đưa ra, đó là kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách, vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản.
“Tôi ví dụ trong lĩnh vực giao thông, tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Đinh La Thăng đã mạnh tay xử lý những thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư về giao thông. Tôi nghe nói có 4 dự án Bộ trưởng xem xét lại người ta nâng quy mô dự án lên một cách vô lý đã giảm được hơn 15.000 tỷ, nếu không làm như vậy thì đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý đó.” – đại biểu trần Du Lịch dẫn chứng và đề nghị không nên "vung tay quá trán" trong vấn đề xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm.
Đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục khẳng định, việc xây dựng cơ quan, trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng bên trong là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư.
Huy động “500 bộ óc của toàn Quốc hội” khi sử dụng trái phiếu
Đồng tình với đại biểu Trần Du Lịch là cần bỏ cơ chế xin cho, góp ý về việc sử dụng trái phiếu Chính phủ, đại biểu Trần Xuân Hoà (Quảng Ninh) cho rằng, về thẩm quyền quyết định danh mục cụ thể và mức bổ sung cho từng dự án nên đưa ra cuộc họp chung của toàn Quốc hội chứ không nên bó hẹp trong Thường vụ.
“Đây là một khoản rất lớn, và hơn nữa, 18 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo rất nhiều chuyên ngành khác nhau nên về lĩnh vực kinh tế này, tôi nghĩ cần phải tận dụng cả 500 bộ óc của toàn quốc Quốc hội thì nó sẽ chuẩn xác hơn. Hơn nữa, khi chúng ta có ý kiến phê phán bên hành pháp về câu chuyện cơ chế xin, cho, lợi ích nhóm thì bằng việc đưa ra cuộc họp của Quốc hội để thông qua những dự án cụ thể, những mức bổ sung cụ thể trong sử dụng trái phiếu Chính phủ sẽ loại trừ được vấn đề cơ chế xin, cho.”
Tương tự, Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) cũng đề nghị cơ quan trình nên đưa ra một danh mục tất cả các dự án sẽ đầu tư và sử dụng trái phiếu Chính phủ. “Một trong những bài học rất quan trọng về việc sử dụng trái phiếu Chính phủ từ năm 2006 đến 2012 chính là việc này và phải có danh mục để tính hiệu quả và để công khai, minh bạch, hạn chế những mặt tiêu cực, sau vài năm nữa chúng ta lại ngồi phê bình, kiểm điểm nhau thì rất phức tạp. Tôi nghĩ thà ta minh bạch ngay từ đầu thì rất tốt.” – đại biểu Hà Huy Thông nêu rõ.
Ý kiến bạn đọc