(VnMedia) - Mới đây, LG đã công bố LG V10 – 1 chiếc smartphone cao cấp có đến 2 màn hình, và màn hình phụ của chiếc điện thoại này tỏ ra rất hữu dụng. Cũng như V10, trong lịch sử phát triển điện thoại, đã có không ít những chiếc smartphone độc đáo như vậy, tuy nhiên xu hướng này đã không được người tiêu dùng chào đón. Liệu trong tương lai, những smartphone 2 màn hình có trở thành “thế lực” mới?
Hãy cùng VnMedia nhìn lại những thiết bị mang đầy tính sáng tạo này.
Samsung Continuum
Được giới thiệu vào năm 2010, đây là chiếc điện thoại đầu tiên của Samsung có 2 màn hình - một màn hình 1.8” nằm bên dưới màn hình 3.4”. Giống như LG V10, thực chất Continuum chỉ có 1 màn hình 4” Super Amoled được chia làm hai phần: một màn hình chính 3.4” có 3 phím ảo và 1 màn hình phụ 1.8”.
|
Samsung Continuum |
Motorola Wilder
Đến từ Motorola, Wilder là 1 smartphone thật sự có 2 màn hình. Motorola Wilder sở hữu màn hình LCD 2.8” độ phân giải 240x320 và một màn hình phụ 0.7” độ phân giải 96 x 16px. Màn hình phụ này sẽ có chức năng chính là hiển thị thông báo mà người dùng đã bỏ lỡ, thông tin bài hát, sóng điện thoại và thời lượng pin còn lại. Màn hình phụ này sẽ không được bật liên tục bởi viên pin 910mAh là không đủ để “gánh” cả 2 màn hình hoạt động liên tục.
|
Motorola Wilder |
LG Doubleplay
Đối với LG, xu hướng 2 màn hình này không có gì là mới lạ. Vào năm 2011, LG đã trình làng LG Doubleplay – 1 chiếc smartphone kiếu dáng trượt cùng bàn phím QWERTY và một màn hình phụ 2” độ phân giải 480 x 320 px.
|
LG Doubleplay |
Màn hình phụ này được LG bố trí ở chính giữa 4 hàng phím, đảm nhiệm chức năng hiển thị phím tắt cho nhiều ứng dụng (hầu hết những ứng dụng này cũng đã hưởng lợi khá nhiều từ bàn phím cứng). Với một số ứng dụng thì màn hình phụ này sẽ hiển thị những phím hỗ trợ, như phím Tabs và phím Bookmarks trên trình duyệt.
Samsung Galaxy Beam
Không như những nhà sản xuất khác, Samsung cho rằng màn hình phụ không nhất thiết phải nằm trên điện thoại cùng với màn hình chính. Vào năm 2010 Samsung đã cho ra đời Galaxy Beam, 1 smartphone tầm trung tích hợp máy chiếu. Trên đỉnh của Beam là một bộ phận trình chiếu, tạo ra 1 màn hình lên tới 50” có độ phân giải 800 x 480px. Galaxy Beam cũng là một thiết bị 2 màn hình hiếm hoi đạt được thành công về mặt thương mại.
|
Samsung Galaxy Beam |
Kyocera Echo và Sony Tablet P
Không giống như người Hàn hay người Mỹ, người Nhật lại đưa thiết kế 2 màn hình lên những thiết bị có nắp gập. Cũng vào năm 2011 Kyocera trình làng Echo – 1 chiếc điện thoại kết hợp 2 màn hình 3.5” có độ phân giải 480 x 800px thành 1 màn hình 4.7”.
|
Kyocera Echo và Sony Tablet P |
“Theo chân” Kyocera, “người đồng hương” Sony cũng giới thiệu Tablet P – Máy tính bảng dạng nắp gập gồm 2 màn hình 5.5” 1024 x 480px. Tuy nhiên, cũng giống như Kyocera, Sony chưa loại bỏ được “viền đen chết chóc” giữa 2 màn hình của mình.
|
YotaPhone
Với đa số người dùng Việt Nam thì hãng điện thoại Yota đến từ Nga khá lạ lẫm, nhưng với người dùng và giới chuyên môn quốc tế thì lại rất quen thuộc với sản phẩm YotaPhone. Đến với YotaPhone, người dùng sẽ có một màn hình e-ink (loại màn hình thường được trang bị cho máy đọc sách) ở mặt sau máy. Màn hình phụ này sẽ luôn hoạt động bởi nó gần như không tiêu tốn năng lượng, đồng thời cũng phát ra ánh sáng khá dễ chịu với mắt người.
|
YotaPhone |
LG AKA
VnMedia sẽ kết thúc danh sách này với 1 sản phẩm “không bình thường”, tuy nhiên lại mang đến nhữnh trải nghiệm rất thú vị. Về mặt kỹ thuật thì chiếc smartphone này không có màn hình thứ 2, tuy nhiên, một phần trên màn hình lại có thể để trống, và LG dùng phần màn hình này để vẽ “mắt” cho chiếc điện thoại.
|
LG AKA |
LG AKA mang lại một số tính năng đặc biệt và hữu dụng, và tính năng thu hút người dùng nhất chính là sự kết hợp giữa “mắt” và trợ lí ảo. Trên thực tế không thể phủ nhận Siri, Google Now hay Cortana là những trợ lí hữu dụng, tuy nhiên chúng lại không có “cảm xúc” nếu so với AKA.
Ý kiến bạn đọc