(VnMedia) - Hội thảo “Sử dụng hiệu quả phổ tần số và quỹ đạo vệ tinh” do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam) tổ chức ngày 29/9, tại thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia của ITU, Việt Nam và của các Công ty vệ tinh hàng đầu khu vực và thế giới như: SSII, SES, Asiasat, ABS, O3b, Eutelsat, Viasat,…
Những thông tin, kinh nghiệm của các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo sẽ giúp các cơ quan quản lý tìm ra được một cái nhìn toàn diện về xu thế công nghệ và thể lệ để thiết lập các chiến lược phù hợp tiếp cận phổ tần quỹ đạo vệ tinh và sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện.
Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan chia sẻ: “Dịch vụ thông tin vô tuyến đang đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của xã hội chúng ta. Sự đa dạng về nội dung được cung cấp qua các dịch vụ thông tin vô tuyến mang đến cho người sử dụng nhiều tiến bộ. Mặc dù mạng vô tuyến mặt đất có sự phổ biến rộng, song thông tin vệ tinh vẫn đóng vai trò quan trọng mang lại nhiều dịch vụ thông tin vô tuyến có giá trị. Thông tin vệ tinh có khả năng cung cấp các dịch vụ tới những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, trên phạm vi rộng mà các mạng mặt đất không thể thực hiện được”.
“Tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên có hạn, trong khi mọi quốc gia đều mong muốn truy cập, sử dụng tài nguyên này. Các thủ tục pháp lý phối hợp và đăng ký để được ghi nhận quốc tế là rất khó khăn. Ngày nay, phổ tần và quỹ đạo vệ tinh rất chật hẹp, tắc nghẽn. Các hoạt động thực hiện phối hợp giữa các mạng vệ tinh để tránh can nhiễu đang trở nên rất tốn kém; nhiều nước không thể truy cập, sử dụng phổ tần và quĩ đạo vì không hoàn thành được phối hợp với các nước để được ghi vào Bảng tần số chủ quốc tế. Những khó khăn của Thể lệ vô tuyến phải được xác định và sửa đổi để tạo điều kiện cho các nước thực hiện có hiệu quả”, Cục trưởng Hoan nhận định.
Toàn cảnh Hội thảo.
Các vấn đề liên quan được Hội thảo bàn sâu tại 05 phiên làm việc xoay quanh các nội dung cơ bản như: Cơ hội cho các quốc gia mới tiếp cận được với tài nguyên quỹ đạo vệ tinh và nỗ lực tăng cường năng lực hiện tại trong ngành công nghiệp vệ tinh, bao gồm cả những ưu đãi cho việc sử dụng tối ưu phổ tần quỹ đạo vệ tinh; những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng hiệu quả các công nghệ mới có sức lan truyền rộng của một số công ty nổi tiếng thế giới; chương trình nghị sự về sử dụng hiệu quả phổ tần quỹ đạo vệ tinh sẽ đưa ra tại WRC-15/WRC-19;...
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã cùng thảo luận các đề xuất để đưa ra tại Hội nghị thông tin vô tuyến Thế giới năm 2015 (WRC-15) về những biện pháp để tăng cường khả năng truy cập, sử dụng hiệu quả phổ tần số và quỹ đạo vệ tinh; quyền lợi và nghĩa vụ của các nước liên quan đến việc áp dụng những khung pháp lý theo quy định của Thể lệ vô tuyến điện,…
Tiếp ngay sau Hội thảo này, cũng tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Thông tin vệ tinh quốc tế 2015 sẽ được diễn ra vào các ngày 30/9 và 01/10/2015.
Ý kiến bạn đọc