"Choáng" với chứng nghiện smartphone của người châu Á

10:30, 08/09/2015
|

(VnMedia) - Chứng nghiện smartphone - Nomophobia, từng được đề cập tới trong nhiều năm qua, hiện giờ tốc độ lây lan của "bệnh" này ngày càng nhanh và độ tuổi "mắc bệnh" ngày càng trẻ.

Một nghiên cứu gần đây với 1.000 học sinh - sinh viên tại Hàn Quốc cho thấy, 72% trong số này sở hữu smartphone trong độ tuổi từ 11 - 12 và họ dành trung bình mỗi ngày 5,4 tiếng để chơi điện thoại. Kết quả, 25% trong số này được chẩn đoán mắc chứng nghiện smartphone.

Smartphone có vị trí đặc biệt trong nhiều xã hội, nhưng cái cách chúng du nhập vào Châu Á cũng thật khác người. Đó là thông qua con đường ảnh khiêu dâm - thời kỳ đầu smartphone được dùng để xem ảnh khiêu dâm. Tại Nhật Bản, nét đặc trưng này được gọi với cái tên "văn hóa keitai".

Châu Á với khoảng 2,5 tỉ người dùng smartphone, và đã có rất nhiều sự vụ liên quan tới việc sử dụng thiết bị này. Chẳng hạn, một du khách Đài Loan đã cần tới sự trợ giúp của đội cứu hộ khi rớt khỏi cầu tàu trong lúc mải check Facebook trên điện thoại. Hoặc một phụ nữ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã được đội cứu hỏa cứu vớt sau khi rơi xuống cống thoát nước trong lúc mải nhìn điện thoại. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ thiệt mạng do rơi xuống vách núi trong lúc mải mê chụp ảnh "tự sướng" bằng điện thoại.

Ảnh minh họa
Ngày càng nhiều trẻ em ở Châu Á sử dụng smartphone thường xuyên

Tại Singapore cũng chứng kiến nhiều tình tiết liên quan tới smartphone. Quốc đảo này có dân số vỏn vẹn 6 triệu người nhưng hầu hết đều có điện thoại, đạt tỉ lệ sử dụng smartphone cao nhất thế giới. Singapore cũng có tỉ lệ "nghiện" smartphone cao. Nơi đây có những phòng khám dành riêng cho chứng "nghiện kỹ thuật số" và có nhiều chiến dịch vận động giúp coi đây là "căn bệnh" chính thức.

"Giới trẻ thường thiếu độ chín chắn cần thiết khiến cho họ khó kìm chế hơn khi sử dụng điện thoại", Chong Ee-Jay, Giám đốc một trung tâm điều trị chứng nghiện kỹ thuật số tại Singapore nhận định.  

Tại Hàn Quốc, Emma Yoon (tên đã được thay đổi) - sinh viên 19 tuổi đã có 3 năm điều trị chứng nomophobia (từ tháng 4/2013): "Điện thoại đã trở thành thế giới của tôi, là một phần trong tôi. Trái tim tôi như rụng rời và tay run không thể làm gì nếu tôi nghĩ rằng mình đã đánh mất điện thoại. Tôi sẽ không đi đâu hết nếu không có điện thoại".

Ảnh minh họa
Hình ảnh chụp tại Hồng Kông – những người biểu tình giơ điện thoại của họ lên thắp sáng bầu trởi đêm.

Bố mẹ của Yoon nói rằng, việc sử dụng điện thoại của con gái họ ảnh hưởng tới cả những hành vi khác. Yoon thậm chí không tham gia các hoạt động tại trường mà chỉ suốt ngày chăm chú vào chiếc điện thoại.

Nghiên cứu của Hàn Quốc chỉ ra rằng những người dùng smartphone cho các hoạt động mạng xã hội thường dễ bị nghiện hơn. Bởi khi đó, đối với họ, điện thoại chính là chìa khóa duy nhất kết nối với xã hội con người. Giới trẻ bị chứng nghiện smartphone sẽ cảm thấy "bơ vơ" và không thể kết nối với mọi người nếu thiếu chiếc điện thoại.

Tại một số xã hội châu Á, nơi mà học sinh - sinh viên thường được giao rất nhiều bài tập về nhà, thì điện thoại chính là kết nối duy nhất của họ với bạn bè để chơi đùa và chia sẻ thông tin.

Ảnh minh họa

Biện pháp nào?

Một số quốc gia đã áp dụng các quy định và hạn chế mức độ sử dụng smartphone để tránh gây nghiện. Tại Hàn Quốc, tranh cãi vẫn đang nổ ra khi Chính phủ ban hành một ứng dụng kiểm soát cài trên điện thoại mà giới trẻ sử dụng. Năm 2011, chính phủ nước này cũng áp dụng hàng loạt các biện pháp cấm trẻ chơi game sau nửa đêm.

Trung Quốc, một trong những quốc gia đầu tiên công nhận căn bệnh nghiện Internet, đã thiết lập nhiều bệnh xá theo kiểu quân đội để chữa trị cho những người mắc phải, chủ yếu là thanh thiếu niên mới lớn.

Thomas, chuyên gia về tâm thần học, cho rằng các quốc gia khác tại châu Á cũng nên áp dụng các biện pháp thích hợp và coi chứng nghiện smartphone là bệnh "rối loạn tâm thần chính thức", tương tự như bệnh nghiện sex hoặc nghiện đánh bạc.

"Sử dụng smartphone để kích thích trạng thái tinh thần của một người cũng tương tự như cách sử dụng thuốc gây nghiện để thay đổi hành vi của họ. Cũng giống như nghiện thuốc, nghiện smartphone cũng có những triệu chứng như mệt mỏi, hay lo lắng, thậm chí là dễ nổi nóng", Thomas phân tích.

Bạn có mắc chứng nghiện smartphone hay không?

Dưới đây là một số triệu chứng cho thấy bạn đang có dấu hiệu nghiện smartphone:

- Thường xuyên kiểm tra điện thoại chẳng vì
lý do nào.

- Cảm thấy lo lắng không yên nếu không có chiếc điện thoại bên mình.

- Tránh giao tiếp xã hội, thay vào đó dành quá nhiều thời gian cho điện thoại.

- Thức dậy giữa đêm để kiểm tra điện thoại.

- Lười tham gia vào hoạt động công việc hoặc chuyên môn và cảm thấy điện thoại là cả thế giới.

- Dễ phát cuồng bởi các ứng dụng trên điện thoại.


Tuệ Minh - (Theo BBC)

Ý kiến bạn đọc