2G sẽ tiếp tục thống trị thị trường di động toàn cầu

09:04, 04/09/2015
|

(VnMedia) - Sau hơn 20 năm phát triển, kể từ mạng viễn thông 2G đầu tiên ra mắt vào năm 1991 tại Phần Lan đến nay, công nghệ 2G vẫn chiếm phần lớn kết nối di động toàn cầu. Các nhà phân tích dự báo, công nghệ này sẽ duy trì vai trò thống trị cho đến đầu năm 2019.

Cụ thể, số liệu thống kê của Ovum cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2015, mặc dù 3G và 4G được triển khai và ứng dụng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu nhưng vẫn có đến gần 4,29 tỷ kết nối di động đang hoạt động trên các hệ thống 2G (bao gồm GSM và CDMA), chiếm 61,4% trong tổng số gần 7,2 tỷ kết nối di động.

Trong đó, riêng 2G GSM đã có 3,9 tỷ kết nối, chiếm thị phần 56%. Số kết nối còn lại đến từ các công nghệ 3G HSPA (1,9 tỷ, 27%), 4G LTE (635 triệu, 9%), CDMA (386 triệu, 5,4%) và TD-SCDMA (235 triệu, 3,3%).

 

  Ảnh minh họa
 

Thống kê số lượng và thị phần kết nối di động theo công nghệ,
quý 1/2015,
Nguồn: Ovum


Tuy nhiên, với xu hướng nâng cấp công nghệ nhanh như hiện nay, kết nối 2G đang bị giảm dần trong thời gian qua. Nếu so với cùng kỳ năm 2014 thì số lượng kết nối 2G GSM đã bị giảm 7% tương đương 415 triệu kết nối. Trong khi đó, cũng là một công nghệ 2G, CDMA đã bị giảm 14% tương đương 63 triệu kết nối và hiện chỉ còn 386 triệu.

Trong vài năm tới, chắc chắn, kết nối 2G sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn đến 4,2 tỷ, 3,9 tỷ, 3,4 tỷ và 2,9 tỷ lần lượt vào cuối năm nay cho đến cuối năm 2018. Tốc độ giảm mạnh sẽ bắt đầu vào năm 2019 khi các dịch vụ cũng như thiết bị hỗ trợ 3G và 4G đã trở lên “bình dân” hơn.

 

  Ảnh minh họa
 

Dự báo số lượng và thị phần kết nối di động toàn cầu theo công nghệ
giai đoạn 2015-2019, Nguồn: Uvum


Những diễn biến mới nhất trên thị trường di động cho thấy, công nghệ 3G và 4G đang phát triển rất nhanh và theo quy luật, sẽ dần thay thế công nghệ 2G. Thậm chí, mạng 2G gần như đã bị lãng quên tại một số thị trường di động phát triển. Và điều này đã đặt ra nhu cầu khai tử mạng 2G để tái sử dụng băng tần cho các dịch vụ khác.

Đến nay, đã có một số nhà mạng công bố kế hoạch khai tử mạng 2G vào năm 2017. Tuy nhiên, không phải tất cả nhà mạng đều tích cực với kế hoạch này. Ngay cả thị trường di động phát triển như châu Âu, khu vực đang dẫn đầu thế giới về triển khai 4G LTE nhưng các nhà mạng lại tỏ ra rất thận trọng. Thậm chí có nhà mạng còn cho biết sẽ đóng mạng 3G trước 2G.

Ngoài ra, nhờ mức độ phủ sóng tốt và chi phí thấp, 2G GSM vẫn là lựa chọn phổ biến cho các kết nối máy-đến-máy M2M (Machine-to-Machine), các kết nối này được dùng để liên kết các phương tiện giao thông, hệ thống cảnh báo và nhiều thiết bị kết nối khác.

Những điều này cho thấy công nghệ 2G hiện vẫn đóng một vài trò rất quan trọng ngay cả khi các công nghệ tiên tiến hơn đã được triển khai và sử dụng phổ biến. Việc quyết định duy trì hay đóng mạng 2G còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả kinh tế lẫn kỹ thuật cũng như đặc điểm riêng của từng quốc gia, khu vực. Bởi lẽ một điều chắc chắn là trong vòng 3 năm tới thì 2G vẫn là dịch vụ đem lại doanh thu chính cho nhà mạng đang khai thác tại các thị trường di động đang phát triển và mới nổi, trong đó có Việt Nam.


Minh Anh - (Theo: Ovum)

Ý kiến bạn đọc