(VnMedia) - Năm 2015 được coi là thời điểm thích hợp để triển khai mạng 4G tại Việt Nam, song lựa chọn hướng đi nào cho việc phát triển, lựa chọn tần số để tối ưu hóa chi phí cũng như đảm bảo hài hòa với các nước trong khu vực là bài toán lớn cần phải cân nhắc.
>> Nhiều giải pháp cho mạng 4G tại Việt Nam
>> Triển khai tại Việt Nam 4G: Thời cơ đã “chín muồi”
Cơ hội phát triển dịch vụ trên 4G
Kể từ khi VinaPhone “nổ phát súng” đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam vào tháng 10/2009, tới nay mạng lưới 3G đã phát triển mạnh về độ phủ sóng, thị trường và khách hàng.
Số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp cho thấy, tới tháng 1/2015, lượng thuê bao 3G đã đạt con số 29 triệu, chiếm 1/3 dân số. Chất lượng dịch vụ 3G cũng gia tăng đáng kể, giá cước có nhiều thay đổi để phù hợp với người sử dụng.
4G sẽ đem lại cho người dùng nhiều dịch vụ chất lượng cao hơn.
Thực tế cho thấy, nền tảng 3G cho phép người sử dụng đọc tin tức, lướt web, xem phim, tải nhạc, chơi game, tải game và các phần mềm nhưng chất lượng dịch vụ nhiều khi chưa thỏa mãn nhu cầu của người dùng do tốc độ đường truyền hạn chế, nhất là đối với những dịch vụ xem phim trực tuyến, đào tạo trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, dịch vụ sử dụng định vị giám sát giao thông…
Trong khi đó, 4G được hiểu là chuẩn tương lai của các thiết bị không dây, cho phép người sử dụng có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ cao có thể gấp hơn 20 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G, cho phép có những tính năng vượt trội như thoại dựa trên nền IP, truyền số liệu và đa phương tiện với tốc độ cao hơn rất nhiều so với các mạng di động hiện nay. Ở tốc độ cao nhất, người dùng có thể tải một bộ phim chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây.
Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong diễn ra vào hôm qua (26/3), đại diện Ericsson cho biết, Châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực đứng đầu về sự tăng trưởng mới thuê bao 4G/LTE từ 2015 đến 2020. 4G/LTE là một trong những bước của tiến trình hiện đại hóa hệ thống mạng tổng thể nhằm đáp ứng sự tăng trưởng dữ liệu.
Quả thực, 4G sẽ đem lại cho người dùng những trải nghiệm mạng dữ liệu tốc độ cao hơn và cơ hội phát triển cho các nhà mạng. Tuy nhiên, để triển khai vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Khó khăn
“Bộ TT-TT đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp (trong đó có VNPT) thử nghiệm 4G với công nghệ LTE. Các nhà mạng đều có những thử nghiệm riêng nhưng về góc độ quản lý để sử dụng nhiều dịch vụ băng thông lớn hơn thì hệ thống truyền dẫn hiện nay cần nâng cấp, có thể nâng cấp các tuyến cáp quang, các tuyến cáp quang biển mới. Đối với tần số 1800MHz đang sử dụng cho GSM đây cũng đang là thách thức đối với doanh nghiệp khi cần hài hòa với các băng tần khác để bù vào lưu lượng cho 1800MHz”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng, Cục Viễn thông chia sẻ tại “Hội thảo chuyên đề về định hướng phát triển công nghệ, hạ tầng và hệ sinh thái 4G” nằm trong khuôn khổ Hội thảo Quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong.
Mặt khác khi xây dựng mạng băng rộng, quá trình lắp đặt trạm BTS rất khó khăn. Nếu tiếp tục sử dụng tần số 1800MHz trên BTS này thì có gây nhiễu về tổng đài lõi. Điều đó cũng là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp khi triển khai thử nghiệm. Vì mạng lõi 2G, 3G vẫn đang được dùng chung trên đó. Đối với việc tiếp tục triển khai LTE trên mạng 2G và 3G cũng cần thiết có sự nghiên cứu và sử dụng lại hạ tầng doanh nghiệp đã đầu tư, tránh đầu tư chồng chéo, không kết nối được 2G, 3G và LTE về chất lượng thoại vì nó đang dựa vào 2G và 3G, ông Nhã cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chia sẻ tại Hội thảo, các lãnh đạo ngành viễn thông các nước tiểu vùng sông Mekong đã trao đổi làm thế nào để phát triển hài hòa công nghệ 4G, đạt hiệu quả cả về chi phí đầu tư cũng như hiệu suất khai thác. Trong bối cảnh băng thông, băng tần hạn chế, sự đồng thuận giữa các quốc gia là điều rất cần thiết.
Triển khai 4G tận dụng 2G và 3G
Ở phần thảo luận, nhiều đại biểu dự hội thảo có chung câu hỏi về sự tồn tại của mạng 2G khi mạng lưới 3G đã phát triển mạnh cả về độ phủ, thị trường cùng số lượng khách hàng còn 4G thì đang đến rất gần. Giải đáp thắc mắc này, các vị lãnh đạo ngành viễn thông cho rằng còn quá sớm để "khai tử" 2G bởi nhu cầu sử dụng 2G vẫn cao ở khu vực Đông Nam Á và các nhà mạng phải làm hài lòng các đối tượng khách hàng của cả 2G, 3G và 4G trong thời kỳ quá độ này.
Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tận dụng 2G và 3G? Ông Nhã cho rằng, đối với việc phát triển công nghệ mới thì phải có tính tương thích với các công nghệ hiện đang khai thác trên mạng lưới. Công nghệ 4G, 2G, hay 3G cũng là giao tiếp với mạng lưới. Với việc triển khai mạng công nghệ mới thì cần sử dụng hiệu quả toàn bộ mạng truyền dẫn cáp quang, hệ thống vệ tinh để kết nối các mạng hạ tầng hiện có thông suốt. Bên cạnh đó có VoLTE hay voice đẩy xuống mạng 3G thì tính tương thích đồng bộ phải tốt, nếu không tỷ lệ rớt cuộc gọi sẽ rất cao.
Theo kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực, khi triển khai 4G trên cùng trạm 2G và 3G để tránh gây nhiễu lẫn nhau, các nhà mạng có thể sử dụng ăng ten tầm cao cho 4G và ăng ten 2G và 3G ở tầm thấp để đảm bảo độ phủ sóng.
Còn theo ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng Ban Viễn Thông, Tập đoàn VNPT, lịch sử mạng di động Việt Nam đã đi từ 1G, 2G, 3G như hiện nay thì khó khăn nhất là chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông thụ động. Do đó, nếu tận dụng được thì sẽ phát triển được 4G rất nhanh.
Về quản lý các dải tần khi triển khai 4G, đại diện của cả Samsung và Qualcomm đều cho rằng, quan trọng nhất là đảm bảo tính hài hòa với các dải tần ở quốc tế và khu vực; đảm bảo tính trung lập về công nghệ.
Ý kiến bạn đọc