(VnMedia) - Theo đánh giá của Tổng Giám đốc IBM Việt Nam - ông Tan Jee Toon, hiện giờ, khối ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông là hai ngành có sự tiếp cận với xu hướng công nghệ mới trên thị trường ICT Việt Nam ở mức độ cao nhất.
Bên lề hội thảo IBM SolutionsConnect 2015 vừa diễn ra hôm nay, 24/3, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên về định hướng chiến lược của IBM tại thị trường Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ một số nhận định về xu hướng công nghệ mới định nghĩa thị trường ICT tại Việt Nam trong năm 2015 này?
Ông Tan Jee Toon - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam: Ở góc độ toàn cầu, hiện có một số thay đổi đang định hướng thị trường. Thứ nhất là thay đổi về xu hướng của ngành CNTT; thứ hai là những xu hướng sử dụng CNTT để thay đổi thế giới, thay đổi kinh doanh cũng như các hoạt động nói chung.
Tôi có thể chỉ ra ba xu hướng lớn. Thứ nhất là dữ liệu lớn và các công nghệ phân tích; thứ hai là điện toán đám mây và thứ ba là các hoạt động tương tác bao gồm hoạt động mạng xã hội và di động. Đó là 3 xu hướng lớn đang định hình thị trường CNTT Việt Nam nói riêng và cả thị trường thế giới.
Về xu hướng thứ nhất, dữ liệu lớn và các công nghệ phân tích, chúng ta đều biết dữ liệu bây giờ đang bùng nổ như thế nào và nó xuất hiện ở tất cả các kênh. Dữ liệu lớn sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp biết tận dụng nó. IBM cũng như các hãng công nghệ bây giờ coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên thiên nhiên mới. Do đó, cách của IBM khi tiếp cận các doanh nghiệp đó là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tận dụng và sử dụng các loại dữ liệu khác nhau.
Ông Tan Jee Toon - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam |
Với xu hướng thứ hai, điện toán đám mây, đây là khái niệm đã được nhắc đến rất nhiều. Ở góc độ điện toán đám mây, hiện có hai mô hình đó là điện toán đám mây công cộng và điện toán đám mây riêng. Theo IBM, các thị trường mới nổi như Việt Nam hợp lý nhất là sử dụng điện toán đám mây lai, một phần sử dụng điện toán đám mây công cộng, và một phần là đám mây riêng. Đó là cách an toàn và hiệu quả nhất trong việc giúp doanh nghiệp chuyển dịch lên điện toán đám mây.
Xu hướng thứ ba là các hệ thống tương tác. Hiện giờ chúng ta đang sử dụng điện thoại di động rất nhiều và cả các trang mạng xã hội. Các doanh nghiệp cần làm thế nào có thể tương tác và giao dịch với người tiêu dùng, khách hàng, sử dụng các hệ thống tương tác này. Theo IBM, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận mang tính hệ thống, có sự sắp xếp, tổ chức rõ ràng, có thể sàng lọc được các dữ liệu đưa lên hệ thống tương tác.
Với thị trường Việt Nam, IBM hiện đang đầu tư rất mạnh vào các công nghệ mới theo ba xu hướng kể trên. Đối với các doanh nghiệp và khối chính phủ, chúng tôi đã bắt đầu có những cuộc trao đổi về điện toán đám mây từ rất sớm. Vào năm 2008 IBM đã có những khách hàng đầu tiên và trung tâm điện toán đám mây đầu tiên tại Việt Nam.
Về mặt dữ liệu, IBM chủ yếu đang nói chuyện với các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, làm thế nào để khai thác tốt nhất dữ liệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
- Cụ thể hơn, IBM có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp để họ có điều kiện tiếp cận và áp dụng các xu hướng này trong hoạt động của họ?
IBM đã mang những công nghệ mới nhất đến Việt Nam. Ở trên thế giới có công nghệ gì chúng tôi cũng sẽ triển khai công nghệ đó ở Việt Nam. Thứ hai, chúng tôi đang có cách tiếp cận 1:1 với từng khách hàng để nắm bắt nhu cầu cụ thể của họ là gì, mức độ sẵn sàng của họ đến đâu để bắt đầu nói chuyện với họ về từng chủ đề một. IBM cũng đã có những dự án thí điểm triển khai với một số khách hàng nhất định.
Ở góc độ rộng hơn, IBM hiện đang triển khai rất nhiều hoạt động thông tin giáo dục, giúp các thị trường nhận thức về xu hướng và giúp họ làm thế nào có thể tận dụng và sử dụng các công nghệ mới nhất.
- Khi tiếp cận với các doanh nghiệp Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp nhận các xu hướng này của họ?
Ở thị trường Việt Nam tôi biết chắc chắn là có một số đơn vị đi đầu, và có một số nhà lãnh đạo nhận thức rất rõ về xu hướng này, cũng như thực sự có mối quan tâm nghiêm túc ứng dụng công nghệ này. Một số ngành bắt đầu ứng dụng rồi ví dụ như ngân hàng, viễn thông.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể về CNTT. Mặc dù doanh nghiệp cũng đã có những đầu tư vào CNTT, tuy nhiên nhìn vào tổng thể các ứng dụng lõi đang có cho thấy họ chỉ có thể làm thế nào để đầu tư thêm, bổ sung thôi chứ không thể đầu tư lại từ đầu một hệ thống CNTT mới.
Trong lĩnh vực điện toán đám mây, giờ các doanh nghiệp đã triển khai một số hoạt động trên đám mây. Tốc độ đó đang được thúc đẩy rất nhanh. Trước đây mô hình phòng CNTT của doanh nghiệp khá độc lập so với công tác kinh doanh, thì giờ CNTT là công cụ hỗ trợ. Việc sử dụng điện toán đám mây trước chỉ có CNTT sử dụng thì giờ các bộ phận marketing, kinh doanh cũng sử dụng điện toán đám mây.
Thay đổi lớn nhất, mức độ sẵn sàng lớn nhất mà tôi thấy ở doanh nghiệp Việt Nam đó là đã nhìn nhận ra sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa CNTT và hoạt động kinh doanh. Làm thế nào CNTT có thể hỗ trợ tốt nhất hoạt động kinh doanh.
Ở thị trường Việt Nam tôi thấy có hai ngành có mức độ sẵn sàng cao nhất đó là viễn thông và ngân hàng. Viễn thông và ngân hàng là hai ngành có nhu cầu cao nhất và họ sẽ chuyển dịch nhiều nhất và trên thực tế họ đã và đang thực hiện. Còn một ngành nữa mà chúng tôi cũng đang tiếp tục trao đổi với họ đó là ngành bán lẻ, đang có tiềm năng rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc