(VnMedia) - Dù triển khai nhiều biện pháp nhưng vấn nạn tin nhắn rác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và gây nhiều bức xú́c, tác động xấu đến dư luận quần chúng nhân dân và thậm chỉ còn ảnh hưởng đến an ninh thông tin quốc gia.
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám Đốc Sở TT-TT Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông do Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội tổ chức vào chiều 3/2/2015.
Bùng phát tin nhắn rác cuối năm
Theo ông Quang, sau 6 năm thực hiện Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ về chống thư rác nhưng cho dù áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, vấn nạn thư rác vẫn gây nhiều bức xúc trong dự luận, diễn biến ngày càng phức tạp, tác động xấu đến dư luận và thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh thông tin quốc gia.
Tin nhắn rác về quảng cáo bất động sản gây bức xúc nhất hiện nay.
Kể từ năm 2013 đến nay, Sở TT-TT Hà Nội đã thực hiện cắt 8 lần đối với 97 đầu số, 357 số điện thoại nhắn tin lừa đảo, tin nhắn rác theo quy trình xử lý 5 bước trong kế hoạch 309/KH-STTTT của Sở TT-TT Hà Nội ban hành ngày 20/3/2013.
Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã triển khai các biện pháp kỹ thuật để chặn các tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác theo tần suất, từ khóa, nguồn gửi. Tuy nhiên, tình trạng này đã thuyên giảm rõ rệt vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014 nhưng từ cuối 2014 đến nay lại có xu hướng bùng phát.
Theo đại diện MobiFone, sau khi nhận được Chỉ thị 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, MobiFone cũng đã triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác theo tấn suất và nguồn gửi còn theo từ khóa vẫn chưa làm được. Hiện tại các tin nhắn quảng cáo bất động sản đang gây bức xúc nhất còn tin nhắn rác từ đầu số 1900 cơ bản đã xử lý triệt để. MobiFone thực hiện chặn chủ yếu dựa vào hệ thống chặn theo tần suất thay đổi liên tục, những kẻ phát tán tin nhắn rác rất tinh vi nên ngưỡng để chặn thay đổi liên tục để họ không rò ra được. Các đối tượng này chủ yếu sử dụng SIM gửi hàng loạt. Từ đầu năm, MobiFone đã tạm khóa chiều đi của hơn 1 triệu thuê bao gửi tin nhắn rác.
Trong khi đó tin nhắn lừa đảo lại có vẻ giảm xuống. Theo đại diện VTN, sau khi có nghị định 77 của chính phủ, VTN cũng xây dựng kế hoạch thực hiện và đến giữa 2013 đã phối hợp với Sở TT-TT Hà Nội cùng VNCERT xử lý hàng loạt trường hợp liên quan tới tin nhắn lừa đảo. Về cơ bản, các tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác xuất phát từ đầu số đã giảm rõ rệt, không có trường hợp nghiêm trọng như trước đây.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện hình thức giả mạo các số của các cơ quan nhà nước được gọi về từ nước ngoài, chẳng hạn như giả mạo số của Công an. Hình thức này rất khó chặn vì đây là thoại, đại diện VTI nhận định.
Khó chặn triệt để
Như vậy có thể thấy vấn nạn tin nhắn rác với nội dung quảng cáo vẫn liên tục tấn công người dùng di động bất kể ngày đêm gây nhiều bức xúc. Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, và tăng cường quản lý thông tin trên mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở TT-TT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông vào chiều nay (3/2).
Tại đây, Sở TT-TT Hà Nội đã đưa ra Dự thảo kế hoạch thực hiện Chỉ thị 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, Sở cũng muốn lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp nội dung và các phòng Bưu chính viễn thông các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian tới. Qua đó, Sở cũng đề xuất các biện pháp, tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ TT-TT nhằm ngăn chặn, hạn chế tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và thông tin lừa đảo trên mạng, đồng thời tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến tin nhắn rác, tác hại của tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để cảnh giác, tránh bị lợi dụng.
Theo dự thảo này, đến ngày 31/3/2015, các doanh nghiệp viễn thông di động, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải hoàn thành các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, và báo cáo kết quả thực hiện về Sở TT-TT Hà Nội.
Đa phần các nhà mạng đều đã xây dựng các hệ thông kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn theo tần suất, nguồn tin. Tuy nhiên, cái khó chung được các nhà mạng đưa ra chính là chặn các số gửi tin nhắn rác sẽ không thể xuể vì những kẻ phát tán thường sử dụng SIM rác. Điểm quan trọng chính là chặn những số điện thoại liên hệ trong nội dung tin nhắn, giống như Sở TT-TT đã làm mạnh tay với các quảng cáo rao vặt khoan cắt bê tông trước đây. Vướng mắc nữa cũng được nhà mạng nêu ra là việc chỉ chặn được tin nhắn nội mạng, từ mạng khác gửi sang không chặn được. Các đối tượng sử dụng SIM ngoại mạng nhắn tin vào mạng khác liên tục tiếp diễn. Thông thường các số điện thoại trong nội dung tin nhắn rác thuộc nhiều mạng do đó Sở TT-TT phải “ra tay” và thông báo lại cho các nhà mạng để xử lý.
Hiện tại không có định nghĩa chính xác nào về tin nhắn rác. Đại diện Gtel cho rằng, Bộ TT-TT hoặc Sở TT-TT nên xây dựng định nghĩa thế nào là tin nhắn rác để các nhà mạng căn cứ vào đó để chặn. Việc chặn số gửi tin nhắn đi không hiệu quả. Các biện pháp hiện tại chỉ mang tính đối phó chứ chưa xử lý được tận gốc.
Về những vướng mắc của các nhà mạng, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở TTTT Hà Nội cho rằng, việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng các nhà mạng cần nghiêm túc thực hiện. Tuy các đơn vị đều có giải pháp nhưng qua kết quả kiểm tra năm 2013, 2014, tình trạng tin nhắn rác vẫn chưa giảm và mật độ vẫn như khi mới bắt đầu ban hành Nghị định chống thư rác.
Ý kiến bạn đọc