(VnMedia) - Tuần qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã có nhiều sự kiện, hoạt động nổi bật như: Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone; Việt Nam trúng cử vào Ủy ban vô tuyến của Liên minh viễn thông quốc tế; tổ chức thành công ASOCIO 2014…
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone
Ngày 28/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động (MobiFone). Theo quyết định này, Ban chỉ đạo gồm có 9 thành viên do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son làm Trưởng ban chỉ đạo. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng là Phó Trưởng Ban chỉ đạo; và Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo là ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động còn có 6 Ủy viên gồm: Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Văn Phương; Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Anh Tuấn; Tổng Giám đốc MobiFone Lê Nam Trà cùng đại diện Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động theo quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ TT&TT trong khi thực hiện nhiệm vụ và có Tổ giúp việc do thành viên Ban chỉ đạo thành lập để triển khai công tác cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động.
Việt Nam trúng cử vào Ủy ban vô tuyến của Liên minh viễn thông quốc tế
Tại Hội nghị toàn quyền năm 2014 vừa được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc từ ngày 20/10 đến 10/11/2014. Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã tham gia bỏ phiếu bầu ra các vị trí điều hành tổ chức ITU, trong đó có Ủy ban thể lệ thông tin vô tuyến.
Sau hơn một năm tích cực vận động tranh cử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các diễn đàn lớn trên thế giới, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các đơn vị hữu quan, ứng viên của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các ứng viên khác trong khu vực và cùng với đại diện của Nhật Bản và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trở thành thành viên Ủy ban vô tuyến nhiệm kỳ 2015 - 2018.
Ủy ban vô tuyến là cơ quan quyền lực cao nhất về lĩnh vực thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), quyết định và hướng dẫn thực thi Thể lệ thông tin vô tuyến điện - được xem là Bộ luật quốc tế trong lĩnh vực vô tuyến điện. Đặc biệt, Ủy ban vô tuyến là cơ quan xử lý các vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh giữa các nước - đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Việc trúng cử vào thành viên Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên chính trường thế giới và tăng cường tham gia vào các vị trí điều hành trong tổ chức quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc tăng cường hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, vị trí này cũng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Việt Nam tổ chức thành công ASOCIO ICT Summit 2014
Vietnam - ASOCIO ICT Summit 2014 là sự kiện quốc tế lớn nhất về CNTT khu vực châu Á - châu Đại Dương do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức thường niên, luân phiên tại các nền kinh tế trong khu vực. Sau 11 năm, đây là lần thứ hai Việt Nam giành được quyền đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này. Năm nay, diễn đàn diễn ra trong 4 ngày, từ 28-31/10/2014 tại Hà Nội và Đà Nẵng với chủ đề "CNTT - phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp". Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ là nhà tài trợ, tham gia gian hàng triển lãm tại sự kiện, diễn giả của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã trình bày tham luận tại một chuyên đề giành được sự quan tâm của đông đảo khách tham dự Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 (Vietnam - ASOCIO ICT Summit 2014) mang tên: “CNTT - phương thức phát triển nâng cao hiệu quả dịch vụ công”.
Gian hàng VNPT triển lãm tại sự kiện ASOCIO 2014.
Tại tọa đàm này, diễn giả đến từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT - ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng ban CNTT và giá trị gia tăng đã chia sẻ, ứng dụng CNTT vào lĩnh vực dịch vụ công có nhiều tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt so với các lĩnh vực khác. Theo ông Cường, điểm tương đồng đó là cần giải quyết được 4Ps (Problem, Project, Product, Process, People) từ cả phía đơn vị cung cấp giải pháp và đơn vị sử dụng giải pháp. Bên canh đó, cũng cần có sự khác biệt từ yếu tố lực của đơn vị cung cấp giải pháp, nhân lực của đơn vị sử dụng giải pháp (chính quyền) và có thêm yếu tố người dân. Việc triển khai cũng cần có sự khác biệt, nhất là trên địa bàn rộng, tới cấp huyện, xã.
Bản thân Tập đoàn VNPT trong thời gian qua cũng đã nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp, dịch vụ nhằm hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả dịch vụ công trong các cơ quan quản lý nhà nước. Tại gian hàng triển lãm ASOCIO, Tập đoàn VNPT đã giới thiệu về Hệ thống một cửa điện tử, mạng giáo dục vnEdu, hệ thống điều hành văn bản điện tử.
VNPT giành vị trí số 1 trên thị trường Internet băng rộng
Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2014 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong tuần qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng bao gồm cả dịch vụ cố định và di động với 51,27% thị phần.
Theo Sách Trắng 2014, năm 2013, hạ tầng mạng viễn thông và Internet phát triển bền vững với tổng doanh thu viễn thông đạt 7373,99 triệu USD, trong đó doanh thu dịch vụ di động đạt 5.091,11 triệu USD, doanh thu dịch vụ Internet đạt 965,45 triệu USD. Tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt 640.058 Mbit/s, tăng tới gần 83% so với năm 2012.
Doanh thu công nghiệp CNTT tăng trưởng 55,3%; nhập khẩu CNTT đạt 34,760 triệu USD; Tỷ lệ đơn vị có ban hành quy trình thao tác chuẩn phản ứng, xử lý sự cố máy tính đạt 21,7%; tỷ lệ các đơn vị nhận biết có tấn công mã độc là 32,3%; số thuê bao điện thoại cố định đạt 6.725.329 thuê bao; số thuê bao điện thoại di động (2G, 3G) là 123.735.557 thuê bao; số thuê bao điện thoại di động/100 dân là 137,93%; số người sử dụng Internet là 33.191.166 người; số người sử dụng Internet/100 dân là 37%. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 95%.
Về thị phần của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng bao gồm cả cố định và di động, trong số 8 doanh nghiệp đang triển khai kinh doanh dịch vụ này, năm 2013, thị phần của VNPT lớn nhất, chiếm tới trên 51,27%. VNPT cũng là doanh nghiệp có thị phần dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định cao nhất, với 56,25%. Thị phần dịch vu truy nhập Internet băng rộng di động 3G cao nhất cũng thuộc về VNPT với 49,79%.
Với việc phát hành Sách Trắng 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn đây tiếp tục là tài liệu quan trọng, khẳng định sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam đối với quốc tế, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ý kiến bạn đọc