81% phần mềm trên máy tính cá nhân tại Việt Nam không phép

06:49, 04/07/2014
|

(VnMedia) - Đây là con số mà Điều tra Phần mềm Toàn cầu của BSA mới công bố gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hệ thống quản lý phần mềm hiệu quả, đặc biệt là trong các môi trường kinh doanh.

 

Lý do chính khiến người sử dụng máy tính trên thế giới không sử dụng phần mềm không có giấy phép là để tránh những nguy cơ đe dọa do mã độc. Những nguy cơ lớn nhất là nguy cơ mất dữ liệu, tiếp đến là nguy cơ thông tin bị tin tặc truy cập trái phép. Tuy vậy, trong năm 2013, có tới 81% các phần mềm được cài đặt trên các máy tính cá nhân tại Việt Nam là không có giấy phép.

 

“Sử dụng phần mềm không có giấy phép là một vấn đề trong quản trị doanh nghiệp, và nghiên cứu này đã chỉ ra rõ ràng sự cần thiết phải cải thiện vấn đề này,” Bà Victoria Espinel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BSA toàn cho hay.


 Ảnh minh họa

Theo ông Đào Anh Tuấn, Đại diện BSA tại Việt Nam, ước tính chi phí cho phần mềm máy tính chỉ chiếm 5-6% tổng chi phí của mỗi doanh nghiệp, đây không phải là con số quá lớn so với chi phí để khắc phục sự cố cũng như rủi ro do sử dụng phần mềm không có giấy phép gây ra. Sử dụng phần mềm có giấy phép còn mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như không phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý, bị xử phạt do hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan thực thi.

 

“Hơn nữa, người sử dụng còn nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật bao gồm vá phần mềm bị lỗi, xử lý các sự cố, phần mềm không bị lỗi, không bị cài các ứng dụng gián điệp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao và phần mềm độc hại ngày càng gia tăng” – ông Tuấn nói.

 

Điều tra Phần mềm Toàn cầu BSA được Tâp đoàn Dữ liệu quốc tế IDC tiến hành hai năm một lần cho BSA. Điều tra năm nay đã tiến hành lấy ý kiến người sử dụng máy tính tại 34 thị trường, thực hiện trên gần 22.000 đối tượng người tiêu dùng, người sử dụng máy tính tại các doanh nghiệp và hơn 2.000 nhà quản lý CNTT.

 

Một số kết quả chính của Điều tra Phần mềm Toàn cầu của BSA mới công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ máy tính cài đặt phần mềm không có giấy phép tại Việt Nam là 81% trong năm 2013, như tỷ lệ trong năm 2011. Giá trị thương mại của số lượng phần mềm không có giấy phép được cài đặt là 620 triệu đô la Mỹ.

 

Nguyên nhân chính khiến người sử dụng máy tính từ chối sử dụng phần mềm không giấy phép là để tránh những nguy cơ về an ninh do mã độc gây ra. Đề cập đến những rủi ro do sử dụng phần mềm không có giấy phép gây ra, 64% người sử dụng cho biết việc các tin tặc truy cập trái phép là một trong những nguy cơ lớn nhất, trong khi 59% đề cập đến việc mất dữ liệu.

 

Những nhà quản lý CNTT ở các doanh nghiệp trên thế giới cho biết họ rất hiểu những nguy cơ mà phần mềm không có giấy phép có thể gây ra, tuy nhiên, chỉ có một nửa trong số họ tự tin rằng đơn vị mình đang sử dụng phần mềm có giấy phép đầy đủ.

 

Cũng theo ông Tuấn, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng phần mềm không có giấy phép. Hệ thống pháp luật hiện nay đã đủ mạnh để xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm. Điều tra lần này cũng rất hữu ích, giúp chúng tôi hiểu được vấn đề đe dọa an ninh là mối lo lắng nhất của hầu hết những người sử dụng máy tính trên toàn cầu.

 

“Việc tiếp tục sử dụng phần mềm không có giấy phép rõ ràng sẽ mang đến những mối đe dọa lớn cho không chỉ nền kinh tế mà còn cả tương lai của đất nước. Điều này thực sự cần thiết phải thay đổi” - ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Vào cuối năm 2013, công ty Microsoft và Lạc Việt kiện công ty TNHH Gold Long John Đồng Nai ra tòa do sử dụng trái phép phần mềm của hai doanh nghiệp này. Đây là vụ kiện ra tòa đầu tiên để xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền phần mềm. Chỉ hai tháng sau, vụ kiện đã khép lại khi Công ty Gold Long John đã chấp thuận xin lỗi công khai và đền bù 100% giá trị phần mềm vi phạm cho chủ sở hữu. Sau chín năm xử lý hành chính, vụ việc này khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho việc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm nghiêm khắc hơn.


Phan Lê

Ý kiến bạn đọc