Chọn laptop để làm việc và giải trí

06:38, 01/03/2014
|

(VnMedia) - Nếu đề cập tới laptop sẽ có rất nhiều loại, từ mỏng-nhẹ, “lai”, thay thế PC tới loại “2-trong-1”, chơi game, hay thậm chí là cả dạng máy trạm di động. Tuy nhiên, nếu xét tới mục đích sử dụng thì về cơ bản chỉ có 2 loại: chơi và dùng để làm việc.

Về phía nhà sản xuất cũng có sự phân định gần như rõ ràng cho hai mục đích sử dụng này. Chẳng hạn như Lenovo có dòng IdeaPad dành cho người dùng thông thường (tạm gọi là dùng để chơi) và dòng ThinkPad dành cho doanh nghiệp (tạm gọi là dùng để làm việc). Trong khi đó, Dell có các mẫu XPS và Inspiron cho người dùng bình dân và Latitude cho doanh nhân. Còn Toshiba có Satellite, Qosmio và Kirabook cho người dùng thông thường và Tecra cho doanh nhân. Acer thì có Aspire (cho người dùng) và TravelMate (cho doanh nghiệp). Trong khi đó, HP thì đa dạng hơn: các dòng máy Pavilion, TouchSmart, Envy, Spectre và Split dành cho người dùng, còn G-series, EliteBook, Pro, ProBook và Zbook là cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa


Hiển nhiên, các mẫu laptop “doanh nhân” thường có giá đắt hơn. Ngoài chuyện cấu hình “khủng” hơn thì dòng máy này cũng bền hơn và dễ quản lý, vận hành hơn. Các máy dành cho phân khúc doanh nghiệp thường được bảo hành lâu hơn, hỗ trợ tốt hơn, có tính năng bảo mật cao hơn và có thể quản lý được từ xa. Giá của những thứ phụ trội này đương nhiên cũng góp vào giá tổng thể của sản phẩm. Khi đã xác định được những điểm khác biệt này, bạn sẽ có thể chọn cho mình những mẫu máy có tính năng thực sự cần thiết nhất.

Độ bền

Thường thì dòng máy doanh nghiệp có độ bền bỉ cao hơn bởi chúng sử dụng những chất liệu cao cấp hơn, chẳng hạn như nhôm hoặc magiê, trong khi đó dòng bình dân chỉ sử dụng các loại nhựa rẻ tiền. Máy doanh nhân thường được bảo hành ít nhất 3 năm giúp các công ty giảm tải đáng kể khả năng hỗ trợ kỹ thuật. Một số dòng máy cao cấp thậm chí còn có thời hạn bảo hành tới 5 năm. Nếu trong thời gian này có xảy ra hỏng hóc thì máy sẽ được thay thế phụ kiện chính hãng miễn phí. Bản thân nhà sản xuất cũng đã để sẵn những phụ kiện mà họ không bao giờ bán – dành cho khâu bảo dưỡng và thay thế sản phẩm. Giá của các phụ kiện này đôi khi cũng tính sẵn vào giá của sản phẩm chính.  

Ảnh minh họa


Trong khi đó, những mẫu máy bình dân thường có tuổi đời ngắn hơn, khoảng một năm hoặc ít hơn rồi sau đó bị thay thế bởi mẫu mới hơn. Dòng máy này thường có nhiều lựa chọn thay thế hơn.

Ảnh minh họa


Bảo dưỡng và sửa chữa

Máy doanh nhân thường dễ vận hành và sửa chữa hơn. Bạn chỉ cần một chiếc tuốc-nơ-vít Phillips thông dụng là có thể bắt tay vào sửa chữa được. Một số mẫu máy như ZBook 15 của HP thậm chí còn không cần đến tuốc-nơ-vít, chỉ cần gạt khóa ra là có thể tiếp cận được các phần bên trong như bộ nhớ, ổ lưu trữ, pin và các linh kiện khác. Về mặt này thì máy doanh nhân và máy thông thường là như nhau.

Cổng cắm và kết nối

Các lựa chọn cổng trên máy bình dân thường ít hơn do máy rẻ hơn. Trong khi đó, máy doanh nhân thường có các công nghệ mới nhất và cao cấp nhất. Tuy những chiếc máy bình dân nay đã có cả USB 3.0 và HDMI nhưng những lựa chọn cao cấp khác như cổng kết nối tốc độ cao Thunderbolt (10Gbps), hoặc Thunderbolt 2 (20Gbps) chỉ có trên các dòng máy cao cấp. Như chiếc ZBook 15 của HP chẳng hạn – máy được trang bị nhiều khe cắm Thunderbolt, DisplayPort, USB, Smart Card và ExpressCard.

Ảnh minh họa


Về kết nối thì hai chuẩn 802.11n và 802.11ac cũng rất thông dụng trên cả hai dòng máy. Một số máy doanh nhân còn có thêm cả kết nối di động thông qua thẻ SIM (có thể tích hợp sẵn vào máy hoặc thông qua khe cắm ngoài). Các khe cắm thẻ Smart card và ExpressCard thường có trên dòng máy cao cấp hơn. Smart card là lựa chọn an ninh cho các laptop doanh nghiệp bởi khả năng ngăn chặn người dùng trái phép tiếp cận vào máy tính.

Nhiều máy tính doanh nhân còn đi kèm cả đế máy có cổng cắm, trong khi máy bình dân thì không bao giờ có. Nếu thời gian làm việc của bạn chủ yếu trên mặt bàn nhưng vẫn muốn có được sự cơ động của laptop thì đế máy là phụ kiện tốt nhất mà bạn có thể bổ sung thêm vào. Chiếc đế này có thể giúp kết nối thêm chuột, bàn phím, màn hình, cổng ethernet, ổ cứng ngoài và hàng loạt thiết bị ngoại vi khác.

Công nghệ màn hình

Các con chip độ họa được tích hợp thẳng vào CPU hiện đại sẽ giúp bạn lướt web, xem phim, và xử lý hầu hết các tác vụ khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu muốn xử lý các ứng dụng riêng biệt cần khả năng đồ họa mạnh hơn thì phải dùng card đồ họa rời. Nếu một chiếc máy bình dân có card đồ họa rời thì nhiều khả năng nó là một chiếc laptop dành cho chơi game. Còn nếu một chiếc laptop doanh nhân có card đồ họa rời thì nó sẽ được sử dụng cho rất nhiều ứng dụng khác nhau: thiết kế CAD, 3D, tạo ảnh trong y tế hoặc nghiên cứu khoa học, tạo nội dung…

Ảnh minh họa


Do hầu hết những chiếc HDTV hiện nay đều có cổng HDMI nên những mẫu laptop bình dân đều hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu đề cập tới cổng DisplayPort – một dạng thức cao hơn dành cho kết nối với màn hình trên các dòng laptop doanh nghiệp. Chuẩn DisplayPort 1.2 có thể hỗ trợ kết nối tới 4 màn hình ở độ phân giải 1920x 1200 hoặc hai màn hình ở độ phân giải 2560x1600. Ở cả hai trường hợp, các màn hình đều có đường tiếng và hình độc lập. Cả DisplayPort và HDMI đều hỗ trợ một màn hình 4K với độ phân giải 3840x2160.

Quản lý và bảo mật

Đối với doanh nghiệp, việc triển khai hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn chiếc laptop trong hệ thống sẽ cần một chính sách quản lý nhất quán, nhất là khả năng quản lý thiết bị từ xa. Tuy phần lớn các doanh nghiệp nhỏ không có bộ phận IT riêng nhưng rất nhiều công ty sẵn sàng bỏ tiền thuê ngoài để quản lý các nguồn lực IT của họ. Việc mua những chiếc laptop doanh nghiệp được trang bị các công nghệ ở mức BIOS và CPU như DASH, vPro của Intel, hoặc SureStart của HP có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Những công cụ trên có thể giúp cho bộ phân IT theo dõi, quản lý, truy xuất từ xa, hoặc thậm chí là sửa chữa – cài đặt phần mềm từ xa. Việc tạo ảnh từ xa, chẳng hạn như copy toàn bộ phần mềm – bao gồm cả hệ điều hành vào ổ cứng laptop - qua mạng có thể giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho công tác sửa chữa và duy trì vận hành. Công nghệ vPro có thể ngăn chặn được một số loại malware và hình thức tấn công nhất định ở mức độ dưới hệ điều hành. Trong khi đó, SureStart có thể khôi phục nhanh chóng BIOS nếu nó bị tấn công hoặc bị trục trặc. Tuy nhiên, tính năng này chỉ có trên các dòng máy HP.

Tính năng quét vân tay, chẳng hạn như được tích hợp cho mẫu laptop Toshiba Tecra Z40, có thể ngăn người dùng trái phép truy cập vào dữ liệu trên laptop. Đây là tính năng cần thiết bởi những chiếc laptop doanh nghiệp thường lưu trữ nhiều dữ liệu giá trị cao nên chúng cần được bảo vệ một cách tốt nhất.

Một điểm dễ nhận thấy là những khả năng quản lý và bảo mật trên thường không có trên dòng máy bình dân bởi người dùng có thể chẳng bao giờ cần tới. Chỉ có các doanh nghiệp, với đặc thù của mình, mới cần tới những tính năng bảo mật và quản lý ở cấp độ cao hơn. Thế nên tùy theo nhu cầu sử dụng, bạn có thể dựa vào sự khác biệt và tính chất của các mẫu máy để quyết định cho mình sử dụng loại nào là thích hợp nhất.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc