Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu:: “Nhân tài Đất Việt là cơ hội của các nhà khoa học trẻ Việt Nam”

13:54, 21/11/2012
|

(VnMedia) - Là người gắn bó với Nhân tài Đất Việt từ những ngày đầu tiên, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu luôn đau đáu mục tiêu làm sao có thể tìm kiếm và tôn vinh những tài năng CNTT, khoa học của nước nhà. Bên thềm lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2012, Giáo sư - Viện sĩ đã trải lòng cùng phòng viên VnMedia.

 

- Đã là năm thứ 8 giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Nhân tài Đất Việt, Giáo sư - Viện sĩ đánh giá như thế nào về mặt bằng chung của sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt năm nay?

 

Có một số sản phẩm dự thi năm nay đã được đưa vào ứng dụng và chứng tỏ rất có hiệu quả. Có những sản phẩm đã được ứng dụng thực tiễn mấy năm nay rồi. Sản phẩm năm hay hơn thời kỳ đầu. Thời kỳ đầu chỉ là những sản phẩm có tiềm năng, mới bắt đầu sơ khai. Nhưng giờ đã có những sản phẩm được ứng dụng trong khoảng thời gian khá lâu, chứng tỏ được hiệu quả phục vụ đời sống. Nhưng có một điều đó là các nhóm tác giả cũng chưa có kinh nghiệm quản lý nên chưa tìm được cách phát huy tác dụng các sản phẩm của mình.

 

Tôi rất mừng trong buổi chấm chung khảo (hôm 17/11/2012 - PV), đã có cả một ngày được ngồi nghe thuyết trình, giới thiệu rất nhiều sản phẩm có chất lượng và triển vọng. Sau khi hội đồng đánh giá giá trị khoa học của những công trình đó, chúng tôi chọn ra những công trình có giá trị cơ sở khoa học chắc chắn và khả năng ứng dụng cao, tạo mọi điều kiện giúp cho các bạn đưa được sản phẩm này sử dụng một cách rộng rãi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như đời sống của nhân dân.

 

Tám năm đồng hành với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, tôi thấy, khi các sản phẩm dự thi được đánh giá một cách chắc chắn và được xã hội công nhận rồi thì việc phổ biến rộng rãi trên quy mô toàn quốc dễ dàng hơn rất nhiều. Đấy là tác động rất tốt của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Nếu không có Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thì những sản phẩm như vậy vẫn vào được cuộc sống nhưng sẽ rất chậm. Chính Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sẽ làm cho nó vào cuộc sống nhanh hơn.

 

- Bên cạnh sản phẩm lĩnh vực CNTT, Giáo sư - Viện sĩ mong muốn làm sao các công trình trong lĩnh vực khoa học ứng dụng sẽ không có khoảng cách quá xa. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mong muốn này?

 

Việc tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT đã đi tiên phong, phát triển rất nhanh, phong trào rất rộng rãi. Lĩnh vực Khoa học tự nhiên có đặc thù khác với CNTT, cho nên lúc đầu, cách tổ chức hai giải thưởng có khác nhau. Qua bốn năm từ khi tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên (từ năm 2009 - PV), dần dần hai bên đều rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Theo dự kiến, đến sang năm, cơ chế hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức của Giải thưởng của các Hội đồng bên Khoa học tự nhiên và CNTT sẽ gần như giống nhau. Hai bên sẽ học tập lẫn nhau và đi đến thể thống nhất. 
 

- Điều này có nghĩa, sang năm phạm vi của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên được mở rộng hơn?

 

Trong những năm đầu khi bắt đầu Giải thưởng Khoa học tự nhiên, các thành viên của Hội đồng Giải thưởng đặt rất cao giá trị về lý thuyết của các công trình, đặc biệt nhấn mạnh uy tín quốc tế của những công trình đó. Thực tế thì nước ta cũng đã có những công trình như thế, tuy nhiên, số người có được những công trình đó chưa phải nhiều.

 

Trong khi đó, nhiều năm nay vẫn có các nhà khoa học làm việc rất miệt mài, có những kết quả rất tốt nhưng vì điều kiện, họ chưa có điều kiện tiếp cận với quốc tế, mà các kết quả đó đã được ứng dụng vào đời sống xã hội với ý nghĩa rất thiết thực. Hội đồng Giải thưởng nhận thức ra, mình phải thay đổi một chút các tiêu chí. Bên cạnh việc tôn vinh những công trình có giá trị lý thuyết và có uy tín quốc tế lớn, cũng phải chú trọng những công trình tuy chưa được phổ biến ra ngoài quốc tế nhưng cũng đã được sử dụng ở trong nước và có đóng góp rất thiết thực trong việc phát triển kinh tế xã hội. Có thể nói chất khoa học của những sản phẩm đó cũng rất cao. Và từ năm sau, dự kiến sẽ mở rộng theo hướng đó.

 

Theo kinh nghiệm của Giải thưởng trong lĩnh vực CNTT, kể cả giá trị quốc tế lẫn ý nghĩa ứng dụng, nếu đặt yêu cầu quá cao như Hội đồng khoa học tự nhiên thì giới trẻ không tham gia được. Bởi tất cả những tác giả của các công trình đó đều có quá trình nghiên cứu khoa học tới mấy chục năm. Và như vậy Giải thưởng đó vẫn chưa có tác dụng khuyến khích, động viên giới trẻ.

 

Cho nên, từ năm sau, Hội đồng dự kiến quyết định không chỉ trao một Giải thưởng cao nhất nữa mà sẽ có cơ cấu giải Nhất, giải Nhì và giải Ba. Các bạn trẻ có thể chưa có được giải Nhất nhưng ít nhất đã có thể giành được giải Ba, phấn đấu được giải Nhì. Đối với những công trình đó vẫn cần phải có mức giá trị khoa học tối thiểu nhưng nó không đòi hỏi quá cao để các bạn trẻ cũng có thể tham gia được.

 

Tôi hy vọng với sự mở rộng như thế này, sang năm, trong lĩnh vực Khoa học tư nhiên sẽ có rất nhiều nhà khoa học trẻ, thậm chí vẫn còn đang trong tuổi đoàn viên vẫn có thể giành được Giải thưởng.

 

Trong CNTT, những người được Giải thưởng hầu hết đều rất trẻ tuổi. Còn những năm qua, các gương mặt được vinh danh trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên đều là những bậc lão thành. Cũng đúng thôi, bởi muốn có những công trình như vậy thì phải trả qua nhiều năm miệt mài nghiên cứu. Nhưng khi mở rộng phạm vi của Giải thưởng ra từ sang năm, tôi tin rằng Giải thưởng trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên cũng sẽ sôi nổi như là CNTT. Hy vọng cũng sẽ có rất nhiều gương mặt trẻ được nhận giải thưởng.

 

- Trở lại với Giải thưởng trong lĩnh vực CNTT, đã 8 năm liền được tổ chức, theo Giáo sư - Viện sĩ, chúng ta có cần làm hấp dẫn hơn giải thưởng bằng những điểm mới hay không?

 

CNTT là một lĩnh vực kinh tế rộng lớn, đi sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, chỗ nào cũng có thể ứng dụng CNTT cả, cho nên chúng ta không sợ thiếu sản phẩm dự thi. Bởi càng ngày CNTT càng thâm nhập sâu vào tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Cái chính là lâu nay CNTT mới chỉ phát triển theo hướng sản phẩm phần mềm.

 

Mấy năm qua, Hội đồng sản phẩm đã quyết định mở rộng lĩnh vực sang CNTT và truyền thông, nó bao gồm cả các sản phẩm phần mềm, phần cứng và sản phẩm tích hợp. Phương tiện và công cụ cho CNTT và truyền thông nhiều lắm. Chính việc mở rộng sang truyền thông là đi sang một lĩnh vực mênh mông. Thực chất mà nói đấy là một nền tảng kinh tế công nghệ rất rộng lớn không chỉ có của Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới.

 

Cho nên, việc mở rộng sang CNTT và truyền thông giúp chúng ta không sợ sản phẩm dự thi Giải thưởng bị nhàm. Năm nay có sản phẩm này dự thi, năm sau lại có sản phẩm mới. Nhưng cũng phải thừa nhận, những sản phẩm truyền thông tham dự Giải thưởng còn khá ít ỏi.

 

- Giáo sư - Viện sĩ có gợi ý gì cho các thí sinh khi tham dự Giải thưởng trong lĩnh vực CNTT - truyền thông những năm tới?

 

Làm sao có thể gợi ý cho họ được bởi đó là trí tuệ của những người làm CNTT- truyền thông Việt Nam . Mình chỉ có thể thấy họ làm được rồi thì vỗ tay hoan nghênh thôi. Nhưng mà tôi biết có một số nhóm có sản phẩm rất hay song họ chưa tham gia Giải thưởng vì họ muốn hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Tôi chắc là trong một vài năm tới sẽ có những sản phẩm hết sức độc đáo dự thi trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, đó là các sản phẩm thuộc cả lĩnh vực phần cứng và phần mềm.

 

Xin cảm ơn Giáo sư - Viện sĩ!


Hiền Mai - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc