(VnMedia) - Gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê lại có một công bố gây “sốc” cho giới khoa học Việt Nam khi cho biết, có thể biến nước thành điện với giá rẻ.
Đơn giản chuyển nước thành điện
Việc biến nước thành điện không phải là câu chuyện mới trong thế giới khoa học. Nguyên lý chính của phương pháp này chính là tách được hydro từ nước. Các nhà nghiên cứu đã dùng nhiều biện pháp khác nhau để thực hiện được mục đích này nhưng đa phần đều không có lợi về mặt kinh tế. Chẳng hạn như trên thế giới từng dùng muối hóa học để tách hydro ra khỏi nước nhưng nếu dùng muối để tạo ra nguồn điện phát sáng bóng đèn 50W sẽ phải mất 200-300 nghìn đồng. Nên ý tưởng này vẫn còn xa vời thực tế.
Tuy nhiên, mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Phó Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, khu công nghệ cao TPHCM đã trình diễn phát minh biến nước thành điện với giá thành rất rẻ trước Hội đồng khoa học quốc gia do GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ chủ trì.
Tại đây, Tiến sĩ Khê cho một chất “xúc tác” bí mật vào bình đựng nước, nước sôi lên sùng sục vì giải phóng khí hydro (H2) rồi khí H2 đó được dẫn qua một bộ phận xử lý tách electron để biến thành dòng điện và làm bật sáng ngọn đèn 50W. Như vậy, điểm mấu chốt của phương pháp này chính là sử dụng chất “xúc tác” bí mật để tách Hydro từ nước.
Theo tiến sĩ Khê, vật liệu này có chức năng xúc tác để tạo khí hydro trong nước, sau đó dùng công nghệ nano và xúc tác để “đốt” khí này tạo thành dòng điện. Do đó, thực sự không có phản ứng đốt cháy nào xảy ra mà là do việc chế tạo thành công chất “xúc tác” biến khí hydro H2 thành proton H+ và điện tử, cho ra một công suất điện khoảng 0,13 watts/cm.
Để chế tạo máy phát 2.000W, cần chế tạo 200 đơn vị như trên thành 10 pin kép, và tích điện vào tụ điện cho đến khi đạt được công suất mong muốn. Đây không phải công nghệ điện phân do đó không dùng năng lượng từ bên ngoài vào. Công nghệ này cũng không phải là công nghệ bình ắc quy sử dụng những chất độc như chì hay sulfuric acid đậm đặc, và cũng khác với pin năng lượng ở nhiều quốc gia là sử dụng nhiệt năng từ 800oC - 1.000oC để hoạt động trong xe ôtô điện. Phát minh của tiến sĩ Khê cần nguyên liệu chính để pin hoạt động lại là nước. Pin không cần phải sạc, không thay, khi phát điện không phát ra tiếng ồn, không gây ô nhiễm, và do đó cũng không gây cháy nổ.
Cách mới để tạo điện giá rẻ
Theo GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, việc tìm ra được một chất mới phản ứng với nước tạo ra hydro trên một quy mô đáng kể là một kết quả khoa học lý thú đáng trân trọng.
Ý nghĩ thực tiễn của công trình nghiên cứu của tiến sĩ Khê mở ra hai khả năng. Thứ nhất nếu giá thành tương đương hoặc rẻ hơn giá thành điện năng đang sản xuất hiện nay thì đây là một phát minh lớn về công nghệ, dẫn đến một sự phát triển mới của công nghệ năng lượng trên thế giới. Thứ hai, nếu giá sản xuất theo phương pháp mới tuy cao song có thể chấp nhận được, phương pháp này có thể sử dụng ở những vùng không có lưới điện quốc gia, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm.
Theo Tiến Sĩ Khê, chất “xúc tác” bí mật này có tác dụng phân hủy nước thành hydro và oxy mà không cần thêm nguồn năng lượng tác dụng từ bên ngoài. Điểm độc đáo của thiết bị này là cùng một lúc cung cấp điện và nước sạch. Bởi vì khí hydro được "đốt" cháy, hóa hợp với oxy (O2) và lần nữa lại biến thành nước. Nước này cực kỳ tinh khiết, uống và sử dụng được trong sinh hoạt, đời sống, cây trồng.
Hơn nữa, dù đầu vào là nước bẩn thì sau khi đưa qua thiết bị này, khí hydro sẽ được tách riêng ra để được đốt cháy phát thành điện và tạo thành nước sạch.
Do đó, nghiên cứu này là khả dụng thì đây thực sự là một phát minh hữu ích cho những vùng thiếu nước ngọt như biển đảo vì chỉ cần múc nước biển đổ vào là vừa có điện vừa có nước sạch sử dụng.
Mặt khác, Tiến sĩ Khê cho biết thêm, với công trình nghiên cứu này, ông sẽ kêu gọi nhà đầu tư thành lập công ty sản xuất các loại máy phát điện. Đây là cơ hội để người Việt Nam và sau này là thế giới được dùng điện giá rẻ.
Việc tạo ra điện giá rẻ không chỉ là khát khao của người dân mà cả của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề nằm trong chất “xúc tác” mà vị Tiến sĩ này sử dụng trong việc tạo điện từ nước. Nhưng khi nói đến chất “xúc tác” này, Tiến sĩ Khê lại không cho biết và coi đó là “bí mật công nghệ” không thể tiết lộ. Trong phương pháp này chất “xúc tác” chính là thứ bị tiêu tốn. Do đó, chỉ có Tiến sĩ Khuê mới biết được giá trị thực của chất xúc tác này là bao nhiêu và mất bao nhiêu mới có thể tạo ra dòng điện cung cấp cho bóng điện 50W trong một giờ.
Nếu thực sự có thể tạo được điện với giá rẻ như tiến sĩ Khê nói thì điều này là một tín hiệu đáng mừng với người dân.
Tuệ Minh
Ý kiến bạn đọc