(VnMedia) - Chiều nay 18/4, Hội tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo nghị định về dịch vụ CNTT của Bộ TT-TT. Đa phần ý kiến cho rằng, dự thảo này còn quá nhiều “sạn”, chồng chéo, vừa thừa vừa thiếu…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, dự thảo nghị định này được đưa ra nhằm khuyết khích, thúc đẩy dịch vụ CNTT ở Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Dịch vụ CNTT là một lĩnh vực rộng bao hàm nhiều mặt hoạt động của phát triển ngành và đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển CNTT-TT ở Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đời sống kinh tế xã hội,…
Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều bất cập cũng như nhiều vấn đề tranh cãi trong bản dự thảo này. Nổi cộm nhất trong dự thảo này được đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT đưa ra là quy định buộc doanh nghiệp phải đăng ký dịch vụ CNTT. Điều này cho thấy thay vì tập trung cho hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT phục vụ cho nền tảng coi CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng thì dự thảo này hình như lại “kìm hãm” phát triển bằng nhiều hình thức quản lý hành chính.
Tức là, đã có giấy phép kinh doanh rồi nhưng sắp tới doanh nghiệp dịch vụ CNTT lại phải xin đăng ký kinh doanh loại hình này với Bộ Thông tin Truyền thông là không cần thiết. Hầu hết các đại biểu không tán thành nhiều hạng mục quản lý (cấp phép) chi tiết trong dự thảo nghị định trói bằng các loại đăng ký (giấy phép “con”) cùng nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận, chuẩn,…
Không những phải đăng ký dịch vụ CNTT, nếu muốn được hưởng ưu đãi từ nhà nước, dự thảo Nghị định cũng buộc các doanh nghiệp phải đăng ký để được hưởng những chế độ này. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy một lần gánh thêm thủ tục. Có ý kiến cho rằng, không nên đưa các quy định hành nghề vào trong quản lý nhà nước. Điều này sẽ cản trở các doanh nghiệp tiến tới thị trường, tạo nên sự lãng phí tài sản của nhân dân trong việc xin giấy phép.
Hay ví như dự thảo quy định trung tâm cơ sở dữ liệu phải có hạ tầng đặt ở Việt Nam, điều này chỉ mang tính quản lý chứ không tạo điều kiện và có lẽ sẽ bóp nghẹt doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà. Do đó, datacenter, dịch vụ đám mây phải có hạ tầng trên sân nhà là không cần thiết vì Internet là không biên giới. Nghị định này sẽ là cái cớ để các doanh nghiệp chèn ép nhau vì chưa chạy được giấy phép kinh doanh để tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp khác chạy trước đã được quyền tham gia.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Tú Thành, đại diện kinh doanh ASEAN tại Việt Nam cho biết, nghị định không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước mà có thể tiêu diệt cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, có thể sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, dự thảo lại phân loại liệt kê quá nhiều loại hình dịch vụ. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nên soạn thảo nghị định tập trung vào các vấn đề cần quản lý và chính sách khuyến khích đối với những lĩnh vực dịch vụ cần quan tâm, các dịch vụ khác không nên đưa vào”.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định còn thể hiện sự chồng chéo trong quản lý khi “ôm” cả dịch vụ trên nền công nghệ thông tin hoặc thời thượng như “dịch vụ CNTT xuyên biên giới” (liên quan tới sự hiện diện của Google và Facebook). Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định một cách áp đặt “dịch vụ trên nền công nghệ thông tin” cũng là dịch vụ công nghệ thông tin vì với tốc độ phát triển như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa tất cả các dịch vụ đều triển khai ứng dụng CNTT và khi đó ranh giới giới dịch vụ trên nền CNTT gần như không thể xác định được.
Mặt khác, dự thảo nghị định cũng quy định rõ về việc ăn chia tỷ lệ giữa nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (Telco) và nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên có quy định này vì đây là thỏa thuận giữa hai bên và nhà nước không nên can thiệp. Nhưng nhiều đại diện doanh nghiệp CP ho rằng, nếu nhà nước không quy định rõ thì các CP sẽ bị Telco chèn ép và không có tư cách thỏa thuận công bằng với các Telco. Vì vậy, cần có “bàn tay” của nhà nước để công bằng trong kinh doanh.
Vì đây là dự thảo nghị định nhằm mục đích khuyến khích thúc đẩy dịch vụ CNTT ở Việt Nam phát triển, các đại biểu đều kiến nghị Bộ TT-TT nên đổi lại thành “dự thảo Nghị định phát triển dịch vụ CNTT”.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, hội và hiệp hội CNTT có ý kiến góp ý gửi về ban soạn thảo Nghị định để sao cho khi Nghị định ra đời và có hiệu lực tránh được phiền hà cho giới kinh doanh dịch vụ CNTT.
Tuệ Minh
Ý kiến bạn đọc