BlackBerry hết thời, Apple được bao lâu?

06:56, 05/04/2012
|

(VnMedia) - Chỉ 5 năm trước đây, “BlackBerry” còn là một khái niệm gần như đồng nghĩa với “smartphone”. Khi đó, nó dường như đang trở thành một tên thương mại chung để gọi cho toàn bộ các sản phẩm tương tự cùng ngành, như kiểu Honda có nghĩa là xe máy ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia từng nói “Đối với nhiều người, chiếc Blackberry đã trở thành một vật dụng bắt buộc phải có, một máy tính cầm tay không dây có thể gửi email và gọi điện thoại”.

Tuy nhiên, ngày nay, Research In Motion Ltd. (RIM), nhà sản xuất BlackBerry đang trở thành một “kẻ tàn phế” về tài chính, một ví dụ tiêu biểu cho sự thành công bấp bênh trong nền kinh tế số. Tuần trước, RIM đã thông báo sa thải một số lãnh đạo cấp cao khi doanh số liên tục sụt giảm và giá cổ phiếu của công ty xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2003. Các nhà phân tích công nghiệp đều đang hạ thấp dự báo của mình về RIM và tự hỏi liệu có công ty nào – Microsoft thường được nhắc đến – sẵn lòng can thiệp và cứu RIM thoát khỏi giai đoạn này bằng cách mua lại.

Hồi tháng trước, tờ New York Times đã đăng một bài báo với tiêu đề “BlackBerry cố gắng tránh xa sảnh đường của những anh hùng thất thế”, ngụ ý về việc công ty này có thể là tên tuổi mới nhất gia nhập vào hàng ngũ của những người hùng hết thời như Sony Walkman, Palm Pilot, game Atari 2600, máy ảnh Polaroid hay Kodak. Bài báo có đoạn “Chỉ trong năm 2011, giá cổ phiếu của RIM đã giảm 75%. Công ty này từng nắm hơn một nửa thị phần smartphone Mỹ, nhưng giờ đây chỉ còn 10%”.  Cả hai con số này vẫn tiếp tục suy giảm trong năm nay.

Nếu RIM không thể thoát ra khỏi tình cảnh này, chiếc BlackBerry lừng lẫy một thời sẽ trở thành một tấm gương mới nhất về việc một “đế chế thông tin” có thể phát triển và suy sụp nhanh như thế nào trong thị trường CNTT hiện nay. Đó thực sự là bài học không mới cho những người không đổi mới đủ nhanh.

Điều này có thể thấy rất rõ trên thị trường điện thoại di động và hệ điều hành, nơi đã thay đổi liên tục trong hơn 15 năm qua và vẫn đang thay đổi chóng mặt. Cũng như BlackBerry, Palm đã từng phổ biến trong một thời gian ngắn và mang đến nhiều cải tiến cho thị trường. Nhưng rồi công ty này đã phải trải qua nhiều lần thay đổi chủ và cách lãnh đạo, để rồi chẳng mấy chốc bị tụt lại phía sau. Sau khi mua Palm năm 2010, HP thông báo sẽ sử dụng nền tảng webOS của họ trên một loạt các sản phẩm mới. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại và HP cho biết sẽ chuyển webOS thành phương thức phát triển phần mềm nguồn mở.

Microsoft cũng đã từng đi đầu trong việc bán bản quyền hệ điều hành Windows Mobile OS cho các nhà sản xuất smartphone cao cấp, cho đến khi Apple và Android phá hỏng nó. Bây giờ thì thấy thật khó tin, nhưng chỉ vài năm trước đây, ý tưởng Apple hay Google trở thành những tên tuổi đi đầu trong làng smartphone từng bị chế nhạo, thậm chí khinh thường. Dưới đây là một vài dự đoán bi quan về sự gia nhập của Apple trong thị trường smartphone:

• Tháng 12/2006, CEO của Palm gạt bỏ ngay lập tức ý tưởng một công ty máy tính cá nhân truyền thống có thể cạnh tranh về smartphone. Ông này nói :”Chúng tôi đã học hỏi và nỗ lực trong từng ấy năm mới có thể tìm ra cách sản xuất một chiếc điện thoại thông minh đúng nghĩa. Họ, những người chỉ sản xuất máy tính, không thể cứ đơn giản mà bước vào thị trường này”.

• Tháng 1/2007, CEO Steve Ballmer của Microsoft đã cười nhạt trước viễn cảnh về một chiếc smartphone đắt tiền, không có bàn phím có thể thành công trên thị trường. “500 USD ư ? Hỗ trợ đầy đủ ư? Tôi cho rằng đó là chiếc điện thoại đắt nhất thế giới và nó sẽ không lôi cuốn được khách hàng doanh nhân nếu nó không có bàn phím, vì như thế sẽ không thích hợp cho email”. 
 
• Tháng 3/2007, chuyên gia uyên thâm của ngành công nghiệp máy tính John C. Dvorak cho rằng “Apple nên rút phích cắm của iPhone ra” vì “Apple không có khả năng thành công trong thị trường đầy cạnh tranh này”. Dvorak tin rằng thị trường thiết bị cầm tay di động đã gần như khóa cửa và chỉ dành cho những tên tuổi lớn khi đó.  “Đây không phải là một ngành kinh doanh mới nổi. Thực tế là thị trường đã bị thống trị bởi hai thương hiệu lớn là Nokia và Motorola, những người khác sẽ khó làm nên trò trống gì”.

Sức cạnh tranh dữ dội của những hệ điều hành mới đối với những nhà cung cấp dịch vụ truyền thống liên tục gây ngạc nhiên. Nhà phân tích lĩnh vực công nghệ không dây Horace Dediu cho biết, thị phần của Symbian của Nokia đã giảm từ 47% xuống 16% trong 3 năm, hệ điều hành điện thoại của Microsoft đã giảm từ 12% xuống 1%, RIM giảm từ 17 xuống 12%, và các loại khác giảm từ 21% xuống còn 0%. Trong khi đó, Android OS của Google đã tăng từ 0 lên 48% và iOS của Apple tăng từ 2% lên 19% trong vòng hai năm.

Trong một thị trường năng động và dễ bùng nổ như hiện nay, rất đáng đặt ra câu hỏi: Bao lâu nữa thì Apple và Android của Google sẽ có số phận tương tự ? Câu hỏi này nghe thật là ngớ ngẩn khi tính đến doanh số kỷ lục và ngôi vị “thống trị” của cả 2 thương hiệu. Nhưng câu hỏi như vậy cho BlackBerry vài năm trước đây cũng đã từng bị cười nhạo. Bây giờ thì chẳng còn ai cười nữa, nhất là những nhà lãnh đạo của RIM và các cổ đông. 


Hoàng Yến - (TH)

Ý kiến bạn đọc