Vấn nạn lừa đảo trên mạng lại bùng phát mạnh

08:36, 02/07/2011
|

(VnMedia) - Ít có tuần nào những vụ việc lừa đảo, thậm chí gây án mạng có liên quan tới công nghệ hay các mạng xã hội lại bị phanh phui nhiều như tuần này. Nạn đánh cắp mật khẩu email, nick chat của những hacker tuổi teen đã khiến bao người phải điêu đứng vì bị lừa gạt…

 

Cảnh giác với nạn lừa mật khẩu

 

Dù không còn là chuyên mới, song chiêu lừa này vẫn khiến rất nhiều người dính bẫy. Sau một thời gian “rút lui”, nạn đánh cắp mật khẩu đã bùng phát trở lại. Theo mô tả của các nạn nhân, khi nhận được những tin nhắn có chứa đường link đến địa chỉ http://blogscuatoi[removed], bấm vào đó, chủ sở hữu tài khoản YM lập tức bị mất nick. Sau khi đánh cắp được tài khoản YM, hacker sử dụng nick này để chat với bạn bè của nạn nhân trong danh sách YM Friends với kịch bản đang ở vùng sâu, vùng xa, có việc gấp nhờ mua thẻ điện thoại, gửi mã thẻ cho hacker.

 

Tuần rồi, giới truyền thông đã đồng loạt đăng tải vụ việc hai “hacker” một mới học đến lớp 9 (Tuấn) và một học hết lớp 6 (Phúc) nhưng với thời gian lướt web một cách lọc lõi, cả hai tên đã dùng phần mềm gián điệp ăn cắp thông tin để qua đó lừa đảo hàng trăm triệu đồng…


Theo tài liệu của cơ quan chức năng, trước đó, Công an Hà Nội nhận được một số đơn trình báo về việc nhiều người bị trộm mật khẩu tài khoản (mật khẩu nick chat), sau đó tên trộm đã giả danh chủ nick để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người quen của họ. Công an đã tiến hành điều tra, làm rõ, xác định 2 đối tượng gây án ở Hải Phòng. Tên Tuấn mới học hết lớp 9, còn Phúc mới học hết lớp 6. Cả hai mở quán internet, có nhiều thời gian rảnh rỗi để lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội.


Theo lời khai, sau khi Phúc được một người khác cho 2 tài khoản thư điện tử. Các tài khoản này là nơi chứa (tiếp nhận) các thông tin (bao gồm cả mật khẩu, tên truy cập) gửi đến từ các máy tính bị cài một phần mềm gián điệp (phần mềm Keylogger) - Người sử dụng khi thao tác trên bàn phím máy tính bị cài phần mềm này, sẽ bị lưu lại tất cả các thông tin đã thao tác trước đó. Và những thông tin trên sẽ tự động gửi về 2 hộp thư điện tử nói trên.


Sau khi chiếm được những thông tin (nick chat) cả hai đã giả danh chủ nick đó và lừa được hơn chục "con mồi". Gần đây nhất (12/6), Phúc phát hiện tại hòm thư doila...1102@gmail.com có thông tin truy cập nick của một cán bộ ngoại giao tại Panama tên là H. Phúc đã đăng nhập vào nick của ông này rồi đổi mật khẩu, giả danh là ông H. để vay tiền một người có trong list chat của ông H. Với chiêu thức này, Phúc đã lừa được một cán bộ ngoại giao tại Liên Hợp Quốc số tiền 110.000 triệu đồng.

 

Suýt mất mạng vì “thủ lĩnh” facebook

 

Muốn làm một bữa sinh nhật “để đời” cho người yêu tại một quán bar, Nguyễn Duy Quang, 20 tuổi, sinh viên ĐH Xây dựng, quê ở Thái Nguyên, đã rủ cô bạn mới quen trên mạng đi chơi, rồi xiết cổ cô này cướp tài sản. Nạn nhân là Nguyễn Thị Ý, sinh viên ĐH Quốc gia. Rất may là Ý đã không bị mất mạng, còn kẻ sát nhân đã bị bắt.

 

Sau khi lộ “thân phận” là quản trị của “Hội những người đang yêu mà không dám thổ lộ”, một nhóm có trên 7.000 thành viên của mạng xã hội Facebook, mạng Internet lại phơi bày một khía cạnh khác trong nội tâm còn nhiều uẩn khúc của Nguyễn Duy Quang. Lần này là khía cạnh của một tên sát nhân tiềm tàng. Khía cạnh ấy đã bộc lộ trên Yahoo Answers, một công cụ hỏi đáp trực tuyến của trang mạng Yahoo, nơi Quang là thành viên từ ngày 2/10/2010.

 

Những khuyến cáo không thừa

 

Facebook hay Yahoo! vốn là những trang xã hội, diễn đàn mạng mà ở trên đó, người ta có thể thể hiện cái tôi của mình một cách thẳng thắn nhất có thể mà không e ngại gì. Đó cũng là nơi có rất nhiều mối quan hệ từ tình bạn tới tình yêu có thể nảy sinh. Song với thế giới ảo này, mọi điều khó ngờ nhất đều có thể xảy ra.

 

Có lẽ là không thừa khi nhắc lại những hình thức đánh cắp mật khẩu, lừa đảo người dùng qua YM! tưởng như khá đơn giản, khó mắc lại khiến nhiều người điêu đứng, khóc dở mếu dở.

 

Các chuyên gia an ninh mạng đã hơn một lần đưa ra khuyến cáo, để tránh được những rắc rối từ việc bị đánh cắp mật khẩu YM, bạn không nên điền mật khẩu của mình vào bất kỳ trang web nào xuất phát từ đường link do người khác gửi. Nếu muốn đăng nhập Yahoo, hãy tự mình gõ địa chỉ vào trình duyệt. Một nguyên tắc bất di, bất dịch khác là không đưa mật khẩu cho bất kỳ ai dù đó là người thân quen.

 

Theo các chuyên gia của Bkav cho biết, có 4 cách phổ biến mà hacker sử dụng để đánh cắp mật khẩu của bạn. Cách thứ nhất, hacker tạo một trang web có giao diện giống hệt với giao diện của trang đăng nhập Yahoo để lừa bạn điền mật khẩu. Mật khẩu sau đó sẽ được chuyển thẳng tới hacker trong khi bạn vẫn nghĩ nó được chuyển tới Yahoo!. Cách thứ hai là giả mạo người thân hỏi mượn mật khẩu. Cách thứ ba, hacker đã cài trojan, keylog (một loại phần mềm gián điệp ghi lại các thao tác trên bàn phím) sau khi bạn tải phần mềm nào đó từ Internet về máy tính của mình. Và cách cuối cùng, hacker đã đoán được mật khẩu của bạn vì bạn đặt mật khẩu quá đơn giản.

 

Còn với những tình bạn, mối quan hệ trên net, cũng tốt thôi, nhưng nhớ là phải có sự cảnh giác cao nhất có thể, tránh những vụ việc nhãn tiền mà báo giới và cơ quan chức năng đã phanh phui.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc