Họ và tên: Huỳnh Minh Hiếu (nam) Sinh ngày: 24-9-1997 Dân tộc: Kinh Địa chỉ: Lớp 8/1, trường THCS Hoa Lư, Quận 9, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam. BÀI DỰ THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THƯ 40 – 2011 Rừng Amazon, ngày 16-2-2011 Kính gửi ngài Josehp Sepp Blatter kính mến! Tôi cũng khá lo lắng khi viết bức thư này cho vị Chủ tịch FIFA. Tôi biết rằng, ngài rất bận rộn với một núi công việc, nhưng xin ngài hãy dành chút ít thời gian để đọc bức thư của tôi như ngài đang đọc bức thư của người hâm mộ môn thể thao vua. Tôi là cây Tùng 500 tuổi sống trong đại gia đình Amazon. Tôi biết đến ngài và môn bóng đá nhờ nghe cô Gió kể lại rằng đất nước tôi đang sinh sống sắp tổ chức World Cup. Tôi lại càng háo hức nhưng cũng buồn thay. Ngài hiểu tại sao không? Đơn giản, từ những sự kiện gần đây tôi mới nhận ra rằng: “Bảo vệ rừng cũng giống như một trận chung kết bóng đá: Một là thắng, hai là bại!”. Ngài không cười vì những điều tôi nói chứ? Vài trăm năm trước đây, khi các nhà khoa học phương Tây và Bắc Mỹ đến khai phá vùng đất Nam Mỹ trù phú này, trong tay họ là biết bao dụng cụ kỳ lạ mà tôi chưa hề biết đến: La bàn, ống nhòm, súng săn… và có cả những cuốn sách dày cộm toàn là chữ với những hình vẽ hoa lá cây cối. Đôi khi họ còn kẹp những chiếc lá bên đường vào trang sách. Thật thú vị! Chắc họ là những nhà sinh vật học. Nghe mẹ tôi kể lại, xưa kia con người rất ít. Thỉnh thoảng mới bắt gặp họ đi lang thang trong rừng, mặc khố lá, vũ khí toàn những giáo mác, dao rựa thô sơ… Họ đến đây chỉ để tìm củi khô, vài con thú nhỏ, ít rau rừng. Họ chẳng làm gì hại đến chúng tôi cả, thậm chí, họ còn tôn thờ rừng như một vị thánh, người mẹ cung cấp cho họ tất cả mọi nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng, con người phát triển nhanh thật. Họ thay đổi thế giới một cách chóng mặt. Nghe cô Gió kể lại, những bản làng trước kia nay đã trở thành những đô thị sầm uất. Các vùng đất hoang vu mà không ai biết tới nay đã mọc lên các khu công nghiệp đồ sộ, nhả khói ngút trời. Càng kể, tôi càng thấy thất vọng. Hàng triệu năm trước đây, con người vẫn chỉ là một loài vượn bình thường nếu như không có cây cối chúng tôi làm nhà cho họ ở, cung cấp ôxi cho sự sống, cho vạn vật trên trái đất, thử hỏi cái tên mà con người đặt cho hành tinh của mình là “hành tinh xanh” có tồn tại hay không? Chúng tôi không tự đề cao chính mình mà giá trị, lợi ích của chúng tôi hoàn toàn là sự thật. Chẳng nói đâu xa, rừng Amazon mỗi năm thải ra hàng triệu tỉ mét khối ôxi cung cấp cho sự sống. Là cánh rừng lớn nhất thế giới, hàng năm chúng tôi bảo vệ không cho sự xói mòn đất, duy trì nguồn nước, ngăn chặn những tác hại do lũ lụt, hạn hán gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật và khoảng 2 nghìn loài chim thú. Chỉ mỗi ngôi nhà chúng tôi mà đã tạo ra biết bao nhiêu lợi ích. Tôi nói, ngài đừng buồn, nhưng rừng đã và đang bị phá hủy dần dần. Một phần là do đồng tiền kinh tế, lợi nhuận. Một phần là do sự thiếu hiểu biết của con người mà nên: đốt rừng làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc. Cứ mỗi năm, ngôi nhà của chúng tôi bị cắt mất một phần diện tích từ 415.000 km2 đến 587.000 km2. Trước kia, xung quanh tôi toàn là cây cỏ, muôn loài, bầu trời, mặt đất… thì giờ đây, tôi có thể nhìn được phía xa xa là các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền mọc lên như nấm. Ngài biết hiệu ứng Domino chứ? Giả sử rừng không tồn tại, vạn vật thiếu ôxi; Đất không còn tồn tại, vạn vật chìm trong biển nước. 65 triệu năm trước, một mảnh thiên thạch khổng lồ đã làm tuyệt chủng nhiều loài động vật, trong đó có khủng long. Còn giờ đây, mẹ Trái Đất đang phải từ từ chấp nhận ngày tận thế không phải do thiên thạch hay biến cố gì khác ngoài vũ trụ mà là do những đứa con “thần đồng” tạo hóa đã sinh ra. Con người đã phải nhắc đến và đau đầu vì cụm từ “biến đổi khí hậu” do chính mình viết nên, gây nên hiện tượng Elnino, làm thủng tầng ozon, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng dần lên, băng hai cực tan chảy. Con người đang từng bước đi ngược với quy luật của tạo hóa. Không thể tin được khi con sông Amazon lại cạn khô với mực nước thấp kỷ lục. Hàng trăm vụ cháy rừng ở Nga, Australia và nhiều quốc gia khác. Sóng thần, bão tố luôn ập đến các vùng ven biển bất cứ lúc nào. Dự đoán mực nước biển sẽ dần tăng thêm 1 mét vào năm 2050… Thật kinh khủng! Nãy giờ, tôi cứ bàn về vấn đề môi trường chắc cũng làm ngài có chút gì đó lo sợ. Thôi thì ta hãy chuyển sang vấn đề bóng đá - sở trường của ngài. Cũng như tôi đã nói với ngài ngay từ đầu: Bảo vệ rừng - một trận thi đấu sinh tử. Cũng rất đơn giản, con người đã và đang chọn những mặt sân béo bở như rừng để đá trái bóng lợi nhuận qua đó. Quả bóng ấy đi đến đâu, con người sẽ vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên phong phú ở đó. Khi những cánh rừng đã chết, con người sẽ tiếp tục đá trái bóng đó ở các mặt sân khác như biển, lòng đất… Họ sẽ hạ gục tất cả hàng phòng thủ tự nhiên để tạo một cú ghi bàn tuyệt đẹp. Họ sẽ không ngờ, pha làm bàn ấy là cái chết cho chính họ. Nếu họ biết “chơi” một cách hợp lý và tái tạo “mặt sân”, họ sẽ luôn được chơi tự do, thoải mái mà không sợ “đá phản lưới nhà”. Hy vọng rằng, những điều tôi đã nói, ngài đã ghi nhớ. Bóng đá là môn thể thao vua, nó khiến cho mọi người trên hành tinh này say mê theo từng đường bóng. Tại sao ngài lại không dùng bóng đá để truyền đi thông điệp bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Vì sao ngài không cùng hội đồng FIFA tổ chức một cuộc họp để mạnh dạn đưa ra quyết định: Quốc gia nào thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sẽ được đăng cai tổ chức World Cup. Ngài và các cộng sự có thể khuyến khích các đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ thay đổi màu áo, logo mang thông điệp bảo vệ rừng. Các fan hâm mộ thường yêu thích và làm theo thần tượng của mình. Thế nên, các ngài có thể vận động mỗi cầu thủ trở thành một đại sứ thiện chí trong việc giữ gìn màu xanh của rừng. Chưa muộn để vẽ lại màu xanh cho Trái Đất từ những việc làm nhỏ cho đến những hội nghị lớn. Với tư cách là một fan hâm mộ bóng đá, tôi khuyên các bạn bảo vệ rừng chính là bảo vệ môn thể thao vua. Còn với tư cách là một người con của mẹ Thiên Nhiên, các bạn hãy nhớ: “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta!”. Một fan hâm mộ bóng đá Cây Tùng |
Ý kiến bạn đọc