Khi ICT về với nông thôn

16:23, 17/05/2011
|

(VnMedia) - Không phải vô tình khi đúng ngày kỷ niệm Viễn thông thế giới và ngày xã hội thông tin năm nay (17/5/2011), thông điệp của Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế ITU - Tiến sĩ Hamadoun Touré lại là nông thôn sẽ tươi đẹp hơn với ICT.


>> Nông thôn sẽ tươi đẹp hơn với ICT

Theo tiến sĩ Hamadoun Touré, ICT hiện đang là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu và cung cấp các giải pháp thực sự bền vững nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng. ICT cũng đóng vai trò xúc tác trong việc đẩy nhanh tiến độ đáp ứng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Đối với vùng nông thôn, ICT cung cấp cơ hội ngày càng nhiều để tạo ra thu nhập cao hơn, chống nghèo đói, bệnh tật và mù chữ. ICT và những ứng dụng liên quan là những công cụ quan trọng trong việc hoàn thiện quản lý và nâng cao dịch vụ nông thôn như chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận giáo dục, thực phẩm và nhà ở, cải thiện sức khoẻ người mẹ và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, dành lợi thế cho phụ nữ và các thành viên dễ bị tổn thương của xã hội, và cuối cùng là bảo đảm tính bền vững của môi trường.

Một nửa dân số thế giới, gần 3,5 tỷ người đang sống ở các vùng nông thôn cũng như vùng sâu, vùng xa là những người nghèo, ít được học hành, và là những người kém thuận lợi hơn so với cư dân đô thị.

Trong số đó, phải kể đến khoảng 1,4 tỷ người nghèo nhất thế giới mà họ cũng là những người ít được kết nối nhất với ICT và ít được hưởng lợi nhất từ ICT. Chúng ta không thể để tình trạng này tiếp tục. Đã đến thời khắc cho hành động kết nối toàn cầu để cộng đồng nông thôn được tiếp cận những cơ hội và lợi ích do ICT đem lại.

Trên thực tế, không phải tới thời điểm này, khi lời kêu gọi của Tổng thư ký ITU đưa ra đúng ngày 17/5/2011 mới khiến giới công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm tới việc triển khai ứng dụng ICT cho người nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tại Việt Nam , ứng dụng CNTT, truyền thông cho người dân nông thôn từ lâu đã trở thành mục tiêu, phương hướng kinh doanh của khá nhiều doanh nghiệp.

Còn nhớ, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên đã nhiều lần khẳng định với báo giới khi ra mắt tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực Interent Việt Nam đó là làm sao phải đưa được Internet băng rộng về với nông thôn, vùng sâu.

 

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có khoảng 3,9 triệu thuê bao Internet băng rộng. Số người sử dụng Internet tính đến cuối tháng 4/2011 đạt 29,3 triệu. Con số này có nghĩa, hơn 1/4 dân số Việt đã được tiếp cận với Internet. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong việc tiếp cận với Internet, đặc biệt là dịch vụ Internet băng rộng còn khá lớn.

 

Theo ông Vũ Hoàng Liên, người ta thường dùng từ bão hoà trong một số lĩnh vực viễn thông nhưng trên thực tế, bão hoà mới chỉ xảy ra ở các thành phố, trung tâm lớn mà thôi. Việt Nam có trên 80 triệu dân trong đó có tới 70% sống ở nông thôn thì với lượng khách hàng tiềm năng chưa được khai thác hết này khó có thể nói là đã bão hoà.

 

Đây là một khoảng trống rất lớn về phát triển các dịch vụ viễn thông trong đó có Internet băng rộng. Cái mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet băng rộng đã và đang đặt mục tiêu đó chính là làm sao lấp đầy được khoảng trống ở vùng nông thôn, y tế, giáo dục, những nơi còn đang gặp khó khăn về tiếp cận Internet.

 

Với vai trò là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam hiện nay, công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC thuộc Tập đoàn VNPT đã là doanh nghiệp đi đầu trong việc phổ cập dịch vụ, đem tiện ích của ICT tới cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa. VDC đã, đang và tiếp tục tập trung vào chiến lược khai thác “vùng tiềm năng rộng lớn” cho dịch vụ Internet băng rộng là khu vực nông thôn.

 

Với quan điểm này của doanh nghiệp, người dân vùng sâu vùng xa đang chờ đợi những lợi ích mà họ có thể hưởng từ dịch vụ Internet băng rộng. Sự chờ đợi này cũng chính là giúp cho doanh nghiệp nuôi thị trường và giữ thị trường cho chính mình. Có vậy, sức cạnh tranh, giữ thị phần mới mạnh để có thể vượt qua các đối thủ nước ngoài nhòm ngó vào “miếng bánh” Internet còn rất tiềm năng của thị trường Việt hiện nay.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc