Mỏi mắt chờ sản phẩm CNTT của người Việt

09:51, 19/02/2011
|

(VnMedia) - Những dòng điện thoại mang thương hiệu Việt hiện giờ chưa phải là của người Việt 100% vì mới chỉ có ý tưởng, thiết kế nhưng sản xuất ở nước ngoài. Còn tự sản xuất, lắp ráp những mặt hàng như máy tính Việt lại trong tình trạng sống dở chết dở… Câu hỏi được đặt ra, sản phẩm CNTT của chính người Việt làm ra mà chúng ta có thể tự hào, bao giờ mới có?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai từng chia sẻ, một trong những điều trăn trở của những người làm trong ngành CNTT đó là chúng ta có những sản phẩm công nghiệp, sản phẩm dịch vụ gì có thể tự xây dựng và triển khai hiệu quả được không?

Các doanh nghiệp Việt đã từng rất tích cực và tìm hướng để có sản phẩm của Việt Nam, song trên thực tế, chẳng hạn như các dòng điện thoại thương hiệu Việt, sản phẩm, ý tưởng của người Việt song chúng ta vẫn đang phải sản xuất ở nước ngoài.

Những sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt chỉ có ý tưởng của Việt Nam còn giải pháp vẫn phải đặt hàng ở nước ngoài. Cũng đã có doanh nghiệp nghĩ đến việc sẽ sản xuất trong nước, nhưng xem ra để mong muốn này trở thành hiện thực còn quá nhiều việc phải làm.

Chỉ trong vòng một năm vừa qua, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt các thương hiệu Việt. Những thương hiệu điện thoại Việt đã ra mắt ở thời điểm này như Q-Mobile của Viễn thông An Bình (ABTel), Điện thoại Avio của một công ty thành viên thuộc Tập đoàn VNPT hay gần đây nhất là Hi-mobile của HIPT, Bluefone của CMC… đều phục vụ nhu cầu người dùng ở phân khúc giá tầm trung, rẻ.

Các dòng điện thoại được tung ra thị trường có tới hai sim, hai sóng, được tích hợp nhiều tính năng nhưng giá cả lại rất cạnh tranh so với các thương hiệu ngoại như Nokia, Samsung… Thậm chí, có thương hiệu di độg Việt được đánh giá là thành công nhất trong năm 2010 vừa qua đó là Q-Mobile của ABTel đã có trong tay trên 20% thị phần thị trường điện thoại tại Việt Nam.

Q-Mobile khiến dòng điện thoại của Nokia ở phân khúc giá rẻ cũng bị mất đi thị phần đáng kể. Thậm chí, trong năm 2011 này, đại diện của thương hiệu Q-Mobile còn đặt mục tiêu vượt hẳn Nokia, nắm trên 50% thị phần điện thoại di động ở Việt Nam.

Mặc dù được đánh giá có sức cạnh tranh cao như vậy, song trên thực tế, các dòng điện thoại thương hiệu Việt này vẫn chưa được công nhận là điện thoại mang thương hiệu quốc gia. Lý do là mặc dù được gắn mác “made in Việt Nam” song hàm lượng Việt trong mỗi chiếc điện thoại thương hiệu Việt vẫn còn khiêm tốn.

Các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu điện thoại Việt mới chỉ có thể đưa ra được các ý tưởng về hình dáng, mẫu mã cho sản phẩm của mình, còn linh kiện và phụ kiện cũng như nơi sản xuất của những chiếc điện thoại Việt lại đều xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước điện thoại thương hiệu Việt, đã có một thời gian, ngành CNTT nước nhà cũng đã từng kỳ vọng rất nhiều tới những dòng máy tính giá rẻ do chính người Việt sản xuất, lắp ráp. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, sự chờ đợi dường như cũng có vẻ hao hụt đi khi mà có nhiều nhận định, máy tính thương hiệu Việt khó có thể trụ vững trên thị trường.

Luôn phải chật vật tìm lối đi cho mình vì bị các thương hiệu ngoại nhập cạnh tranh quá mạnh, thị trường máy tính Việt Nam bị đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Thậm chí có nhiều chuyênn gia còn nhận định, thị trường máy tính (gồm cả máy tính để bàn và xách tay) của Việt Nam hiện còn đang ở giai đoạn sơ khai.

Mặc dù trong vài năm trở lại đây, mức độ tin học hóa và mật độ máy tính trên đầu người của Việt Nam đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên những dòng máy tính thương hiệu Việt như FPT Elead, CMS, Mekong Xanh, VTB… vẫn chưa phải là sự lựa chọn số một của người dùng Việt. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, đó là giá thành, mẫu mã, tính năng… chưa bứt phá được so với các dòng máy tính ngoại. Có thể mẫu mã, tính năng ngang ngửa nhưng giá cả lại cao hơn, không mấy cạnh tranh…

Máy tính thương hiệu Việt và điện thoại di động thương hiệu Việt mới chỉ là hai trong số những sản phẩm CNTT mà người Việt muốn chinh phục và tự mình thiết kế, sản xuất phục vụ đối tượng khách hàng nội. Nhưng trên thực tế, chỉ cần qua hai sản phẩm này cũng đã thấy, việc để có được một sản phẩm CNTT thực sự của người Việt không phải dễ dàng gì.

Ở thời điểm này, khi Việt Nam đang chính thức bắt tay vào triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng, nếu như ngành CNTT Việt Nam có những sản phẩm riêng của mình, cũng chính là đã góp phần tăng thêm giá trị của Đề án.

Vì vậy, câu hỏi “sản phẩm CNTT của chính người Việt làm ra, bao giờ mới có?” dù không phải giờ mới được đặt ra, nhưng lại cần có câu trả lời thoả đáng nhất ở thời điểm này, khi mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng sớm trở thành nước mạnh về CNTT trong thời gian không xa.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc