(VnMedia) - Sáng nay, ngày 22/11/2017, sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam đã diễn ra tại khách sạn JW Marriott (Hà Nội), cùng với nhiều hoạt động bên lề khác.
20 năm trước, ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Ngành TT&TT Việt Nam, đây là ngày đã diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet - xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia, để cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Tại Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay.
Để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam như hiện nay, chúng ta cũng cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo số liệu thống kê chưa chính thức thì hiện nay, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205 nghìn người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho biết, với chặng đường hình thành và phát triển trong 20 năm qua, Internet đã góp phần làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống, đóng góp không nhỏ vào những thành tích đạt được của nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... Có thể nói, Internet như một làn gió mới, đầy tích cực cũng như đóng vai trò không nhỏ cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Năm 1997, Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bản đồ Internet toàn cầu, mở cửa đón Internet dẫu còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, với các chủ trương, chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP), các doanh nghiệp phát triển nội dung số, Internet Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, có thể nói là bùng nổ. Ông tin tưởng rằng trong tương lai Internet Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bắt kịp sự phát triển trong bối cảnh mới.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, tọa đàm “Internet – nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” đã diễn ra với sự tham gia của các đại biểu tới từ cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên gia và các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành như VNPT, Viettel, VNG, VCCorp, FPT,... Ông Lê Hồng Minh - Giám đốc VNG cho biết hiện Internet đang là một phần không thể tách rời của cuộc sống và chắc chắn trong 10 năm tới chắc chắn nó sẽ trở thành phần quan trọng nhất.
TS. Mai Liêm Trực cũng cho biết tôi cũng không thể tưởng tượng được Internet nó đã phát triển đến như thế này, và chúng ta chắc chắn cũng sẽ khó có thể dự đoán được chính xác sau 10 - 20 năm nữa Internet nó sẽ phát triển như thế nào. Chúng ta chỉ có thể biết rằng nó sẽ phát triển mạnh mẽ, theo xu hướng kết nối vạn vật IoT và kết nối con người. Vì vậy, chúng ta đừng lo ngại, đừng chần chừ bởi quá khứ đã chứng minh việc chúng ta mở cửa internet là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta phải nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng phát triển của thời đại.
Đại diện đến từ Tập đoàn VNPT - Ông Huỳnh Quang Liêm thì cho biết với vai trò là một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, VNPT trong những năm qua đã nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, liên tục đầu tư, mở rộng nâng cấp đường truyền để hỗ trợ các dịch vụ triển khai dịch vụ của các doanh nghiệp nội dung số. Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, khi mà nội dung số là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy Internet phát triển, VNPT sẽ tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam phát triển.
Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, VIA sẽ công bố danh sách các nhân vật, doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam 10 năm qua dựa trên kết quả bình chọn được Hiệp hội Internet Việt Nam và báo điện tử Ictnews.vn phối hợp tổ chức.
Cuộc thi “Chatbot 2017” sẽ được phát động vào cuối buổi Lễ kỷ niệm. Cuộc thi nhằm tạo ra sân chơi cho cộng đồng các startup, các lập trình viên trẻ và nhiệt huyết tranh tài. Phiên họp buổi chiều của Hội thảo Internet Day 2017 sẽ diễn ra với 2 chuyên đề song song.
Chuyên đề 1 với chủ đề “Tài nguyên số - cơ hội và thách thức” tập trung thảo luận về sự dịch chuyển giá trị của tài nguyên viễn thông, Internet truyền thống sang các loại hình khác, các tài nguyên số mới xuất hiện làm thay đổi xã hội, đem đến nhiều tiện ích cho người sử dụng, nhiều cơ hội mới, thách thức mới trong kinh doanh và cách thức quản lý xã hội.
Chuyên đề gồm các đề tài: Sáng tạo dựa trên khai thác dữ liệu trong xã hội thông minh; Khai khác dữ liệu lớn để chuyển đổi số ở doanh nghiệp ICT; Ứng dụng big data vào phát triển giải pháp phát hiện tấn công thế hệ mới; Xây dựng văn hóa dữ liệu trong ngân hàng do các đại diện đến từ Vụ Công nghệ Thông tin, CMC Group, Cyradar, Pvcombank trình bày.
Chuyên đề 2 với chủ đề “Kinh tế số ở Việt Nam - có gì cho doanh nghiệp Việt?”, tập trung vào các nội dung các doanh nghiệp Việt có cơ hội gì trong “nền kinh tế số” và quá trình hội nhập vào “kinh tế số”, liên quan đến các vấn đề về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt trong kinh doanh thương mại điện tử, các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet, các cơ hội kinh doanh mới xuất hiện như các dòng chảy fintech, blockchain...
Chuyên đề 2 gồm các đề tài: Kinh tế số ở Việt Nam và định hướng phát triển Thương mại điện tử đến 2020; Dịch vụ big video-Chuyển mình vào kỷ nguyên số; Dịch chuyển Marketing sang Digital và các phương thức mua-bán mới do các đại diện đến từ Ecomviet, Qualcomm, Vinalink trình bày.
Hoàng Vũ
Ý kiến bạn đọc