Nhân tài Đất Việt 2017: Sôi nổi chấm Chung khảo sản phẩm Di động và kết nối
19:49, 14/11/2017
|
(VnMedia) -
Đúng 9 giờ sáng ngày 14/11/217, tại Tập đoàn VNPT đã diễn ra buổi chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2017. Đây là buổi chấm được đánh giá vô cùng nghiêm túc nhưng không kém phần sôi động và thú vị của Ban giám khảo chấm thi mảng 'Di động và kết nối', cùng các thí sinh, để tìm ra sản phẩm xứng đáng.
Hội đồng chấm thi chung khảo các sản phẩm Di động và kết nối trong khuôn khổ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 gồm 5 thành viên là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ… đến từ các Cơ quan quản lý nhà nước, các trường Đại học uy tín tại Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên bảo vệ trước Hội đồng là Phần mềm Math Solver , tác giả - Thạc sĩ Phạm Khắc Cảnh. Với niềm đam mê cháy bỏng với Toán học, năm 2015 anh Cảnh đã bắt tay xây dựng các thuật toán.
Trong 8 tháng triển khai Math Solver đã đạt 220.000 lượt tải trên cả hai nền tảng iOS và Android (trong đó người dùng Việt Nam chiếm 33%, Mỹ là 20% và còn lại là người dùng đến từ châu Âu và châu Á). Ứng dụng Giải toán Math Solver giúp giải các dạng Toán Phổ thông, Đại học, Sau đại học… sẽ tự động đưa ra các bước giải cụ thể kèm đáp án sau khi người dùng nhập vào một đề toán bất kỳ như: phương trình, tích phân, phương trình vi phân, hệ phương trình, ma trận…
Chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý và đưa ra lời giải chi tiết từng bước. Bên cạnh đó, Math Solver còn giúp giải toán tự động, trình bày chi tiết từng bước một. Có hỗ trợ vẽ đồ thị. Các dạng toán hỗ trợ bao quát chương trình toán phổ thông và đại học. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phần mềm giải toán này cũng giúp giải các bài toán phức tạp như phương trình vi phân, tích phân… mà con người mất nhiều thời gian để giải và trình bày trong lĩnh vực cơ học, vật lý,… Tùy vào mức độ khó của bài toán, phần mềm chỉ mất vài giây để đưa ra kết quả, với lời giải chi tiết. Phần mềm Math Solver sử dụng EngUnity 3D, hỗ trợ đa nền tảng, hỗ trợ công nghệ 3D, AR, VR…
Kế hoạch trong tương lai của tác giả, là đưa công nghệ nhận dạng hình ảnh vào bài toán và phần mềm có thể đưa ra lời giải chính xác, nhanh chóng, đồng thời mong muốn mở rộng sản phẩm ra nhiều nước phát triển như Nga, Mỹ, Pháp…
Tuy nhiên, hội đồng Ban giám khảo băn khoăn liệu phần mềm này có khiến cho học sinh lười đi và quá phụ thuộc vào công nghệ hay không, và các kết quả của bài giải có chính xác 100%? Anh Cảnh cho biết: “Phần mềm sẽ cho ra các cách giải khác nhau và nhanh nhất, hỗ trợ sinh viên, học sinh. Phần mềm chỉ có thể giải được hoặc không giải được chứ không có chuyện giải sai”.
Khi được hỏi là có tự tin rằng sản phẩm của mình sẽ để lại một dấu ấn tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 hay không? Tác giả Math Solver hy vọng sản phẩm sẽ được Ban giám khảo đánh gia tốt và sẽ đạt giải. Trong thời gian tới, tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm hơn nữa.
123Xe là ứng dụng do 5 bạn trẻ thế hệ, 8x và 9x xây dựng và phát triển. Ứng dụng 123 Xe ra đời giải quyết một số vấn đề như mang đến sự tiện lợi cho khách hàng trong các chuyến đi đường dài, lên kế hoạch trước cho chuyến đi của mình, tìm kiếm cơ hội đi chung để giảm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, 123Xe còn cung cấp công cụ quản lý, vận hành cho các doanh nghiệp vận tải như tự động lập lịch đón trả khách, tìm chuyến xe phù hợp nhất với những hành khách yêu cầu đi ngay, hay những xe quay đầu nhàn rỗi. Bên cạnh những lợi ích về giải ô nhiễm môi trường cũng như giảm ùn tắc giao thông như trên thì 123Xe còn đem lại những giá trị lợi ích về mặt kinh tế cho tất cả những bên tham gia.
Hiện 123Xe đã có khoảng 500 xe từ 4 – 45 chỗ với khoảng 20 nghìn người dùng trên cà hai nền tảng Android và iOS. Ngoài Hà Nội, 123Xe hiện đã triển khai ở một số thành phố khác như Nha Trang và Đã Nẵng.
Trong thời gian tới, nhóm tác giả cho biết sẽ tiếp tục đầu tư về mặt con người và công nghệ, để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm và xa hơn nữa là tìm kiếm giải pháp kết nối các hãng taxi, các nhà đầu tư để mở rộng ra thị trường trong nước và thế giới . Với mục tiêu dự kiến, trong năm 2018 sẽ đạt 1.000 chuyến/tháng, đạt doanh thu 700 triệu đồng/ tháng và tiến tới doanh thu 4 tỷ đồng. Và đến năm 2019, 123Xe sẽ đạt trung 5.000 chuyến/tháng và đạt doanh thu 42 tỷ đồng.
Ngoài những thách thức về mặt công nghệ, kỹ thuật là làm sao tự động hóa về mặt vận hành, 123Xe còn gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt của các đối thủ mạnh có thể nói là “đốt tiền” trên thế giới như Uber, Grab… vì vậy theo Ban giám khảo NTĐV 2017, ứng dụng này cần phải có những gói dịch vụ phong phú hơn và phải tìm ra những thị trường ngách để phát triển. Với người dùng, quan trọng nhất vẫn là giá dịch vụ và làm sao để khách hàng 123Xe sẽ phải trả ít nhất so với các dịch vụ cạnh tranh khác. Đồng thời, trong thời gian tới 123Xe cần phải phát triển về phương thức thanh toán sao cho hợp lý. Cần kêu gọi các nhà đầu tư để mở rộng, phát tiển và tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp nhất. Hội đồng chấm giải Di động và kết nối của Nhân tài Đất Việt 2017 cũng đánh giá cao sản phẩm 123Xe và hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những hướng phát triển mới cho sản phẩm.
Ngay từ giây phút đầu, GOnJOY đã gây chú ý bằng những clip vô cùng thú vị và sau đó nhóm tác giả đến từ Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Ban giám khảo.
Ý tưởng về một ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người thông qua việc quản lí nhu cầu sử dụng quỹ thời gian và ngân sách có sẵn trong việc thư giãn, giải trí, và ăn uống… đã được tác giả GOnJOY phát triển và đưa vào trải nghiệm thực tế.
Trợ lý ảo GOnJOY sẽ phân tích nhu cầu người dùng qua đoạn hội thoại bằng công nghệ Phân tích ngôn ngữ tự nhiên và dựa vào đó để đưa ra các gợi ý phù hợp về các địa điểm và các chương trình khuyến mãi trong lĩnh vực giải trí, ăn uống. Cụ thể, người dùng sẽ được chỉ dẫn đến các địa điểm đã được chọn, hay chủ động đưa ra các khuyến cáo về các địa điểm dựa trên các mốc thời gian trong ngày, hỗ trợ đặt bàn và hỗ trợ quảng bá cho nhà cung cấp dịch vụ.
Hoạt động chủ yếu trên messenger của Facebook, GOnJOY xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách hàng và doanh nghiệp. Giúp khách hàng tìm cái đúng mà mình mong muốn, tiện lợi cho việc di chuyển, đúng với cảm xúc, giúp khách hàng đưa ra lời góp y và nhận xét, nhận các chương trình khuyến mại. GOnJOY thu thập chính xác dữ liệu người dùng thông qua Game. GOnJOY đồng thời còn mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp về 5P (sản phẩm, giá cả, con người, khuyến mại và địa điểm) và 5E (cam kết, mở rộng…)
Mặc dù mới đưa vào demo hơn 1 tháng và cũng cấp khá nhiều dịch vụ khác nhau, GOnJOY đặt mục tiêu giúp doanh nghiệp biết được nhu cầu thực sự của khách hàng, biết được cái mình yếu ở đâu, cần phát triển như thế nào, áp dụng chiến lược nào để kinh doanh cho hiệu quả, đổi lại chủ doanh nghiệp sẽ trả một mức thuê bao hàng tháng cho GOnJOY. Đây chính là mô hình kinh doanh của GOnJOY. GOnJOY hoạt động dựa trên tiêu chí WinWin đôi bên cùng có lợi, tạo ra một giải pháp trong đó cả người bán và người mua đều có lợi.
Các thành viên Ban giám khảo đều đánh giá cao GOnJOY, nhưng trong thời gian tới nhóm tác giả cần phải hoàn thiện sản phẩm hơn nữa, vì hiện tại cơ sở dữ liệu của ứng dụng này chưa nhiều, nên khả năng truy xuất dữ liệu, trả thông tin chưa chính xác. Và việc GOnJOY xây dựng trên nền tảng messenger của Facebook còn gặp rất nhiều trở ngại, vì nền tảng này hỗ trợ chưa cao.
Trước mắt GOnJOY sẽ tập trung phát triển người dùng và sau đó mới phát triển đại trà, tiếp cận tất cả các IP trên toàn quốc, phải chứng minh được khả năng tồn tại và có hiệu quả. Hiện nay, GOnJOY hàng tháng đã thêm vào được 500 người dùng mới. Hy vọng ứng dụng sẽ tiếp tục thu hút được nhiều người dùng cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp hơn nữa.
Được đánh giá là dễ dàng sử dụng như những ứng dụng Chat thông thường và hỗ trợ chạy trên nhiều nền tảng, thiết bị có kết nối mạng, Chebi Chat ra đời để nâng cao trải nghiệm giao tiếp giữa người và thiết bị máy móc. Phần mềm có thể hỗ trợ chạy trên nhiều thiết bị và là ứng dụng giao tiếp khá thông minh. Trò chuyện qua voice và phát âm với nhiều mẫu giọng chuẩn của người bản xứ. Giúp mọi người có thể vượt qua rào cản và nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ với người nước ngoài.
Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ thông tin cho Giải thưởng.
Hiện Chebi Chat hỗ trợ các ngôn ngữ là tiếng Việt, Anh ,Trung và có thể mở rộng đa ngôn ngữ. Người dùng có thể chat hoặc nói, giao tiếp thông qua smartphone hoặc máy tính có hỗ trợ micro. Chebi Chat phân tích, trả lời dựa theo ngữ cảnh giao tiếp với người dùng và xử lý giọng nói cũng ở mức tự nhiên, đồng thời hỗ trợ các mẫu giọng nói biểu cảm, giọng nam, nữ. Bên cạnh đó, Chebi Chat còn khống chế được tốc độ để người dùng có thể luyện nghe và phát âm phù hợp với trình độ của mình.
Tác giả Chebi Chat cho biết đã xây dựng phần mềm dựa trên nỗi đau của chính mình khi học ngoại ngữ mà không dám giao tiếp. Hướng phát triển của Chebi Chat là kết hợp với một số Trung tâm học ngoại ngữ để hỗ trợ nâng cao khả năng giao tiếp của học sinh, hay kết hợp với các doanh nghiệp để phát triển tổng đài chăm sóc khách hàng và ứng dụng vào trong thương mại điện tử để các doanh nghiệp bán sản phẩm của mình.
Thời gian vừa qua, Chebi Chat đã triển khai thử nghiệm ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và đã được các em học sinh rất đón nhận. Qua đây, nhóm tác giả đã nảy ra ý tưởng phát triển một ứng dụng Chebi Chat dành cho người học là những người khiếm thính, khiếm thị.
Định hướng của tác giả là đưa sản phẩm vào phục vụ công tác giáo dục và dựa vào công cụ phân tích ngôn ngữ tự nhiên để phục hoạt động chăm sóc khách hàng và kết hợp với các dịch vụ bán hàng.
Ban giám khảo đánh giá phần mềm Chebi Chat không hề thấp và khi tác giả đưa sản phẩm dự thi ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2107, hội đồng chấm từng kỳ vọng tác giả hướng đến mục đích phục vụ học tập. Nhưng qua đây, ông Nguyễn Long – thành viên Ban giám khảo cho rằng, Chebi Chat có thể không cần phát triển để phục vụ cho riêng mảng giáo dục mà có thể phát triển thành dịch vụ chăm sóc khách hàng, tổng đài dịch vụ. Nên khoanh vùng để ứng dụng vào một sản phẩm cụ thể, chứ hiện nay sản phẩm đang phát triển khá rộng, cần giới hạn phạm vi ứng dụng sản phẩm. Hoặc có thể tập trung ứng dụng vào một sản phẩm cụ thể và tận dụng tích hợp đồng thời nhiều ngôn ngữ trên một giao diện.
Là nhóm cuối cùng tham gia bảo vệ và cũng là nhóm có lượng thí sinh tham gia bảo vệ đông nhất, Campus Cộng khiến không khí của hội đồng chấm trở nên “nóng” hơn.
Với mục đích tạo ra một sân chơi lành mạnh và nhiều tiện ích cho sinh viên, Campus Cộng sẽ là công cụ hỗ trợ sinh viên học tập, rèn luyện và hướng nghiệp sau khi ra trường đồng thời tập trung các nguồn lực xã hội dành cho sinh viên Việt Nam. Mong muốn kết nối các bạn sinh viên lại với nhau để phục vụ tốt hơn.
Về cơ bản, Campus Cộng chính là một mạng xã hội kết nối sinh viên nhằm mục đích kết nối sinh viên với cộng đồng, sinh viên với doanh nghiệp để được chia sẻ kiến thức học tập, để trợ giúp các vấn đề trong cuộc sống và để hỗ trợ tìm kiếm việc làm, định hướng nghề nghiệp.
Bắt đầu xây dựng từ tháng 4 và đưa vào vận hành vào tháng 8, Campus Cộng hoàn toàn miễn phí cho các bạn sinh viên và chỉ thu phí từ phía doanh nghiệp. Đến nay, Campus Cộng đã tổ chức được một số sự kiện như Uni –tour tại 11 trường, trao tặng 210 suất học bổng cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức sự kiện Tân sinh viên với hơn 5.000 lượt sinh viên tham gia… Hiện tại Campus Cộng đã có hơn 10 nghìn tài khoản hoạt động hàng ngày.
Kế hoạch phát triển của Campus Cộng trong vòng 03 năm tới là tiếp tục phát triển và hoàn thiện các tính năng, và quan trọng là tạo uy tín đế thu hút thêm các bạn sinh viên tham gia. Các thành viên Ban giám khảo băn khoăn là một ứng dụng chỉ tập trung vào cộng đồng sinh viên, nhưng lại có tham vọng cạnh tranh với các nền tảng lớn như Facebook, Zalo, LinkIn…
Mặc dù hoành tráng, nhưng nội hàm bên trong Campus Cộng vẫn khiến Ban giám khảo có nhiều câu hỏi cần giải đáp. Phần mềm này cần phải tạo ra một cộng động “yêu, ghét” để thu hút người tham gia. Là ứng dụng dành cho sinh viên, nhưng Campus Cộng vẫn cần hỗ trợ các bạn sinh viên đã tốt nghiệp ra trường mà chưa có việc làm. Bên cạnh đó, Campus Cộng cũng phải định hướng rõ là nền tảng phi lợi nhuận hay miễn phí. Đồng thời, nên định nghĩa lại Campus Cộng là một cộng đồng hơn là một mạng xã hội. Mục tiêu sắp tới là phải tăng nhanh cộng đồng người dùng, nhưng không nên quá đòi hỏi về mặt xác thực, nhận dạng người dùng. Nên mở các dạng thi online vui ở các trường để thu hút các bạn sinh viên tham gia.
Ý kiến bạn đọc