(VnMedia) - Chia sẻ với các bạn trẻ tham dự workshop “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra ngày 28/8 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh: "Con đường startup không phải là màu hồng mà rất khó khăn và gian nan".
Nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp, sau Hà Nội, workshop chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” đã được Ban tổ chức giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 lựa chọn điểm tới tiếp theo là TP.HCM - địa phương được đánh giá đi đầu trong cả nước về phong trào khởi nghiệp.
Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM đang diễn ra rất phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp. Thông qua các Trung tâm ươm tạo của TP.HCM đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm - ĐH Quốc gia TP.HCM, Vườn ươm khu công nghệ cao TP.HCM…
Việc các bạn trẻ tham dự workshop “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” đặt ra câu hỏi “Có nên bỏ đại học để đi làm startup?” cho PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã phần nào phản ánh sự phát triển mạnh mẽ như “vũ bão” của phong trào startup tại TP.HCM.
Chia sẻ với các bạn trẻ tham dự workshop “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?”, PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh: "Con đường startup không phải là màu hồng mà nó rất khó khăn và gian nan".
Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Mai Thanh Phong cho biết: “Có nhiều bạn trẻ cũng từng hỏi tôi như vậy. Nhiều bạn cũng dẫn chứng là nhiều người không cần học đại học nhưng khởi nghiệp rất thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú… Tôi cũng chỉ biết khuyên các bạn hãy nhìn lại xem có bao nhiêu người thành công từ việc bỏ học ra ngoài làm startup. Việc học là cả đời, bạn có thể lựa chọn học ở trên giảng đường hoặc đi thẳng vào thực tế để tiếp nhận kiến thức”.
Cũng theo PGS.TS Mai Thanh Phong, nếu bạn đánh giá dự án của mình là khả thi và thành công nhưng lại không thể vừa học vừa làm dự án thì lúc đó bạn phải lựa chọn. Bạn có thể bỏ học để tập trung toàn bộ thời gian cho dự án này và lúc đó bạn phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Con đường startup không phải là màu hồng mà nó rất khó khăn và gian nan.
Có cùng quan điểm với PGS.TS Mai Thanh Phong, Giám đốc sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh: Chúng ta cần phải rất tỉnh táo khi lựa chọn. Quan điểm của tôi không phải bạn thất bại một lần mà nản chí bởi làm startup có khi thất bài nhiều lần rồi mới đến được với thành công. Ở đây chúng ta cần phải loại bỏ tư duy làm startup phong trào bởi điều đó là rất nguy hiểm”.
Còn theo Phó Tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược của Microsoft Việt Nam, ông Phạm Trần Anh, công nghệ đã, đang và chắc chắn sẽ là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tại chính thị trường Việt Nam. Việc phát triển công nghiệp sáng tạo đang là tất yếu cho sự đổi mới không ngừng của cuộc sống và xu hướng liên tục phát triển của thế giới hiện nay.
“Người Việt Nam thông minh và rất giỏi khoa học tự nhiên, điều này đã được chứng minh qua rất nhiều các kỳ thi lớn trên các đấu trường quốc tế uy tín. Chính phủ và các ban ngành hiện nay đã và đang có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ nhằm chuyển đổi môi trường, khuyến khích tạo dựng thành công công nghệ sáng tạo tại Việt Nam. Do vậy, các bạn trẻ có thể tận dụng cơ hội này, mạnh dạn hơn trong việc triển khai các dự án của mình”, ông Phạm Trần Anh chia sẻ.
Chuyên gia đến từ Microsoft Việt Nam cũng khuyến các bạn trẻ, không nên chỉ dừng trong việc chỉ áp dụng công nghệ cho các lĩnh vực hiện đại, mà hãy nhìn xa hơn, khái quát hơn vào các ngành truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, y tế và chăm sóc sức khỏe… Đây là những thị trường ngách đang bỏ ngỏ và có rất nhiều cơ hội để có thể thành công.
Ví dụ tiêu biểu là tại Tasmania, nông dân thu hoạch Hàu đã tiết kiệm được chi phí khi sử dụng thiết bị cảm biến thời tiết IoT. Những vụ thu hoạch và chăn nuôi nhờ dự báo khí tượng chuẩn xác đã giúp họ tránh được những tổn thất do bão, do thay đổi khí hậu với con số lên đến hàng triệu đô la Úc trong mỗi vụ. Hơn 50 quốc gia trên thế giới người dân đang được cung cấp hồ sơ sức khỏe kết nối tự động với thiết bị đo (như Apple Watch), thiết bị y tế cá nhân (máy đo huyết áp, đo lượng đường trong máu), kèm hệ thống quản lý bệnh viện hoặc phòng khám để người dân có thể theo dõi sức khỏe cá nhân và các cơ sở y tế có thể theo dõi sức khỏe cộng đồng...
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, “để có sự phát triển doanh nghiệp liên quan đến phát triển CMCN 4.0, tôi cho rằng, tri thức là điều quan trọng nhất. Việc thứ hai là phải nghiên cứu trên một nền tảng rất chắc chắn từ những cơ hội thị trường. Các start up thành công không chiếm tỷ trọng cao". Mỗi nhà sản xuất theo hướng ứng dụng KHCN cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mặt thị trường để đảm bảo sản phẩm có sự khác biệt, áp dụng được tốt trong quá trình phục vụ sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Tấn lưu ý các start up: "Chúng ta không nên xem CMCN 4.0 là thứ quá to tát. Các doanh nghiệp nên đi tìm các góc độ tiếp cận của mình, những lát cắt để đem lại sự thành công của mình trên cơ sở ứng dụng KHCN, những vốn tri thức, tài sản tri thức mà doanh nghiệp có cũng như là tìm kiếm cơ hội thị trường để có thể khớp nối và tạo ra sự thành công".
Tiếp nối thành công của chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội, và TP.HCM, Ban Tổ chức Giải thưởng sẽ tổ chức Chương trình Giao lưu với Cộng đồng startup tại Đà Nẵng, chủ đề: “Sức mạnh Trí tuệ Nhân tạo trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0- Khám phá cơ hội cho startups Việt”.
Tham dự sự kiện có Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, Lãnh đạo Tập đoàn VNPT, báo Dân trí và gần 150 khách mời là các startups Đà Nẵng cùng các cơ quan báo chí TW và địa phương.
Thời gian: 14h00, thứ 7 ngày 23/09/2017
Địa điểm: tầng 3, DNC Da Nang Co-working Space, 31 Trần Phú, Hải Châu, Đà Nẵng
Vì số lượng chỗ ngồi có hạn, độc giả tại Đà Nẵng có mong muốn tham dự sự kiện có thể đăng ký tại địa chỉ toasoan@vnmedia.vn để đặt chỗ trước.
PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc