(VnMedia) - Buổi tọa đàm “Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây thực sự là dịp để Bộ Thông tin và Truyền thông có thể tham khảo ý kiến đánh giá toàn diện, đa chiều của các chuyên gia, doanh nghiệp về Luật CNTT và định hướng hoàn khiện khung pháp lý về CNTT trong tương lai.
Luật CNTT được Quốc hội thông qua năm 2006 là văn bản luật đầu tiên về CNTT ở Việt Nam. Sự ra đời của luật với các quy định về quản lý nhà nước về CNTT rõ ràng, minh bạch đã tạo ra hành lang pháp lý cơ sở cho các hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT trong thời gian qua.
Sau 10 năm thi hành, Luật CNTT đã bộc lộ một số hạn chế trong bối cảnh CNTT là ngành phát triển nhanh, với các thay đổi có tác động mang tính đột phá. Vai trò của CNTT trong mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, thương mại, giáo dục, quốc phòng… được nâng lên tầm cao mới. Từ một lĩnh vực kỹ thuật có tính hỗ trợ, CNTT đã trở thành một động lực phát triển có tác động lan tỏa, toàn diện, giúp chuyển đổi các mô hình kinh doanh, nghiệp vụ truyền thống thông qua thúc đẩy sáng tạo, đổi mới dựa trên công nghệ số. Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng bày tỏ, với sự hiện diện đông đảo của các nhà quản lý, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, ông tin tưởng rằng nhiều vấn đề bức xúc, nhiều vấn đề tồn tại của ngành CNTT sẽ có được những kiến nghị, đề xuất tốt trong việc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT.
“Có thể nói, việc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT là rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với các doanh nghiệp, với ngành CNTT thì không chỉ chịu sự tác động riêng của Luật CNTT mà còn bị tác động bởi nhiều Luật khác. Bản thân những người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực CNTT cũng biết rằng bên cạnh Luật CNTT còn chịu chi phối bởi nhiều Luật khác. Do đó, quan điểm của chúng tôi, khi tổng kết Luật CNTT, không chỉ là nói đến những tồn tại, những mặt được, chưa được của Luật CNTT mà cũng mong muốn các đại biểu có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về những nội dung, nội hàm ở các luật khác có tác động đến ngành CNTT, tác động đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp CNTT”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho biết, qua 10 năm thi hành Luật CNTT, những suy nghĩ, quan điểm của chúng ta về CNTT đã có nhiều thay đổi, do sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ. Ví dụ, khi triển khai Luật CNTT, chúng ta dựa trên nền tảng về hạ tầng, dịch vụ, công nghiệp và nguồn nhân lực. Ngay về hạ tầng, trước đây chúng ta nghĩ nhiều đến hạ tầng viễn thông, nhưng ngày nay ta đặt vấn đề về hạ tầng thiết bị và các hạ tầng khác như hạ tầng kết nối qua các thiết bị, hạ tầng thanh toán cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số… Đó là những vấn đề nảy sinh, phát sinh chưa được thể hiện rõ trong nội hàm các văn bản pháp luật. Do vậy, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn.
Hay với vấn đề ứng dụng, theo cách hiểu truyền thống trước đây là ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, trong xây dựng Chính phủ điện tử nhưng mở rộng ra nói đến vấn đề ứng dụng hiện nay là hướng đến xây dựng một xã hội kết nối, thể hiện các mối quan hệ giữa Chính phủ, người dân, doanh nghiệp. Vì thế, có những vấn đề chúng ta phải xem xét, đặt vấn đề một cách nghiêm túc. Còn về Công nghiệp CNTT, mối quan tâm từ xưa đến nay, nhiều lúc chúng ta chỉ nghĩ công nghiệp làm thế nào để Nhà nước có sự quan tâm, đặt ra các chính sách ưu đãi, giảm thuế cho doanh nghiệp. Nhưng ngoài những vấn đề đó ra, hiện nay còn rất nhiều vấn đề khác mà chúng ta cần quan tâm. Đặc biệt, nguồn nhân lực là vấn đề hỗ trợ rất quan trọng cho 3 mảng trên. Thứ trưởng đề nghị, là những nhân vật chính của buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, các nhà báo sẽ có những ý kiến đóng góp khách quan, thẳng thắn để góp phần cho tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT và định hướng chính sách giai đoạn tới của Bộ có thể thể hiện được phần nào mong muốn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT hiện nay chưa đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng, thiếu tính khả thi, cần chú trọng đến hiệu lực và các chế tài đi kèm. Đặc biệt, một số văn bản dưới luật, trong quá trình thực hiện, đôi khi trái tinh thần của Luật. Còn nhiều Thông tư, Nghị định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Có một điểm chung mà tất cả đại diện các doanh nghiệp viễn thông cũng như nội dung số đều nhất trí đó là Chính phủ cần phải có cơ chế, chính sách quản lý đối với dịch vụ xuyên biên giới và doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này như Facebook , Google... Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, nguồn thu của các công ty nội dung số Việt Nam chủ yếu đến từ quảng cáo và game với mức doanh thu khoảng 8-10.000 tỷ đồng/năm. Thị phần của các doanh nghiệp nội dung số Việt đang giảm dần từ mức 80% cách đây khoảng vài năm xuống còn 50% vào thời điểm hiện tại. Thị phần này chủ yếu rơi vào tay các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt đang mất dần vị thế ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp nội dung số đều bày tỏ mong muốn chính sách, pháp luật của Nhà nước có sự đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, các công ty xuyên biên giới không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… trong khi những khoản chi này chiếm đến 30-35% chi phí của doanh nghiệp Việt.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao các ý kiến đóng góp, thảo luận của đại diện các doanh nghiệp. Thứ trưởng nhận định, việc tổng kết Luật CNTT không chỉ liên quan đến nội hàm về CNTT, vì nền tảng CNTT hiện nay chịu sự điều tiết của nhiều bộ luật khác. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, hiện nay đang có sự chồng chéo về các quy định pháp luật trong việc quản lý nhà nước về CNTT. Điển hình là quy định về đầu tư CNTT phải chịu sự điều tiết của ba luật là Luật CNTT, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp nội dung số, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ TT&TT ý thức rõ về sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. “Các doanh nghiệp, Hiệp hội cần phối hợp với Bộ TT&TT để có những đề xuất lên các cơ quan cấp trên và trong quá trình đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo ra một nền tảng bình đẳng hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
Được biết, công tác tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật CNTT sẽ được kết thúc vào cuối quý III/2017. Các nội dung chính đang được tiến hành là đánh giá những kết quả đạt được, các khó khăn và nguyên nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật CNTT thời gian qua, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là ứng dụng CNTT và phát triển ngành CNTT. Dựa trên cơ sở phân tích này cũng như những nghiên cứu về các xu thế phát triển của công nghệ tiên tiến, Bộ TT&TT sẽ đề xuất kế hoạch hoàn thiện khung pháp lý về CNTT, đáp ứng nhu cầu cũng như xu thế phát triển giai đoạn tới.
Phạm Lê
Ý kiến bạn đọc