(VnMedia) - Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trong các quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông, CNTT ấn tượng trên thế giới. Để có được những thành tựu này, không thể không nhắc tới vai trò và những đóng góp của các doanh nghiệp ngành Bưu điện, nay là ngành Thông tin và Truyền thông trong suốt nhiều thập kỷ.
Những ngày lịch sử không thể nào quên
Giữa những ngày sục sôi khí thế của cách mạng tháng Tám năm 1945, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, trong 2 ngày 14 và 15/8, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào - Tuyên Quang, cùng với nhiều quyết định lịch sử quan trọng để đảm bảo thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã quyết định “thành lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ cho họ làm tròn nhiệm vụ”. Từ đó, ngày 15/8 được chọn là ngày Truyền thống của Ngành Bưu điện.
Từ những ngày đầu thành lập ấy, ngành Bưu điện Việt Nam đã thực hiện vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
70 năm xây dựng và phát triển, ngành Bưu điện đã nhiều lần thay đổi về cơ cấu quản lý và tổ chức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao. Từ Nha Bưu điện - Vô tuyến điện, Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh, Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông Bưu điện, Tổng cục Bưu điện thuộc Chính phủ, Bộ Bưu chính - Viễn thông và hiện nay là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các thế hệ cán bộ công nhân viên của Ngành bằng sự dũng cảm, sáng tạo, năng động của mình đã tạo nên những bước phát triển mang tính đột phá, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển về viễn thông, công nghệ thông tin - truyền thông ngang tầm thế giới, làm cho người dân Việt Nam được thụ hưởng tất cả những tiện ích mà viễn thông và công nghệ thông tin mang lại trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Với tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo, trong suốt nhiều thập kỷ qua, ngành Bưu điện đã trở thành Ngành đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới với nhiều giai đoạn tăng tốc, phát triển ấn tượng. Nếu như phương châm của giai đoạn 1993-2000 là “Tự vay - tự trả - tự chịu trách nhiệm” và “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”, thì với giai đoạn 2001 - 2010, Ngành chuyển sang chiến lược “Hội nhập và phát triển” nhằm tiếp tục tăng tốc, đổi mới quản lý, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Dấu ấn mang tên VNPT
Trong sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ đó của ngành Bưu điện, phải kể tới những đóng góp không nhỏ của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Ở giai đoạn nào, VNPT luôn đi đầu trong việc ứng dụng, cập nhật các công nghệ hiện đại vào mạng lưới. Quá trình đổi mới hiện đại hóa và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đã xây dựng VNPT trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông - Công nghệ thông tin, đóng góp hiệu quả cho công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Tháng 12-2003, mạng điện thoại của VNPT đạt bảy triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên tám máy/100 dân, hoàn thành trước hai năm chỉ tiêu mà Ðại hội Ðảng IX đề ra cho năm 2005. Ðón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, tháng 10-2004, VNPT đã chính thức khai trương và đưa ra khai thác các dịch vụ trên nền mạng NGN. Một bước chuyển biến mang tính cách mạng về công nghệ đối với toàn bộ mạng viễn thông Việt Nam. Ðến năm 2005, VNPT đã có 17 nghìn điểm phục vụ BCVT, trong đó có hơn 7.500 điểm bưu điện - văn hóa xã (BÐ-VHX). VNPT cũng là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất với hơn 1,3 triệu thuê bao Internet.
Tháng 4-2008, VNPT tiếp tục ghi dấu ấn của mình khi thực hiện phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT - CNTT, phát thanh, truyền hình. Cho đến nay, dung lượng của vệ tinh VINASAT - 1 đã được khai thác gần hết và dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ được khai thác hết. VNPT dự kiến sẽ phóng vệ tinh VINASAT 2 vào quý I-2012.
Thể hiện bản lĩnh trong tái cơ cấu
Đồng hành với những thành tựu to lớn là những thách thức không nhỏ đối với Ngành Thông tin và Truyền thông, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và yêu cầu hội nhập quốc tế, xác định rõ điều này, VNPT cùng các doanh nghiệp trong toàn Ngành đã và đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, trong đó việc chia tách độc lập hai lĩnh vực truyền thống là Bưu chính và Viễn thông, tạo cơ hội cho cả hai lĩnh vực cùng phát triển đồng đều.
Thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015, VNPT đã triển khai tái cấu trúc theo hướng “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng, việc thực hiện phương châm “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả” không chỉ khơi dậy và phát huy sức mạnh tiềm năng của đội ngũ cán bộ công nhân viên mà còn tạo đà cho bước phát triển tiếp theo của Tập đoàn, đưa sức mạnh nội tại lên một tầm cao mới.
Bước vào giai đoạn 1 quá trình tái cấu trúc VNPT tại 63 tỉnh/thành phố, chỉ trong vòng 1 năm, gần như các mục tiêu đã hoàn thành: VNPT đã áp dụng phương pháp quản trị mới, hiện đại, hiệu quả và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động mới, 17.000 lao động đã chuyển sang khối kinh doanh, các yêu cầu về thoái vốn khỏi 63 công ty liên kết, ngoài ngành được thực hiện quyết liệt, việc thành lập 3 tổng công ty trực thuộc được tiến hành nhanh chóng, đúng yêu cầu, lộ trình đặt ra.
Cùng với phương châm “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”, trong định hướng phát triển thương hiệu VNPT được đề ra trong kế hoạch năm 2015, VNPT đã nhấn mạnh tới yêu cầu tiếp tục truyền thông làm mới, thay đổi hình ảnh VNPT theo hướng “Trẻ trung, Năng động và Nhân văn”.
Việc làm mới hình ảnh VNPT được bắt nguồn từ 2 lý do. Thứ nhất, VNPT là doanh nghiệp nhà nước, có những yếu kém nội tại và thường bị mang tiếng là chậm chạp, bộ máy cồng kềnh, quan liêu. Hình ảnh chậm chạp, già nua đó được thể hiện rất rõ trong các đơn vị nhà nước chứ không chỉ riêng ở VNPT. Thứ hai là phải lấy “Khách hàng là trung tâm”, vì vậy việc làm mới hình ảnh VNPT là tất nhiên. Nếu như phương châm “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả” để khơi dậy sức mạnh nội tại thì một hình ảnh VNPT “Trẻ trung, Năng động và Nhân văn” lại cho khách hàng thấy được, cảm nhận được rằng VNPT đã thay đổi. Đây cũng là Văn hóa VNPT, bản sắc riêng của VNPT được khẳng định trong giai đoạn tới.
Được biết, sau khi hoàn thành tái cấu trúc giai đoạn 1, từ đầu năm 2015 đến tháng 5/2015, VNPT đã hoàn thành quá trình xây dựng điều lệ, quy chế, nhân sự và ra quyết định thành lập 3 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Từ ngày 1/7/2015, 3 Tổng Công ty đã chính thức đi vào hoạt động.
Với sự ra đời của 3 Tổng công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã thực sự là một chuỗi giá trị từ Nội dung đến Hạ tầng rồi tới Khách hàng. Đây cũng là điểm khởi đầu cho giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT. Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Mạnh Hùng, đây là giai đoạn quan trọng mang tính thông mạch cho toàn bộ Tập đoàn VNPT cả về hạ tầng mạng lưới và hệ thống bán hàng xuyên suốt từ trên xuống dưới, giúp Tập đoàn khắc phục được rất nhiều những tồn tại trước đây là sử dụng hạ tầng không hiệu quả, bộ máy chăm sóc khách hàng không hiệu quả, sử dụng đội ngũ kinh doanh không hiệu quả mặc dù lực lượng rất đông.
Không ngừng lớn mạnh và phát triển
Tới thời điểm này, sau hai năm hoạt động theo mô hình mới sau tái cơ cấu, VNPT tiếp tục khẳng định vai trò là một Tập đoàn CNTT, Viễn thông hàng đầu của đất nước.
Hiện VNPT đang sở hữu hạ tầng viễn thông đầy đủ, hiện đại nhất tại Việt Nam với 5 tuyến cáp quang biển quốc tế, 3 tuyến cáp quang đất liền; Gần 60.000 trạm thu phát sóng di động 2G, 3G, 4G; Băng rộng cáp quang tốc độ cao phủ sóng cả nước. Với hơn 16.000 điểm bán lẻ có mặt tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, VNPT sở hữu kênh phân phối rộng khắp 63/63 tỉnh thành trên cả nước... Đặc biệt, để bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên các công nghệ mới với hạ tầng thông minh, kết nối thông minh và dịch vụ thông minh.
Tập đoàn VNPT trong thời gian qua đang xây dựng những hệ thống hạ tầng mạng băng rộng và siêu rộng trên cả cố định và di động. VNPT đang thực hiện chiến lược đầu tư bùng nổ công nghệ 4G trên toàn quốc, tạo ra một mạng băng rộng thông minh, kết nối thông minh và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh, cung cấp các dịch vụ ứng dụng CNTT thông minh và quản trị sáng tạo. Đó là những bước đi của VNPT để tạo ra những nền tảng hạ tầng băng siêu rộng phục vụ cho các ngành kinh tế xã hội và cho tập khách hàng của VNPT.
Trên nền tảng đó, VNPT đưa các công nghệ mới vào vận hành hệ thống băng rộng và cố định của mình, chính công nghệ mới này sẽ tạo ra một mạng băng rộng thông minh (siêu rộng và thông minh) để phục vụ hạ tầng cho một loạt dịch vụ phát triển. Hiện nay, VNPT đang tập trung xây dựng nền tảng như IoT Platform, Big Data Platform, Cloud Platform, Smart City và các giải pháp CNTT chuyên ngành về: y tế, giáo dục, an ninh, an toàn giao thông,... hiện đã sẵn sàng kết nối tất cả các thiết bị của các lĩnh vực khác nhau. VNPT sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp cùng phát triển các sản phẩm công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thời đại 4.0.
Trong giai đoạn tới, VNPT sẽ tiếp tục phát triển thế mạnh về các dịch vụ viễn thông: Hướng tới mục tiêu trở thành nhà mạng số 1 trong nước về: Chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ và tiên phong cung cấp dịch vụ mới; Đẩy mạnh phát triển mảng CNTT, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao những giải pháp đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường như Chính phủ điện tử, giải pháp trong lĩnh vực Y tế, đô thị thông minh…, mở rộng sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giao thông, tài nguyên môi trường…; Một trong những mũi nhọn tiến ra thị trường quốc tế của VNPT là đẩy mạnh phát triển mảng sản xuất công nghệ công nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Báo điện tử VnMedia
Ý kiến bạn đọc