Tăng cường điện toán đám mây để thu hẹp "khoảng cách số"

15:09, 13/06/2017
|

(VnMedia) - Đó là mục tiêu được hướng đến của Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 (Vietnam Cloud Computing Conference) với chủ đề: “Điện toán Đám mây trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” (Cloud in 4th Industrial Revolution)… sẽ diễn ra ngày 22/6/2017 tới tại Hà Nội. Hội nghị do VINASA phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) tổ chức.

Điện toán đám mây (Cloud Computing) đang là xu thế công nghệ tất yếu của thời đại và là một thành phần nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc ứng dụng đám mây trong các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và sâu rộng.

Theo các chuyên gia, trong bức tranh tổng thể toàn cầu, “khoảng cách số” đang dần lớn khi các nền kinh tế phát triển đạt được nhiều tiến bộ nhờ những đầu tư lớn vào Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT), thì nhiều nước đang phát triển vẫn chưa nắm bắt triệt để cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh.

Dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) được đưa ra lần đầu tiên bởi Amazon vào năm 2006. Chỉ chưa đầy 10 năm kể từ khi ra đời, vào năm 2015 ĐTĐM đã đảm nhiệm khoảng 75% tổng khối lượng tính toán của các máy chủ. Tỷ trọng này dự kiến tăng lên 92% năm 2020. Trong giai đoạn 2015-2020, số lượng máy chủ giành cho ĐTĐM tăng (+) 15%/năm, trong khi số lượng máy chủ truyền thống giảm (-) 11%/năm. Dung lượng chứa của các trung tâm dữ liệu tăng gần 5 lần (từ 382 Exabytes năm 2015, với ĐTĐM chiếm tỷ trọng 65%, lên 1.842 Exabytes năm 2020, với ĐTĐM chiếm tỷ trọng 88%).

Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT đang nỗ lực phát triển dịch vụ Cloud hoàn thiện trên cả 3 loại hình: dịch vụ hạ tầng (IaaS), dịch vụ nền tảng (PaaS) và dịch vụ giải pháp trên nền Cloud (SaaS). Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn. Phó Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), sẽ có bài báo cáo quan trọng tình hình ứng dụng ĐTĐM tại Việt Nam và hàm ý chính sách. Bài báo cáo dựa trên kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp và cơ quan chính quyền tại Việt Nam. Giáo sư Vũ Minh Khương cho biết: Trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có nhịp độ tăng chi tiêu cho ĐTĐM trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của cả khối ASEAN (49,5%). Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho ĐTĐM của Việt Nam con rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.

VietNam Cloud Computing 2017 dự kiến thu hút trên 350 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT, các ngân hàng và các doanh nghiệp CNTT cung cấp dịch vụ Cloud trong nước và quốc tế. Bên cạnh báo cáo của những diễn giả hàng đầu về Cloud như: ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam; ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam... Hội nghị cũng có phần thảo luận về thực trạng vài giải pháp phát triển Cloud tại Việt Nam với sự tham gia của các diễn giả lớn đại diện cho các bên liên quan.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc