(VnMedia) - Việc triển khai IPv6 có mối tương quan mật thiết với sự phát triển của ngành công nghiệp IoT...
Phát biểu tại Hội thảo “IPv6 và Internet of Things” do Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia tổ chức vừa diễn ra sáng nay, 5/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho hay, trên thực tế, Internet of Things (IoT) không còn là một khái niệm mới trong các diễn đàn công nghệ hiện đại. Những lợi ích to lớn mà IoT mang lại cho sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống khiến cho IoT đã, đang và sẽ là xu hướng của công nghệ trong những năm tiếp theo.
Mỗi thiết bị khi kết nối đến mạng IoT sẽ sử dụng ít nhất một địa chỉ mạng. Các phân tích dự đoán sẽ có khoảng 50 tỉ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020, trong khi đó không gian địa chỉ IPv4 chỉ cung cấp khoảng hơn 4 tỉ địa chỉ. Điều này cho thấy khả năng mở rộng vô cùng lớn của không gian địa chỉ IPv6 khi so sánh với IPv4. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn khi sử dụng địa chỉ IPv6 cũng là một lý do khiến IPv6 thực sự cần thiết nếu muốn phát triển IoT.
Sự kiện Hội thảo “Ngày IPv6 Việt Nam” được tổ chức bởi Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia - Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) với sự tham gia của các thành viên Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu về IoT, Cộng đồng mở IoT Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, cung cấp giải pháp IoT tại Việt Nam thực sự là một trong những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia và cộng đồng Internet Việt Nam vì kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và mục tiêu phát triển bền vững của nền CNTT nước nhà.
Tiếp theo thành công của chuỗi sự kiện được tổ chức thường niên nhân Ngày IPv6 Việt Nam (06/5) bắt đầu từ năm 2013, trong bối cảnh Việt Nam đã chuyển sang Giai đoạn cuối của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với mục tiêu chính thức chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cho toàn bộ hệ thống mạng, dịch vụ Internet trong cả nước, năm 2017, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia quyết định tổ chức hội thảo với chủ đề “IPv6 và Internet of Things” để cùng thảo luận và phân tích vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết giữa việc triển khai IPv6 với sự phát triển của ngành công nghiệp IoT.
Số liệu thống kê từ google cho thấy tỷ lệ tăng trưởng IPv6 năm sau tăng gấp đôi so với năm trước (từ 0.5% tại thời điểm 1/2012 đến 16% tại thời điểm 1/2017), hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Với đà tăng trưởng qua các năm như trên thì dự báo đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%. Theo các chuyên gia dự báo đến năm 2020 dân số thế giới đạt 7.6 tỷ người, trong khi đó thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối (tỷ lệ khoảng 6.58 thiết bị kết nối/1 người dân). Do đó để có thể kết nối các thiết bị với nhau thì cần có số địa chỉ IP rất lớn. Với không gian địa chỉ rộng lớn (3,4.1038 địa chỉ) cùng các ưu điểm khác như an toàn bảo mật, tự động cấu hình… khiến IPv6 trở nên quan trọng và cần thiết cho việc phát triển IoT. Hiện tại các tiêu chuẩn IPv6 trong IoT cũng đã được chuẩn hoá bởi IETF, các nhà nghiên cứu, sản xuất các thiết bị, ứng dụng IoT cũng đã sản xuất các sản phẩm ứng dụng IPv6&IoT như hệ thống smart home, smart building…
Trong hội thảo sáng nay, đại diện thường trực Ban Công tác thúc đấy phát triển IPv6 quốc gia - VNNIC - có các bài trình bày giới thiệu về vai trò quan trọng của IPv6 trong mạng IoT, biểu diễn kỹ thuật triển khai IPv6 trong mạng không dây công suất thấp - 6LowPAN. Các chuyên gia công nghệ đến từ các doanh nghiệp ICT hàng đầu trong nước như VNPT Technology, FPT cùng tham gia trình bày về tầm quan trọng của IPv6 đối với đảm bảo an toàn cho các giải pháp IoT. Bên cạnh đó, đại diện của Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trình bày về chính sách thúc đẩy phát triển IPv6 trong xu hướng công nghệ IoT tại Việt Nam.
Là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, VNPT Technology đã sớm có những nghiên cứu và triển khai các giải pháp IoT. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển sản phẩm VNPT Technology, tới thời điểm này, doanh nghiệp đã sẵn sàng triển khai các giải pháp, sản phẩm phục vụ IoT - hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với số lượng địa chỉ IPv6 được cung cấp hiện nay đã góp phần rất lớn trong việc triển khai các giải pháp IoT của các doanh nghiệp nói chung và VNPT Technology nói riêng. Khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn đem lại lợi thế tất yếu cho IPv6 trong quá trình sử dụng và phát triển IoT.
Cùng với sự nỗ lực chung tay triển khai của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, Thứ trưởng Phan Tâm cũng đặt kỳ vọng vào việc các chính sách và văn bản quy phạm sẽ được áp dụng và đi vào thực tế triển khai, nhằm đạt được hiệu quả thúc đẩy triệt để cho các doanh nghiệp khi triển khai thị trường thực tế cho các sản phẩm và dịch vụ IoT trên nền tảng IPv6 tới người sử dụng đầu cuối trong thời gian tới.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc