(VnMedia) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toản hệ thống, sản xuất và quản trị hiện nay. Tuy nhiên, nếu tận dụng được cơ hội này, Việt Nam có thể tiến lên và bứt phá so với các nước khác.
Để cung cấp cho các doanh nghiệp, tổ chức có góc nhìn toàn cảnh về xu thế và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với chiến lược phát triển của Việt Nam, ngày 11/4/2017, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Ngày nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo… CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa.”
Nói một cách khác, cuộc CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.
Chính vì vậy, đây là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển KH&CN phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN 4.0 là rất lớn, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định.
Đồng quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam vẫn đang trong cả 3 cuộc cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba, và nay chuyển sang 4.0 sẽ là cơ hội lớn để chúng ta tiến lên. Việt Nam hoàn toàn có thể tiến lên và đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ cần có cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội CMCN 4.0 bứt phá phát triển.
Mặt khác ông Thiên cũng chỉ ra hai thách thức lớn nhất đặt ra với Việt Nam hiện nay chính là nguy cơ tụt hậu và vừa chạy vừa đuổi theo thế giới. Bởi chiến lược của nước đi sau là vừa đuổi kịp vừa phải cạnh tranh với các nước khác.
Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Trong khi đó, bà Louisse Chamberlain, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho hay, một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt là nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Điều này đòi hỏi một nghiên cứu chi tiết hơn về các hệ thống công nghệ đang nổi lên và những hàm ý trong việc cải thiện chuỗi giá trị.
Mặc dù, ở cấp đội toàn nền kinh tế, các ràng buộc chung đối với khả năng cạnh tranh và năng suất được biết đến, nhiều bằng chứng chi tiết đang bị thiếu. Những kiến thức chi tiết hơn, ví dụ như sự sẵn sàng về công nghệ, các loại tiềm năng tăng thêm giá trị sẽ rất quan trọng để thông báo cho việc xây dựng chính sách cạnh tranh phù hợp. Việc thực hiện nhanh chóng và quyết liệt các hành động này, cùng với cải cách thể chế và chính sách bảo trợ xã hội được thiết kế cho tương lai – cần đảm bảo khả năng phục hồi và khả năng của người dân Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà CMCN 4.0 tạo ra và đảm bảo rằng, các thế hệ tương lai cũng có thể đạt được tiềm năng đầy đủ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
B.H
Ý kiến bạn đọc