(VnMedia) - Với việc cho phép các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) bán dữ liệu của khách hàng, dự báo thị trường quảng cáo trực tuyến sẽ có sự thay đổi. "Miếng bánh" của Google và Facebook sẽ bé lại.
Mỹ chính thức cho phép các ISP bán dữ liệu của người dùng internet
Là một trong những quốc gia khá coi trọng về quyền riêng tư của người dùng, tuy nhiên ngày 03/4 vừa qua Quốc hội Mỹ đã chính thức phủ quyết các quy tắc về quyền riêng tư trên internet được đưa ra dưới thời Tổng thống Obama. Đồng thời tân Tổng thống Donal Trump đã ký một sắc lệnh mới thay thế, chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo sắc lệnh mới này, các ISP không còn phải xin phép người dùng trong việc chia sẻ dữ liệu hoạt động trên internet của người dùng để sử dụng cho mục đích quảng cáo và tiếp thị. Nói một cách khác thì sắc lệnh này chính thức cho phép các ISP có thể bán dữ liệu của người dùng. Các dữ liệu này không chỉ là thông tin về lịch sử duyệt web của người dùng mà còn cả thông tin về tài chính, sức khỏe, con cái của người dùng.
Ngay lập tức, đã có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định của ông Donald Trump, trong đó không ít người đặt nghi vấn rằng quyết định này liệu mang tính chất thương mại thuần tuý hay là một nỗ lực tiếp theo nhằm dỡ bỏ di sản của chính quyền tiền nhiệm.
Theo giải thích được tân Tổng thống và Đảng Cộng hòa thì chính sách bảo mật trước đây của chính quyền Obama là không trung lập. Các quy định này chỉ nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, trong khi những doanh nghiệp như Facebook, Google – những công ty đang kiếm bộn tiền từ dùng dữ liệu của khách hàng phục vụ việc truyền thông, quảng cáo thì lại được thả lỏng. Việc huỷ bỏ chính sách này nhằm tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên nền internet.
Thị trường quảng cáo trực tuyến sẽ thay đổi ra sao?
Quảng cáo trên mạng đang là một lĩnh vực kinh doanh béo bở với giá trị ước tính lên tới 83 tỷ USD. Hai hãng công nghệ lớn là Google và Facebook đang chiếm tới 2/3 tổng doanh thu quảng cáo trên mạng của toàn cầu và thị phần của họ đang tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, với sắc lệnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cơ hội kiếm tiền đang rộng mở với các ISP, miếng bánh dữ liệu khách hàng giờ sẽ không chỉ nằm trong tay các công ty công nghệ mà sẽ được chia sẻ cho cả các công ty viễn thông. Trong khi doanh thu từ các mảng dịch vụ truyền thống đang bị “xói mòn” trước sự phát triển của công nghệ thì đây sẽ là một hướng kinh doanh đầy tiềm năng, trị giá hàng tỷ đô.
Theo giới phân tích đánh giá, có thể thấy rằng các ISP đang có lợi thế hơn so với Google và Facebook bởi họ sở hữu hạ tầng. Họ hoàn toàn nắm được các thông tin mà Facebook và Google nắm được, thậm chí là nhiều hơn. Và quan trọng là “người ta có thể sống mà không cần Google, Facebook song sẽ thật khó nếu không có internet”. Vì vậy, nhiều khả năng, thị trường này sẽ chứng kiến sự chuyển dịch.
Quyền về tính riêng tư của người dùng nằm ở đâu?
Đạo luật mới của ông Trump liệu có đi ngược lại các quy định về quyền riêng tư đã có của Mỹ? Thực tế, cũng như nhiều quốc gia khác, hành lang pháp lý của Mỹ về quyền riêng tư trong không gian mạng khó có thể chạy kịp với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin hiện nay. Thậm chí, việc xác định những dữ liệu về thói quen sử dụng internet có phải là thông tin cá nhân được bảo vệ hay không cũng chưa có hồi kết. Vì thế, đạo luật mới của ông Donald Trump một lần nữa đã khơi lên cuộc tranh cãi về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên internet tại Mỹ. Đây là điều dễ hiểu bởi bất kỳ người dùng nào cũng không sẵn lòng để người khác sử dụng các thông tin này của mình.
Trong khi vẫn còn tranh cãi thì người ta vẫn phải thừa nhận rằng khi sử dụng internet, dữ liệu của người dùng thực tế đã không còn là của riêng họ. Thực tế là những dữ liệu này từ lâu đã bị các công ty phần mềm như Goolge, Facebook sử dụng để phục vụ mục đích quảng cáo. Điều an ủi với người dùng là từ nay họ sẽ được “đeo bám sát sao hơn” và được cung cấp nhiều thông tin hơn về những gì họ quan tâm.
HV
Ý kiến bạn đọc