Giải pháp công nghệ ấn tượng tại Microsoft Imagine Cup 2017 Đông Nam Á

06:44, 26/04/2017
|

(VnMedia) - Liên tục 15 năm qua, Imagine Cup luôn là động lực của sinh viên khắp thế giới. Thí sinh Đông Nam Á năm nay đã trình diễn những ý tưởng nổi trội và thiết thực để xử lý những thách thức hiện thời của nền kinh tế khu vực.

Phát biểu trong lễ khai mạc chung kết cúp Sáng tạo Microsoft Imagine Cup 2017 Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft nhận định, đây chính là những bước quan trọng khởi đầu trong hành trình chuyển đổi để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Và dưới đây là những ý tưởng đã được Microsoft hỗ trợ và ươm mầm, đồng hành cùng 10 đội tuyển năm nay…

Bangladesh và ứng dụng chẩn đoán fasTnosis: Đội Parasitica của Bangladesh xây dựng ứng dụng "fasTnosis" sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ công tác chẩn đoán y tế hiện hành. Hiện nay, ứng dụng này có thể chẩn đoán bệnh lao, sốt rét, nhiễm trùng đường ruột. Các đầu vào của ứng dụng là hình ảnh vi mẫu của bệnh nhân từ kính hiển vi kỹ thuật số, từ đó ứng dụng có thể tự động chẩn đoán sự hiện diện của các vi khuẩn kể trên  và ký sinh trùng (sốt rét, đường ruột). Ứng dụng có thể được sử dụng như một công cụ chẩn bệnh tại các trung tâm khám bệnh.

Indonesia và ứng dụng HOAX: Được xây dựng trên năng lực học máy của Microsoft, Hoax Analyzer của đội CIMOL là ứng dụng dựa trên web nhằm mục tiêu tìm và xử lý tin tức giả mạo (fake news). Ứng dụng giúp xác định được ngữ cảnh thông tin và từ đó sẽ phân loại tin là thật hay không thật (lừa đảo, giả mạo). Đội CIMOL xây dựng ứng dụng với mong muốn sẽ giúp người dùng loại bỏ được những thông tin sai lệch và xác minh nguồn gốc của một tuyên bố trước khi phát tán tin.

Lào và ứng dụng BUG5: Nhận thấy thế giới hiện nay có khoảng 285 triệu người khiếm thị với khoảng 39 triệu người mù và 246 triệu người bị hạn chế khả năng nhìn, đội đã xây dựng ứng dụng nhằm hỗ trợ nhận diện cho người khiếm thị thông qua nhận diện hình ảnh và phát ra tiếng nói từ điện thoại.

Malaysia và người máy SMAD BOT: Doanh thu từ quảng cáo đặc biệt trên các bảng hiệu ngày càng gia tăng và các công ty đều mong tận dụng khả năng này để có thể quảng cáo thương hiệu. Tuy nhiên, các quảng cáo tại nơi công cộng liệu sẽ thu hút được chú ý như thế nào vẫn là vấn đề chưa được đo lường chính xác. Đội Solvere đã xây dựng SMAD BOT, người máy kèm nhận diện đính kèm với màn hình quảng cáo và công nghệ AI đi cùng để có thể đo lường sự quan tâm của khách hàng với quảng cáo thương hiệu bất kỳ tại các địa điểm công cộng khi họ lướt qua SMAD BOT đang phát quảng cáo.

Nepal và FarmLi: Đội Echo Innovators đã xây dựng FarmLi nhằm cải thiện chất lượng chăn nuôi gia súc nhờ các công nghệ học máy, đám mây và IoT.  FarmLi là một vòng đeo cổ kết nối với ứng dụng di động nhằm mục tiêu giám sát nhiệt độ, hoạt động và hành vi của vật nuôi. Nhờ đó, người chăn nuôi có thể cải thiện được chất lượng chăn thả nhờ có xử lý kịp thời.

Philippines và ứng dụng Minerva: Đội Opticode cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị với Minerva, một ứng dụng trên di động sử dụng camera để định nghĩa các đối tượng trong đời thực. Người sử dụng chỉ cần trỏ camera của máy vào một hình ảnh, ngay tức thì trợ lý trong ứng dụng sẽ mô tả chi tiết tính chất như màu sắc, cụm từ trên đó.. bằng giọng nói cho người dùng. Ví dụ, máy trỏ vào hộp ngũ cốc nhiều màu với nhãn dán “it’s a cereal”, ngay lập tức trợ lý sẽ nói: “Đây là hộp ngũ cốc. Màu đỏ, màu vàng, màu xanh”.

Singapore và S3: Đội HeartSound tạo ra giải pháp S3, thiết bị đeo thông minh kết hợp các chức năng của một ống nghe và một máy điện tâm đồ. Thiết bị này tích cực theo dõi nhịp tim của người đeo và báo ngay thông tin bất thường đến bác sĩ, nhờ đó bệnh nhân có thể được cảnh báo đến khám hoặc điều trị kịp thời.

Sri Lanka và Find My Bus: Đội Titans xây dựng ứng dụng nhằm xử lý toàn bộ thách thức về tìm kiếm các tuyến xe bus để có một hành trình tối ưu và không bị trễ giờ cho người dùng. “Find My Bus" theo dõi xe buýt và giữ một cơ sở dữ liệu thời gian thực. Điều này cho phép người dùng tìm xe trong tuyến cần đi với thông tin về chỗ ngồi theo định tuyến.

Thái Lan và Welse: Đội Welse xây dựng ứng dụng kiểm tra máu và chất lượng máu ngay tại các điểm trạm của tình nguyện viên nhờ IoT gọn gàng với giá thành siêu rẻ. Ứng dụng kiểm tra kèm với đầu đọc gọn nhẹ có thể giúp kiểm tra sức khỏe thông qua kiểm tra và lấy mẫu máu tại các điểm trạm dễ dàng mà lại ít gây ảnh hưởng tới người bệnh.

Việt Nam và ứng dụng SmartChick: SmartChick là sản phẩm chuồng nuôi gà thông minh sử dụng công nghệ học máy, kèm IoT giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi. SmartChick hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ IoT, giúp người dùng chăm sóc gà ở bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu thông qua Internet. SmartChick hướng dẫn người dùng nuôi gà như một chuyên gia thực thụ qua các gợi ý chăm sóc gà được tối ưu hóa bằng công nghệ Azure Machine Learning.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc