(VnMedia) - Thế giới đã trải qua 03 cuộc cách mạng công nghiệp và bắt đầu bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4 với những thay đổi tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano. Với mỗi cuộc cách mạng, thế giới đều đón nhận thêm những cơ hội và thách thức mới. Vậy các công ty khởi nghiệp của Việt Nam sẽ có được những cơ hội gì ở cuộc cách mạng lần này.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18 và gần nửa đầu thế kỷ 19, với thay đổi từ sản xuất thủ công đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 cho đến khi xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc chạy với năng lượng điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra từ những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet.
Chưa khi nào cái tên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay Cách mạng công nghiệp 4.0 lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Về cơ bản, tính chất các cuộc cách mạng công nghiệp là giống nhau, đó là sự ra đời của các loại công cụ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí và giải phóng sức lao động của con người. Chẳng hạn thay vì phải sử dụng hàng chục nghìn công nhân, các doanh nghiệp lớn chỉ cần vài chục con robot có thể thực hiện một khối lượng công việc tương đương, thậm chí thực hiện những công việc đòi hỏi có độ chính xác đến gần như tuyệt đối mà lại ít rủi ro.
Theo nhận định của các chuyên gia Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với toàn thế giới. Trong những năm gần đây, các công việc có tính lặp đi lặp lại đã dần được tự động hóa bởi robot và Internet tốc độ cao. Những nước phát triển như Việt Nam từng được coi là có ưu thế như lực lượng lao động trẻ, chi phí nhân công thấp sẽ không còn là lợi thế, thậm chí là còn bị đe dọa nghiêm trọng. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, 86% lao động trong ngành công nghiệp Dệt may và Giày dép của Việt Nam đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao do sự bùng nổ nhanh chóng của các ứng dụng công nghệ. Một báo cáo về thị trường lao động ở Anh cho thấy sự suy giảm việc làm và năng suất lao động đã được cải thiện rõ rệt nhờ công nghệ.
Không chỉ những việc làm giản đơn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp mà cả những công việc đòi hỏi kỹ năng cao cũng có nguy cơ bị thay thế. Kể từ năm 1965, bộ vi xử lý máy tính tăng gấp đôi theo chu kỳ 02, bên cạnh đó, sức mạnh của chiếc máy tính đã đưa các nhà du hành vũ trụ lên mặt trăng chỉ tương đương con chip được cài đặt trong chiếc smartphone hiện nay. Nếu tốc độ phát triển này tiếp tục được duy trì thì vài thập niên tới, sức mạnh của chiếc máy tính sẽ mạnh gấp hàng nghìn lần so với bây giờ. Như mới đây, máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo đã đánh bại con người ở trò chơi cờ vua và cờ vây, chúng còn có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác mà con người cho là duy nhất mình có khả năng làm như nhận diện khuôn mặt, đọc được suy nghĩ và thậm chí soạn cả bản nhạc, điều này đe dọa hàng triệu công việc mà con người từng nghĩ là khó thay thế.
Rõ ràng, Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với sự kết hợp của tất cả các ngành công nghiệp với thế giới kỹ thuật số, mở ra hàng loạt cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, song tốc độ là yếu tố quyết định bởi những sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ robot hay trí thông minh nhân tạo... cũng được cập nhật và thay thế rất nhanh.
Các chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng này rất có ý nghĩa với các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Dù không thua kém về trình độ và sáng tạo so với những startup tại các nước phát triển, song điểm khác biệt là khả năng và cơ hội thu hút vốn đầu tư. Do đó các doanh nhân trẻ Việt Nam cần nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa đặc trưng và sáng tạo để thu hút vốn. Cùng với đó là tập trung cho công nghệ và hãy bắt đầu theo những cách khác biệt và cố gắng “hãy khơi những mạch nguồn chưa ai khơi”.
Tại buổi Tọa đàm giao lưu trực tuyến của Bạn đọc Báo điện tử VnMedia về “Công nghệ thông tin là nền tảng cho những ý tưởng khởi nghiệp của Startup” vào sáng ngày 26/4 tại Showroom của Tổng công ty truyền thông (VNPT-Media), đại diện nhóm giải Nhất CNTT Triển vọng Nhân tài Đất Việt 2016 - Công ty Cổ phần Công nghệ Chọn lọc Thông tin với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC, trưởng nhóm Lê Công Thành cho biết, sau khi biết đến mô hình startup thì dự án của anh đã thuận lợi hơn rất nhiều, các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài quan tâm đến. Chỉ sau 3 tháng công ty của anh Thành đã gọi được số vốn khoảng 200 USD, rót trong 2 năm và từ đó cứ phát triển, nhất là sau khi đạt giải Nhân Tài Đất Việt thì có rất nhiều đơn vị tới Công ty liên hệ, đặt quan hệ để phát triển các hướng khác của trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, các nhà đầu tư biết rất rõ việc họ đổ nguồn vốn vào các startup để làm gì, đó là đổi lấy giá trị của doanh nghiêp và phục vụ các vòng kêu gọi vốn tiếp theo, chứ không phải là dùng khoản tiền đó để làm ra một khoản tiền khác lớn hơn 20%/năm.
Với kinh nghiệm làm tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp lớn trong nhiều năm,ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra những cơ hội mới cho Startup Việt, nhưng liệu các doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội này hay không thì vẫn là một bài toán cần lời giải từ phía nhà nước, nhà khoa học và các doanh nghiệp… Việt Nam cần nhìn lại cuộc cách mạng này xem mình đang đứng ở đâu trên dòng chảy đó. Quan trọng nhất của khởi nghiệp là khát vọng của những người tham gia khởi nghiệp. Tất cả bản chất của khởi nghiệp là biến cái không thành có. Giá trị cốt lõi của khởi nghiệp không chỉ đơn giản là tiền.
Các khách mời trong buổi Tọa đàm đều có chung nhận định rằng, làm start-up đòi hỏi phải có những nỗ lực phi thường, phải có đam mê, khát vọng, phải có niềm tin, không thể đi đường tắt đến tới thành công, phải nhìn vào sự kém cỏi của mình để học hỏi và tận dụng cơ hội… Nếu giải mã được những vấn đề trên, Startup Việt hoàn toàn chiếm lĩnh được những cơ hội mới trong cuộc cách mạng 4.0 này.
P.V (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc