(VnMedia) - Ngày 1/3, NVIDIA cuối cùng đã tung ra card đồ hoạ mới nhất GeForce GTX 1080 Ti sau nhiều đồn đoán. Đây là sản phẩm với chip xử lý đồ hoạ (GPU) mạnh nhất từ trước tới nay, được giới chuyên môn nhận định sẽ định hình thị trường đồ hoạ máy tính để bàn trong suốt năm 2017.
Mẫu card với thiết kế gốc được NVIDIA trình diễn trong sự kiện của các nhà phát triển trò chơi điện tử tại San Francisco (Mỹ). |
Kế thừa và phát huy
Ra mắt trong khuôn khổ hội thảo các nhà phát triển trò chơi điện tử tại San Francisco (Mỹ), GeForce GTX 1080 Ti kế thừa kiến trúc Pascal của NVIDIA - vốn đã trưởng thành qua hàng loạt biến thể. Pascal lần đầu tiếp cận thị trường khi GeForce GTX 1080 ra mắt hồi tháng 5/2016, và sau đó là các phiên bản phổ thông hơn như 1070, 1060, 1050 Ti và 1050. Có thể thấy, nhóm sản phẩm này dù có thị phần rất tốt trên thị trường nhưng vẫn thiếu một gương mặt đại diện thực sự mạnh mẽ - không chỉ để đáp ứng nhu cầu xử lý các nội dung 3D độ phân giải 4K ngày càng phổ biến, mà còn phải đủ để đón đầu dải sản phẩm đồ hoạ dựa trên chip RX Vega mà AMD dự kiến sẽ ra mắt cuối năm nay.
Với nhiệm vụ nặng nề ấy, không lạ khi GeForce GTX 1080 Ti được NVIDIA đầu tư mạnh mẽ về mặt kĩ thuật. Card mới hứa hẹn có hiệu năng xử lý đồ hoạ vượt trội (khoảng 35%) so với thế hệ GeForce GTX 1080 nguyên thuỷ - vốn đang làm mưa làm gió trên thị trường phần cứng máy tính. Những đánh giá ban đầu từ cộng đồng thậm chí cho thấy nó vượt qua cả “người anh em” Titan X. Với sức mạnh phần cứng được tăng cường như vậy, các nhà phát triển trò chơi chắc chắn sẽ tung ra nhiều sản phẩm "nặng ký" hơn đáng kể trong thời gian tới.
Hiệu năng của phiên bản Ti được cho là sẽ trội khoảng 35% so với bản GTX 1080 "thường". |
GeForce GTX 1080 Ti có gì mới?
Về mặt kĩ thuật, dù vẫn được phát triển dựa trên GPU GP102 của Titan X và bị rút gọn lại chút ít, GeForce GTX 1080 Ti không vì thế lại thua kém đàn anh. Ngược lại, những thử nghiệm ban đầu cho thấy hiệu năng của card mới thậm chí vượt hơn cả so với Titan X.
So sánh cấu hình của GeForce GTX 1080 Ti và Titan X. |
Tương tự như Titan X, NVIDIA vẫn tích hợp đầy đủ 3.584 lõi CUDA với 12 tỷ biến trở trên chip xử lý đồ hoạ GP102 của mình. Khác biệt nằm ở chỗ khi ở trạng thái tiêu chuẩn, chip trên GeForce GTX 1080 Ti sẽ có xung nhịp 1,6 GHz khi ở chế độ tăng tốc (Boost Clock). Đây là mức nhỉnh hơn so với chip của Titan X.
Tương tự như vậy, bộ nhớ RAM GDDR5X 352-bit dù chỉ có dung lượng 11GB so với 12GB của Titan X, nhưng bù lại sở hữu mức xung nhịp vận hành nhanh nhất từ trước tới nay - lên tới 11 GHz (cho băng thông lên tới 484GB/giây). Về phần mình, bộ nhớ trên Titan X chỉ vận hành ở 7 GHz mà thôi.
Dĩ nhiên, con số cụ thể sẽ do các nhà sản xuất sản phẩm thương mại (như ASUS, Gigabyte, MSI, Palit…) xác định, nhưng không khó để nhận ra rằng, với chip xử lý giống hệt nhau và những chênh lệch thông số như trên, GeForce GTX 1080 Ti chắc chắn sẽ nhỉnh hơn so với Titan X trong vận hành thực tế.
Cũng theo thiết kế gốc, GeForce GTX 1080 Ti sẽ chỉ có cổng DisplayPort 1.4 (3 cổng) và HDMI 2.0 (1 cổng), mà không có cổng DVI Dual-link. Việc loại bỏ DVI khiến nhiều người ngỡ ngàng, tuy nhiên nó hoàn toàn có lý bởi lẽ chuẩn giao tiếp tín hiệu hình ảnh này đã dần tụt hậu so với mặt bằng hiển thị chung. Hơn thế nữa, nó cũng không phù hợp với các hệ thống cấu hình cao mà người dùng "tậu" GeForce GTX 1080 Ti hướng tới.
Tiên phong "Founders Edition"
Cũng tương tự như truyền thống vài năm trở lại đây, GeForce GTX 1080 Ti sẽ "mở màn" tiến trình thâm nhập thị trường bằng một phiên bản Founders Edition do chính NVIDIA thiết kế, trước khi nhường lại sân chơi cho các nhà sản xuất thứ ba. Về ngoại hình, card không quá khác biệt so với GTX 1080 hay 1070 trước đây, ngoại trừ quạt làm mát tích hợp sẽ êm ái hơn chút ít. NVIDIA cũng cải thiện hệ thống cấp nguồn cho chip xử lý đồ hoạ và bộ nhớ nhằm đáp ứng được xung nhịp vận hành cao hơn. Đặc điểm này cũng hứa hẹn khả năng ép xung tốt hơn - một tin vui cho các tín đồ Overclocking.
Mặt khác, GeForce GTX 1080 Ti Founders Edition sẽ có hiệu năng chậm hơn chút ít so với các sản phẩm từ ASUS, Gigabyte hay MSI... nhưng bù lại, nó cũng có mức giá "mềm hơn".
Theo kế hoạch, GeForce GTX 1080 Ti sẽ có giá tham khảo ở mức 699 USD (phiên bản Founders Edition) khi có mặt trên quầy bán lẻ trong những tháng tới. Dù tới khi các nhà sản xuất thứ ba tung ra các biến thể GeForce GTX 1080 Ti của riêng họ, mức giá có thể sẽ chênh lệch chút ít nhưng không thể phủ nhận rằng với hiệu năng vượt trội, trong khi lại có giá rẻ hơn so với Titan X, GeForce GTX 1080 Ti sẽ là một đối thủ đáng gờm cho các sản phẩm "nhà" AMD, ít nhất là trong suốt năm 2017.
Ý kiến bạn đọc