Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn: "Sẽ đôn đốc nhà mạng triển khai 4G"

19:20, 01/03/2017
|

(VnMedia) - Hiện các doanh nghiệp viễn thông gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viettel và MobiFone đang gấp rút lắp đặt trạm BTS để sớm cung cấp mạng 4G trên diện rộng trong năm 2017.

Trong buổi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G trong năm 2017.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, từ vài năm nay, doanh thu của các nhà mạng viễn thông lớn đã bắt đầu có sự chuyển dịch. Trước đây, các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn chiếm phần lớn doanh thu thì nay với sự phát triển của 3G, 4G các dịch vụ GTGT, dịch vụ nội dung trên nền công nghệ số đã dần chiếm tỉ trọng lớn doanh thu của các nhà mạng.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (giữa) trao các Giấy phép cung cấp dịch vụ 4G LTE-A cho VNPT vào ngày 28/10/2016.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (giữa) trao các Giấy phép cung cấp dịch vụ 4G LTE-A cho VNPT vào ngày 28/10/2016.

Việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Cùng với việc tốc độ kết nối truy cập dữ liệu tăng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ này của người sử dụng sẽ ngày càng phát triển, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp có thể thu được doanh thu ngày càng lớn hơn. Chính vì lý do này, trong năm 2017, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G trong năm 2017, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn quả quyết.

Trong năm 2016, Bộ TT&TT đã cấp phép 4G cho 4 nhà mạng di động gồm VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel nhưng hiện giờ mới có VNPT khai trương chính thức mạng 4G tại Phú Quốc.

VNPT là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên được cấp giấy phép và thương mại hóa dịch vụ 4G tại Việt Nam
VNPT là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên được cấp giấy phép và thương mại hóa dịch vụ 4G tại Việt Nam

Là nhà mạng đầu tiên được cấp giấy phép và thương mại hóa dịch vụ 4G ra thị trường, VNPT đang triển khai lắp đặt nhanh chóng trạm 4G trên nhiều địa bàn trọng điểm trên toàn quốc. Trong thời gian cuối năm 2016 và đầu năm 2017, VNPT đã triển khai phủ sóng 4G tại các khu vực thị trường trọng điểm, dự kiến cuối năm 2017, VNPT sẽ triển khai mạng lưới, đảm bảo phủ sóng 4G trên tất cả các tỉnh, thành phố cả nước với số lượng khoảng 15.000 trạm 4G và có thể nhanh chóng mở rộng lắp đặt thêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sử dụng dịch vụ.

Trong khi đó, các nhà mạng khác cũng đang gấp rút lắp đặt trạm BTS, thực hiện đổi SIM 4G trên diện rộng để nhanh chóng triển khai mạng 4G ra thị trường.

“Đây chính là nền tảng, định hướng quan trọng để phát triển hạ tầng băng thông rộng của Bộ TT&TT với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực TT&TT nhằm tận dụng các cơ hội, lợi thế mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ trên nền tảng 4G với băng thông rộng và tốc độ cung cấp dịch vụ lớn hơn trước thì việc phát triển ứng dụng gì, nội dung gì phù hợp để thu hút người dùng, mang lại nguồn doanh thu cao sẽ là sức ép không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Tại Việt Nam, các nhà mạng viễn thông đã quan tâm từ khá sớm việc phát triển các dịch vụ nội dung và xu thế hội tụ đa dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng vẫn chưa thấy sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong triển khai các dịch vụ này. Hiện các nhà mạng viễn thông mặc dù có lợi thế về nhân lực, bộ máy, trang thiết bị CNTT, có mạng lưới viễn thông rộng khắp bao phủ tới từng xã, từng thôn nhưng việc cung cấp nội dung và các loại hình dịch vụ nội dung chưa tương xứng với quy mô mạng lưới, chưa tận dụng được thế mạnh sẵn có. Các sản phẩm nội dung chưa có nhiều đột phá, các dịch vụ GTGT chưa có sự sáng tạo, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết thực trong thực tế cuộc sống.

Do đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, các nhà mạng cần giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn. Bộ trưởng hy vọng, trong dài hạn, các nhà mạng sẽ đẩy nhanh tốc độ để nghiên cứu, phát triển làm chủ được các nền tảng khoa học, công nghệ, tiến tới việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT trọn gói, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin không chỉ cho các cơ quan của Chính phủ mà còn cho các doanh nghiệp.

P.V


Ý kiến bạn đọc