(VnMedia) - Ngày 22/3 vừa qua, đại diện Facebook tại Việt Nam đã có phản hồi chính thức về sự việc hàng loạt trang Fanpage lớn tại Việt Nam bị mạng xã hội này khóa bất ngờ trong mấy ngày gần đây.
Cụ thể, đại diện Facebook cho biết: “Có một số trang facebook bị khóa nhầm bởi bộ lọc spam của chúng tôi. Đây là hệ thống có nhiệm vụ theo dõi và phát hiện những nội dung đáng ngờ trước khi chúng đến được với người dùng Facebook. Ngay khi được thông báo về vấn đề xảy ra, Facebook đã tiến hành kiểm tra và khôi phục lại những trang bị khóa nhầm. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này”.
Trước đó vào ngày 18/3, một loạt các fanpage Facebook lớn tại Việt Nam bất ngờ bị "trảm" với chỉ một thông báo đơn giản từ Facebook là "Vi phạm các điều khoản" của mạng xã hội này. Những fanpage Facebook bất ngờ bị biến mất bao gồm cả những cộng đồng lớn như: Câu chuyện cuộc sống, Góc ẩm thực, PetsVn, Xem.vn, Truyện tranh nhảm nhí, Kenny Sang, Chip đường phố... hay trang fanpage về tìm quán ăn Foody.vn với hơn 3 triệu người theo dõi cũng "bỗng dưng" không truy cập được.
Sự việc trên đã làm cộng đồng các nhà quảng cáo Facebook tại Việt Nam và các chuyên gia truyền thông tiếp thị trực tuyến bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội. Trong các nguyên nhân được đưa ra giải thích cho việc làm trên của Facebook thì đại đa số đều cho rằng, rất có thể các Fanpage này liên quan đến các vấn đề về vi phạm bản quyền, sử dụng các xảo thuật để tăng lượng người theo dõi hoặc bị phản hồi tiêu cực (report) từ cộng đồng.
Đối với Facebook, tinh thần làm việc của mạng xã hội này là "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" nên mới dẫn đến hiện trạng một số fanpage sau khi "kháng cáo" đã được khôi phục lại. Theo ghi nhận của phóng viên, các trang Foody.vn, WeLax, Góc Ẩm Thực, Truyện Tranh Nhảm Nhí…đều đã được khôi phục sau sự cố trên khoảng 2-3 ngày.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến môi trường truyền thông trực tuyến, mạng xã hội video Youtube của Google gần đây cũng đã nhận được sự mổ xẻ rất nhiều của dư luận vì mạng xã hội này là nơi phát tán một nguồn thông tin khổng lồ các video clip có nội dung độc hại. Đầu tháng 3 vừa qua, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử đã có văn bản gửi Youtube đề nghị gỡ bỏ các clip có nội dung vi phạm ra khỏi hệ thống.
Dân số Việt Nam hiện có khoảng 92 triệu dân, trong đó khoảng 70 triệu người đã tiếp cận môi trường Internet và sử dụng các dịch vụ tìm kiếm và Youtube của Google. Facebook là mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn nhất trong nước với số tài khoản ước tính đến thời điểm hiện tại đã đạt con số hơn 50 triệu.
Có thể nói, môi trường các dịch vụ được cung cấp bởi 2 "ông lớn" công nghệ Mỹ có ảnh hưởng khá lớn đối với đời sống Internet tại Việt Nam. Trong cuộc họp diễn ra ngày 16/3 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, đại diện một số nhãn hàng và các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết Google mới xử lý được hơn 40 clip trong số khoảng 8,000 clip "độc hại" trên Youtube. Ngoài ra, theo ghi nhận của các chuyên gia công nghệ, cách thức Google xử lý cũng chưa triệt để. Google chỉ chặn clip để người dùng tại Việt Nam không xem được, còn người ở nước ngoài vẫn xem được những video này, trong khi yêu cầu của Bộ TT&TT là cần phải gỡ bỏ hoàn toàn các clip độc hại này.
Phản hồi về việc chậm trễ trong xử lý các clip độc hại, Google cho biết khối lượng công việc quá lớn và họ hiện vẫn xử lý gỡ bỏ các clip bằng tay chứ không phải tự động nên việc này cần thêm thời gian.
Mới đây, ngày 21/3 trong buổi gặp và làm việc với ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius để trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng như tháo gỡ những vướng mắc tồn tại. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề nghị Đại sứ Mỹ tác động để Google, Facebook xử lý thông tin xấu, độc hại vi phạm pháp luật Việt Nam trên Internet một cách triệt để và hiệu quả hơn nữa.
Bộ trưởng khẳng định, các thông tư chính sách được chính phủ Việt Nam đưa ra không hề hạn chế bất kỳ hoạt động nào của các nhà mạng xuyên biên giới ở Việt Nam, mà chỉ để hạn chế, ngăn chặn việc vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hải An
Ý kiến bạn đọc