Với năng lực và trình độ sản xuất hiện tại, VNPT có thể sản xuất tất cả các thiết bị đầu cuối không chỉ trong lĩnh vực viễn thông mà còn cho các ngành khác như ngân hàng, thuế, điện…
Thông tin trên được Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các nhà đầu tư, diễn ra sáng 16/2.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ đã tới thăm quan nhà máy điện tử số 2 của VNPT Technology - đơn vị chủ lực của VNPT trong mảng sản xuất công nghệ công nghiệp của VNPT.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan nhà máy điện tử số 2 của VNPT Technology tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc |
Nhà máy số 2 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc của VNPT Technology có tổng diện tích 3,7 ha, gồm 2 khối nhà máy; 1 tòa nhà nghiên cứu và phát triển (R&D); 1 tòa điều hành và trung tâm đào tạo và 1 tòa nhà công nghệ cao tầng. Nhà máy của VNPT Technology được đầu tư dây chuyền, máy móc, trang thiết bị hiện đại. Các dây chuyền đều có khả năng sản xuất đa dạng tất cả các sản phẩm điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin. Cùng với nhà máy số 1 tại 124 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, công suất hiện tại của VNPT Technology đạt khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng, tương đương 12 triệu sản phẩm/năm.
Các sản phẩm nổi bật của VNPT Technology có thể kể đến như GPON ONT, đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2, iGate, các thiết bị mạng, WiFi access point… Bên cạnh đó, VNPT Technology cũng có các giải pháp công nghệ tiêu biểu như giải pháp ảo hóa chức năng mạng, WiFi total solution, mutil Screen platform, CDN, VAS platform. Đặc biệt, nền tảng Smart Connected Platform (SCP) được cộng đồng công nghệ và truyền thông rất quan tâm. Đây là nền tảng IoT hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống khi xu thế IoT ngày càng phát triển.
Nhà nước cần có cơ chế để các cơ quan, dự án nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ do các doanh nghiệp trong nước thiết kế, phát triển và sản xuất, trong đó có các sản phẩm của VNPT Technology nhằm đảm bảo an toàn an ninh, hỗ trợ phát triển công nghệ công nghiệp chủ lực, từ đó thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; trên cơ sở đó đẩy mạnh việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. |
Hiện VNPT Technology đã làm chủ hoàn toàn sản phẩm từ khâu thiết kế, kiểu dáng bo mạch và phần mềm nhúng, điều khiển. Chính vì vậy, các sản phẩm được VNPT Technology đưa ra đều có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đảm bảo được chất lượng mà còn đảm bảo về mặt an toàn, an ninh thông tin. Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao trong bối cảnh an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam đang rất nóng.
Được biết, tính đến hết 2016, VNPT Technology đã cung cấp ra thị trường trên 3 triệu sản phẩm thiết bị, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng và bước đầu xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài (Lào, Myanmar, Malaysia) mang lại doanh thu đạt 4 triệu USD. Trong năm 2016, VNPT Technology vinh dự là một trong sáu doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao của Bộ KHCN. Để đạt danh hiệu này, VNPT Technology phải đáp ứng đầy đủ nhiều tiêu chí khắt khe theo các quy định của luật công nghệ cao của chính phủ. Đây chính là bước tiến mới khẳng định năng lực nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đảm bảo uy tín, chất lượng trên thị trường.
Với năng lực và trình độ sản xuất hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng khẳng định rằng, VNPT hoàn toàn có thể sản xuất được tất cả các thiết bị đầu cuối. Do đó, VNPT mong muốn được tham gia các chương trình dự án của Chính phủ, được phép tham gia sản xuất các thiết bị đầu cuối ngoài viễn thông cho các lĩnh vực khác như ngân hàng, thanh toán di động hoặc điện lực (sản xuất thiết bị như điện kế điện tử…).
“Những công nghệ đó, VNPT hoàn toàn có thể sản xuất được. Ngoài ra, VNPT có thể sản xuất các thiết bị tính toán của lĩnh vực thuế để tính toán thuế, để quản lý thuế trực tiếp của các cơ sở sản xuất kinh doanh. VNPT mong muốn Chính phủ chỉ đạo giao cho VNPT thực hiện sản xuất các thiết bị này để VNPT phát huy hết năng lực sản xuất”, ông Hùng đề nghị.
B.H
Ý kiến bạn đọc