Sản phẩm của khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải đáp ứng các nước tiên tiến

17:21, 16/02/2017
|

(VnMedia) - “Phải làm sao mỗi sản phẩm đi ra từ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải là những sản phẩm chất lượng cao, đạt được sự thừa nhận của người sử dụng ở các nước tiên tiến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sáng 16/2.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao Quốc gia trên địa bàn hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội với quy mô 1.586 ha. Mục tiêu phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin - truyền thông, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Mặt khác để trở thành thành phố khoa học, Khu Công nghệ cao cần thu hút các nhà đầu tư về hạ tầng xã hội như: nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, dịch vụ hậu cần, vui chơi giải trí...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc vào sáng ngày 16/2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc sáng ngày 16/2.

Với phương châm phát triển nhằm nâng cao tiềm lực phát triển khoa học - công nghệ và công nghệp công nghệ cao làm trọng, các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ Hòa Lạc sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của Luật Công nghệ cao và mô hình phục vụ “một cửa, tại chỗ” để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút rất đông các doanh nghiệp lớn tới đầu tư.

Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 3 trường đại học) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỉ đồng trên tổng diện tích 346,5 ha thuộc các lĩnh vực CNC, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội. Hiện nay, đã có 36 dự án đi vào hoạt động với khoảng trên 10.000 người đang làm việc, học tập. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Khu CNC Hòa Lạc năm 2016 đạt hơn 2,4 tỉ USD với mức xuất khẩu là gần 1,3 tỉ USD, nhập khẩu là gần 1,2 tỉ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thiết bị đầu cuối do VNPT sản xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thiết bị đầu cuối do VNPT sản xuất.

Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư xây dựng nhà máy điện tử số 2 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích 3,7 héc ta, gồm 2 khối nhà máy; 1 tòa nhà nghiên cứu và phát triển (R&D); Tòa điều hành và trung tâm đào tạo và Tòa nhà công nghệ cao tầng. Nhà máy điện tử số 2 tại Hòa Lạc gồm 3 dây chuyền SMT với công suất 900.000 linh kiện/giờ (gấp 3 lần công suất nhà máy điện tử số 1; đến giai đoạn 2 nhà máy sẽ có công suất lên gấp 5); 2 dây chuyền DIP, 4 dây chuyền ASM. Các dây chuyền đều có khả năng sản xuất đa dạng tất cả các sản phẩm điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin. Cùng với nhà máy điện tử số 1 tại 124 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội; công suất sản xuất hai nhà máy hiện đạt 1 triệu sản phẩm/tháng, tương đương 12 triệu sản phẩm/năm.  

Tổng công suất hai nhà máy của VNPT Technology  hiện đạt 1 triệu sản phẩm/tháng, tương đương 12 triệu sản phẩm/năm.
Tổng công suất hai nhà máy của VNPT Technology hiện đạt 1 triệu sản phẩm/tháng, tương đương 12 triệu sản phẩm/năm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm nhà máy sản xuất điện tử số 2 của VNPT Technology (thuộc VNPT). “Tôi đánh giá rất cao các sản phẩm thiết bị đầu cuối của VNPT sản phẩm từ màu sắc, hình dáng tới công nghệ và kể cả thương hiệu. Tôi hy vọng điện thoại do VNPT sản xuất sẽ trở thành sản phẩm thân thuộc của người dùng Việt chứ không phải smartphone Galaxy S7…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cho dù Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã hoàn thiện hơn cơ sở hạ tầng và cho ra đời nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu trong nước, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa hàm lượng trí tuệ của các sản phẩm này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngoài việc đầu tư hạ tầng chuẩn mực, cần sàng lọc lựa chọn, thu hút các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có hàm lượng tri thức cao. “Phải làm sao mỗi sản phẩm đi ra từ khu công nghệ cao Hòa Lạc phải là những sản phẩm chất lượng cao, đạt được sự thừa nhận của người sử dụng ở các nước tiên tiến. Phải làm sao để các doanh nghiệp cảm thấy tự hào được đặt nhà máy, dự án tại Khu công nghệ cao này, cần tạo dựng thương hiệu của khu công nghệ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngoài việc ươm nhân tài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần nghiên cứu đề xuất cơ chế để các nhà khoa học Việt Nam đem trí tuệ, ý tưởng khoa học, giải pháp kỹ thuật để thử nghiệm sản xuất, tạo dựng cơ sở vật chất, các phòng thì nghiệm, có môi trường nghiên cứu thông thoáng và từ đó chúng ta có sản phẩm trí tuệ của người Việt.

Các Bộ ngành liên quan như Tài chính, Kế hoạch đầu tư, KHCN cần coi trọng phát triển công nghệ cao Hòa Lạc là dự án trọng điểm cần ưu tiên nguồn vốn, kiểm tra giám sát để kịp thời tháo gỡ, để động viên khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, khoa học công nghệ ở Hòa Lạc tìm kiếm, phát triển, đổi mới khoa học phục vụ cuộc sống tốt hơn nữa.

Để từ đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không thể đơn thuần chỉ là khu công nghiệp về công nghệ mà phải là một hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai, trong đó các thực thể kinh tế hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ cao đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng phát triển những thành quả của khoa học kỹ thuật công nghệ, lấy sáng tạo làm động lực phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

B.H


Ý kiến bạn đọc