"Vấn đề sống còn của VNPT là phải nâng cao năng lực cạnh tranh!"

06:51, 29/01/2017
|

(VnMedia) - Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Phạm Đức Long, vấn đề sống còn của VNPT hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh để Tập đoàn không chỉ trở về ngôi vị số 1 trên thị trường mà còn trở thành hình ảnh đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong lòng mỗi khách hàng.

- Năm 2016, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Kết quả này đến từ đâu, thưa Tổng Giám đốc ?

Tổng Giám đốc Phạm Đức Long: Năm 2016, Tập đoàn VNPT đã thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Hoạt động SXKD được thực hiện theo mô hình chuỗi giá trị “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” với nguyên tắc “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả” đã mang lại những kết quả hết sức khả quan. Lợi nhuận năm 2016 của Tập đoàn tăng gấp đôi so với thời điểm trước cơ cấu (năm 2013), thu nhập bình quân năm 2016 tăng 60% so với thời điểm trước tái cơ cấu. Năm 2016 cũng là năm thứ ba liên tiếp VNPT đạt lợi nhuận tăng trưởng trên 20%.

Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long.
Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long.

Tôi cho rằng kết quả đó đến từ nhiều phía, trên hết là sự thay đổi của công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp theo hướng chuẩn mực quốc tế, mang tính đột phá, sự dịch chuyển tư duy và sự thống nhất, đồng lòng thực hiện của toàn thể CBCNV trong toàn Tập đoàn. Đã không còn tư tưởng chần chừ, ỷ lại. Nhận thức của 3,6 vạn người lao động VNPT đã thay đổi. Lãnh đạo Tập đoàn quyết liệt hơn trong công tác quản lý, điều hành. Các đơn vị cơ sở cũng quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Toàn Tập đoàn đã tạo được sức mạnh cộng hưởng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt sự tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận.

Có thể nói, năm 2016 đánh dấu sự khởi đầu mới của VNPT sau khi Tái cơ cấu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại cần phải được khắc phục ngay trong năm mới 2017. Thứ nhất là phải tiếp tục nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu là nhà mạng đem đến sự trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Thứ hai là tiếp tục cải thiện, đổi mới cơ chế phân nhiệm và phối hợp/tham gia giữa các đơn vị thành viên. Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thị trường, công tác dự báo, kế hoạch đảm bảo sát với thị trường. Thứ tư, tăng cường phổ biến tuyên truyền các quy chế, quy định, quy trình nội bộ của Tập đoàn, đặc biệt là cơ chế tạo động lực đến từng người lao động. Thứ năm, cải thiện một số nội dung triển khai BSC để phù hợp với thực tế. Thứ sáu, tăng cường lực lượng CNTT. Thứ bảy, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống CNTT trong nội bộ Tập đoàn để hỗ trợ công tác điều hành SXKD. Thứ tám, đảm bảo tiến độ tái cơ cấu khối cổ phần, công nghiệp, xây lắp.

Năm 2017, Tập đoàn sẽ tiếp tục nhìn thẳng vào tồn tại để từ đó có những biện pháp giải quyết hiệu quả.

- Để tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa Kinh doanh và Kỹ thuật, Tập đoàn cũng đã có Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thực hiện khoán quản địa bàn. Xin Tổng Giám đốc đánh giá về công tác phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn đến nay ra sao ?

Tổng Giám đốc Phạm Đức Long: Tái cơ cấu là để hoạt động theo hướng chuyên biệt hơn, hiệu quả hơn nhưng chúng ta vẫn có chung một khách hàng, một địa bàn, chung hạ tầng/dịch vụ. Như vậy, tách hoạt động Kinh doanh và Kỹ thuật để chuyên biệt nhằm tạo sự khác biệt nhưng lại đòi hỏi các đơn vị phải gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Chúng ta xây dựng khoán quản địa bàn để đưa quan hệ sản xuất lên một tầm cao mới, tức là sẽ không phải là các mệnh lệnh, chỉ thị hành chính mà là cơ chế để cộng sinh, cùng tăng cùng giảm.

Thời gian qua, các đơn vị đã tích cực triển khai Chỉ thị 10 của Tập đoàn. Kênh bán hàng tiếp tục được tăng lên. Các chỉ tiêu phát triển di động trả trước và trả sau đều được quan tâm như nhau. Việc kinh doanh dịch vụ băng rộng bước đầu đạt được kết quả đáng mừng. Nhiều đơn vị phối hợp tốt giữa Kinh doanh và Kỹ thuật như VNPT Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nam, Nghệ An, Long An…, kết quả SXKD cũng tốt hơn hẳn. Tất nhiên, cũng có đơn vị triển khai chưa được như mong muốn. Vậy thì tại sao, cùng một cơ chế, đơn vị này làm tốt, đơn vị kia lại không ? Tôi muốn các đơn vị phải tự nhìn nhận lại mình để có những điều chỉnh cho phù hợp. Lãnh đạo Tập đoàn sẽ tiếp tục có những thay đổi về cơ chế để sát hơn với thực tế hoạt động SXKD, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển.

Như trên tôi vừa nói, sẽ không phải là các mệnh lệnh, chỉ thị hành chính, việc triển khai cơ chế là để tạo động lực cho hệ thống, cho người lao động chứ không phải là để quản cho dễ, cho chặt. Động lực của CBCNV không chỉ phụ thuộc vào cơ chế phân phối thu nhập mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị đó. Hơn ai hết, lãnh đạo đơn vị cần quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của anh em, biết động viên kịp thời những cá nhân có thành tích nổi bật để họ hăng say hơn trong công tác.

Vấn đề sống còn của VNPT hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Đã nhiều năm trước đây, VNPT không đầu tư hạ tầng, vì thế không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển thuê bao. Điều này đến nay đã được cải thiện, chúng ta đã dần thay đổi được cuộc chơi, hạ tầng mạng lưới không ngừng được đầu tư mở rộng, thị phần đang tăng dần. Kinh doanh và Kỹ thuật, tuy 2 mà 1, đều cùng chung một Mái nhà VNPT, vì vậy cả hai khối cùng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác phối hợp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng, để VNPT không chỉ trở về ngôi vị số 1 trên thị trường mà còn trở thành hình ảnh đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong lòng mỗi khách hàng.

- Năm 2016, Tập đoàn đã có bước dịch chuyển mạnh về CNTT. Xin Tổng Giám đốc cho biết định hướng phát triển của các dịch vụ CNTT của Tập đoàn sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Tổng Giám đốc Phạm Đức Long: Đúng là chúng ta đã có bước dịch chuyển mạnh về CNTT trong cả nội bộ và hướng ra xã hội. Nhiều giải pháp CNTT đã được ứng dụng trong quản lý điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD của Tập đoàn. Trong 2 năm qua, Tập đoàn cũng đã làm được những điều tưởng như không thể: từ những sản phẩm CNTT còn khiêm tốn đến nay đã triển khai VNPT - HIS, VnEdu, đã ký kết hợp tác về VT-CNTT với 51/63 UBND tỉnh, thành phố để triển khai các sản phẩm chính phủ điện tử (iOffice, iGate…); hợp tác với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và UBND các tỉnh/thành triển khai chương trình truyền thông Chính phủ điện tử IT Today.

Mục tiêu năm 2017 Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung phát triển các dịch vụ mũi nhọn, chuyển dịch cơ cấu dịch vụ truyền thống sang dịch vụ CNTT và GTGT, bộ giải pháp Chính quyền điện tử của VNPT cần tiếp tục được đẩy mạnh hợp tác để triển khai rộng rãi trên toàn xã/phường tại các tỉnh/thành phố mà VNPT đã ký kết hợp tác chiến lược về VT-CNTT. Giải pháp quản lý khám chữa bệnh VNPT-HIS hiện mới được ứng dụng tại 51,3% số cơ sở y tế, giải pháp vnEdu mới được ứng dụng tại 25% số trường học trên toàn quốc, giải pháp thành phố thông minh được khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao mới được lựa chọn triển khai tại 5 tỉnh/thành phố… Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa những lợi ích của CNTT đến rộng rãi hơn với tất cả người dân trong xã hội. Cùng năng lực sẵn có, thế mạnh từ cơ sở hạ tầng hiện đại, năm 2017, Tập đoàn sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành SXKD, đồng thời tập trung hoàn thiện các giải pháp CNTT đã có và phát triển các ứng dụng chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, góp phần đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử và đưa VNPT trở thành một trong những nhân tố tích cực đẩy mạnh tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT.

Chúng tôi đang phấn đấu để trở thành nhà cung cấp VT-CNTT số 1 trên thị trường. Con đường phía trước còn rất dài, đòi hỏi mỗi người VNPT phải cố gắng hơn nữa trên từng vị trí công tác. Sức mạnh sẽ đến từ sự thống nhất, đồng lòng, sự gắn kết trách nhiệm và trí tuệ tập thể, tôi tin tưởng Tập đoàn VNPT sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc