Hacker sẽ biến bầu cử Mỹ thành thảm họa?

19:21, 08/11/2016
|

Tấn công DDoS, lan truyền tin vịt hay nhắm vào hệ thống lưới điện... là những cách hacker có thể khiến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (8/11) trở thành "thảm họa".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hack, rò rỉ dữ liệu, thông tin sai - tất cả đều có thể khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 vốn đã bị đánh giá là gây tranh cãi nhất trong lịch sử - thêm phần hỗn loạn hơn. Các cơ quan tình báo Mỹ thậm chí đã tố cáo giới hacker Nga đã có những hành động can thiệp, trong khi một số báo cáo nói rằng Mỹ đã chuẩn bị cho viễn cảnh tấn công mạng xấu nhất trong ngày bầu cử (8/11). Vậy những viễn cảnh xấu đó là gì?

Các quan chức chính phủ và truyền thông đã lo lắng về nguy cơ các cuộc tấn công nhắm vào thùng phiếu điện tử, rò rỉ các thông tin "gây ngạc nhiên" vào giờ chót về ứng viên, và thậm chí phá hoại mạng lưới điện. Với các chuyên gia bảo mật thì cách dễ nhất để tấn công bầu cử đơn giản hơn rất nhiều: Dập tắt nguồn thông tin thật và lan truyền thông tin sai.

"Kẻ phá hoại sẽ can thiệp sâu hơn vào bầu cử bằng cách kết hợp nhiều phương thức khác nhau như rò rỉ thông tin sai, tấn công DDoS, tấn công nhằm vào truyền thông" - Adam Meyers, Phó Chủ tịch tình báo tại hãng bảo mật CrowdStrike chia sẻ.

Những "phát súng" cảnh báo

Do hệ thống bầu cử bang của Mỹ rất đa dạng và phân cấp, người Mỹ nhận thấy cách thức bầu cử trực tiếp là phương án hoàn toàn không khả thi. Tuy nhiên, quan chức nước này cũng nhận ra rằng, trong một vài tháng gần đây hacker nước ngoài đã tiến hành thăm dò và nhiều lần tấn công hệ thống đăng ký của cử tri nhằm loan báo tin vịt, tìm điểm yếu của hệ thống, hoặc làm cả 2 việc trên.

Hacker cũng có thể tìm cách làm gián đoạn quá trình bầu cử. Biết rằng các điểm bỏ phiếu sẽ tiến hành báo cáo kết quả kiểm phiếu bằng thiết bị máy móc, hacker đang tìm cách khai thác vào mặt này để tìm lỗ hổng tấn công. Nếu chúng tấn công vào website về thông tin bầu cử, cử tri sẽ khó nắm bắt được các thông tin cơ bản họ cần biết như nơi bầu. "Tôi không nghĩ tấn công mạng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến thùng phiếu, tuy nhiên, sự ảnh hưởng có thể đến gián tiếp theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể tấn công làm tê liệt các dịch vụ online" - Kevin Du, một chuyên gia về bảo mật mạng tại Syracuse University cho biết.

Vụ tấn công mạng vào công ty về hạ tầng internet có tên Dyn xảy ra hồi cuối tháng 10 có thể xem là một lời nhắc nhở về sự mong manh của internet. Dyn bị hacker thực hiện một vụ tấn công DDoS hay còn được gọi là từ chối dịch vụ. Theo đó, chúng đã điều khiển mạng máy tính "ma" gửi truy vấn truy cập liên tục tới máy chủ của Dyn khiến máy chủ bị quá tải và làm cho người dùng thông thường không thể truy cập internet tiếp được nữa.

Hacker trong vụ này đã nhằm trực tiếp vào dịch vụ hệ thống tên miền của Dyn và hậu quả để lại là người dùng không thể truy cập các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Twitter, và PayPal. Chưa có thông tin nào xác nhận vụ tấn công DDoS này được chính phủ nước ngoài tài trợ, nhưng cho dù thủ phạm là ai thì hậu quả cũng sẽ là rất lớn.

Quan trọng nhất, không như các kiểu tấn công khác vốn chỉ nhằm ăn cắp thông tin, tấn công DDoS có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. "Khả năng hacker phá hoại một phần internet tại Mỹ trong ngày bầu cử là hoàn toàn có thể xảy ra. Hệ thống lưới điện cũng có thể là mục tiêu" - Stephen Gates, chuyên gia phân tích tình báo tại hãng bảo mật NSFOCUS cho biết.

Tấn công DDoS kết hợp phát tán tin vịt

Trong trường hợp quá trình bỏ phiếu không bị tấn công, những kẻ phá hoại vẫn có thể lan truyền tin vịt trên mạng xã hội, như tin điểm bầu cử đóng cửa, hay đưa tin rằng kết quả bầu cử đã bị gian lận. "Hacker Nga có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn con bot trên Twitter bị điều khiển để đi phát tán dang tin này. Nếu chúng có thể lan truyền tin vịt trên mạng xã hội, tình trạng nhiễu loạn sẽ xảy ra" - chuyên gia Meyers của Crowdstrike khuyến cáo.

Mạng xã hội Twitter gần đây cũng gặp phải tình trạng các tin vịt lan truyền nhằm ngăn các cử tri thiểu số đi bầu cử; trong khi một số tài liệu giả mạo cảnh báo về nguy cơ các cuộc tấn công làm thay đổi số phiếu bầu cũng bị phát tán trên mạng. 

Guccifer 2.0, một hacker người Nga cũng đã cho xuất bản một bài đăng trên blog hôm 4/11 mô tả cách thức Đảng Dân chủ Mỹ có thể thực hiện để gian lận bầu cử trong ngày 8/11. Hắn cũng kêu gọi các hacker khác cùng tham gia để theo dõi cuộc bầu cử từ bên trong và "phơi bày cho xã hội Mỹ biết về sự gian lận trong bầu cử".  

"Bản thân ngày bầu cử là thời điểm rất 'nhạy cảm'  và một yếu tố xấu nào đó, chưa cần tới một vụ hack quy mô, cũng có thể gây ra sự hỗn loạn, làm sai lệch kết quả. Hacker có thể sử dụng các công cụ trên mạng xã hội, như mạng Twitter để truyền đi thông điệp chúng muốn. Vũ khí phát tán tin vịt, cùng với các cuộc tấn công DDoS do chính phủ nước ngoài tài trợ, sẽ khiến cho sự thật là một cái gì đó cực kỳ mong manh" - chuyên gia Meyers của Crowdstrike nhận định.

Theo MT (ICTNews/Theo Wired)


Ý kiến bạn đọc