Dù tiềm năng rất lớn nhưng cho đến nay sự phát triển các dạng năng lượng tái tạo tại TPHCM vẫn rất hạn chế. Nếu tổng công suất tiêu thụ điện tại TP.HCM hiện khoảng 3.575 MW thì công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo chỉ đạt 3,96 MW, chiếm 0,1% so với công suất tiêu thụ.
Theo nội dung báo cáo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM ngày 17-10 về tình hình triển khai năng lượng tái tạo tại thành phố, tính đến hết năm 2015 thành phố có 2,4 MW điện phát từ rác thải bãi Gò Cát, 1,56 MW điện mặt trời.
Trước đó vào tháng 2-2015, chính quyền thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ tổng công suất năng lượng tái tạo tại thành phố chiếm 1,74% tổng công suất cả thành phố tương đương 96 MW.
Về thực trạng các dự án năng lượng tái tạo hiện nay, Tổng công ty Điện lực thành phố cho biết đối với điện từ xử lý rác thải, hiện nhà máy điện tại bãi rác Đa Phước công suất dự kiến 12 MW vẫn chưa vận hành. Ngành điện muốn thành phố có thêm chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới để phát triển các dự án sản xuất điện từ rác.
Đối với điện mặt trời, vốn được cho là dạng năng lượng tái tạo tiềm năng nhất TPHCM hiện nay, ngành điện kiến nghị chính quyền thành phố thí điểm cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời từ các doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó cần hỗ trợ vốn, lãi suất ưu đãi, thời hạn trả nợ dài hạn…
Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực TPHCM cũng nêu kiến nghị UBND thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá cho điện mặt trời nối lưới để khuyến khích phát triển dự án điện loại này.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo chiếm 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.
Theo TBKTSG
Ý kiến bạn đọc