Những hình thức tấn công mạng "khuấy đảo" an ninh mạng Việt

15:09, 22/12/2015
|

Tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam trong năm 2015 diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tấn công của hacker. VNCERT đã ghi nhận nhiều hình thức tấn công mạng đối với doanh nghiệp, người dùng cũng như các cơ quan và tổ chức trên toàn quốc như lừa đảo thẻ cào, lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội, thông tin cá nhân, mã hóa dữ liệu người dùng…

Thông tin này được ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động thông tin, cảnh báo, ứng cứu sự cố mã độc gián điệp, chống tấn công có chủ đích năm 2015 do VNCERT phối hợp cùng với Cơ quan tình báo an toàn thông tin (ATTT) của chính phủ Hàn Quốc (KISA) tổ chức vào sáng nay, 22/12.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, trong năm 2015, VNCERT đã ghi nhận nhiều hình thức tấn công mạng đối với doanh nghiệp, người dùng cũng như các cơ quan và tổ chức trên toàn quốc như lừa đảo thẻ cào, lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội, thông tin cá nhân, mã hóa dữ liệu người dùng… Nhiều cơ quan, doanh nghiệp liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công có chủ đích. Tội phạm mạng đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Chiến tranh mạng không còn xa lạ với nhiều người.

Báo cáo của VNCERT cũng cho thấy, trong 11 tháng của năm 2015, tại Việt Nam đã có tới 27.978 sự cố an toàn thông tin. Riêng ở khối cơ quan nhà nước, trong mười tháng đầu năm, có tới 109 trang web bị tấn công thay đổi giao diện với 144 link bị thay đổi; 106 trang web bị cài mã độc với 227 link phát tán mã độc; 1 trang web bị tấn công cài mã lừa đảo (phishing). Trong khi đó, năm 2014, tổng số các sự cố mà VNCERT ghi nhận được là 28.186 và năm 2013 chỉ là 4.810 sự cố.

Nhìn vào các con số trên, có thể thấy năm 2014 và 2015, tình hình an toàn thông tin ở Việt Nam rất phức tạp. Nhiều hãng bảo mật trên thế giới cũng đưa ra cảnh báo tội phạm mạng đang lợi dụng Việt Nam để làm “bàn đạp” phát tán thư rác. Ông Đường cho hay, các loại sự cố phổ biến thường thấy như lừa đảo thẻ cào, mã hóa dữ liệu người dùng, chiếm đoạt tài khoản, lây lan mã độc tống tiền Ransomware, trộm cắp thông tin cá nhân…

Phía VNCERT cũng cho rằng, năm 2016, tấn công mạng nhằm vào dữ liệu người dùng sẽ gia tăng với các tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền, tấn công trộm cắp thông tin cá nhân. Hình thức tấn công vào các hạ tầng trọng yếu sẽ tăng theo xu hướng phát triển của các chiến dịch tấn công liên quan đến chiến tranh mạng do các quốc gia hoặc các tổ chức tội phạm thực hiện.

Bên cạnh đó, mã độc nhắm vào smartphone với các hình thức tinh vi hơn sẽ xuất hiện. Đặc biệt, xu hướng IoT (Internet of Things) sẽ làm xuất hiện các loại mã độc, hình thức tấn công mới nhắm đến các thiết bị thông minh sử dụng trong cuộc sống.

Vì vậy, ông Nguyễn Trọng Đường mong rằng buổi hội thảo tổng kết ATTT là “cơ hội để các chuyên gia trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tấn công mạng, tạo ra sự hợp tác giữa các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành địa phương”. Ông Nguyễn Trọng Đường hy vọng thông qua hội thảo này, VNCERT có thể trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATTT từ các trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình trong năm 2016.

Tại diễn văn chào mừng hội thảo, ông Kee Seung Baik, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của KISA nhận định rằng Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển CNTT nhanh nhất tại khu vực châu Á. Chính vì vậy, nước ta đang trở thành mục tiêu tấn công quan trọng của tội phạm mạng toàn cầu. Ông Kee Seung Baik cam kết rằng KISA sẽ hợp tác thường xuyên với VNCERT để trao đổi thông tin, công nghệ nhằm giúp Việt Nam đối phó tốt hơn đối với các cuộc tấn công mạng trong thời gian tới.

Cùng thời gian diễn ra hội thảo, tại văn phòng của Bộ TT&TT, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VNCERT và KISA đã được diễn ra với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.


Ý kiến bạn đọc