Điện thoại 4G sẽ có giá dưới 2 triệu đồng?

07:11, 09/12/2015
|

(VnMedia) -  Theo Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam, giá thành sản xuất và công nghệ 4G hiện không còn là rào cản. Qualcomm đã làm việc với một nhà mạng 4G tại Đông Nam Á với băng tần rất đặc thù để kết hợp với họ, đưa ra thiết bị hỗ trợ 4G với giá 90USD.

- Xu hướng Internet của vạn vật (IoE) tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo ông, doanh nghiệp Việt có khó khăn gì trước cơ hội này và phải làm gì để giải quyết những khó khăn đó?

Ông Thiều Phương Nam: IoE là cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành Công nghệ thông tin, kể cả các doanh nghiệp phát triển về phần cứng cũng như các doanh nghiệp phần mềm. IoE tạo ra một loạt thị trường mới. Trước kia, việc đeo thiết bị kết nối với bác sĩ, cung cấp thông tin sức khỏe, hoặc đồng hồ thông minh cho trẻ em... là những thứ ít được nghĩ tới, hoặc kết nối LTE trên ô tô, công nghệ thực tế ảo cho người lái xe là những cơ hội mới. Về phần mềm, trên đám mây cloud có hai lĩnh vực rất được quan tâm là dịch vụ dựa trên cloud và bảo mật. Cơ hội lớn, tuy nhiên thách thức nằm ở việc “không còn biên giới”.

Thị trường không chỉ gói gọn ở một nước, đối thủ cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam, mà còn đến từ các nước khác. Làm thế nào để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa? Chúng ta có những thuận lợi như năng lực về Công nghệ thông tin, Toán, Phần mềm; lợi thế về giá thành; nhưng cũng có thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi phải cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa. Trong thế giới IoE mọi thứ không còn biên giới. Một điều quan trọng đối với Việt Nam, đó là hạ tầng phải sẵn sàng. Đối với nhà phát triển phần mềm, tốc độ Internet chậm hoặc không có 4G cho thiết bị, thì việc cạnh tranh với công ty nước ngoài rất bất lợi. Việc sẵn sàng hạ tầng và chính sách để giúp ngành Công nghệ thông tin Việt Nam có đủ điều kiện cạnh tranh bình đẳng với các công ty khác trên thế giới là một thách thức khá đặc thù của Việt Nam.

Giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam.

- IoE không thể thiếu hạ tầng băng rộng. Chúng ta vẫn đang đầu tư 3G, còn 4G chưa triển khai. Việc phát triển IoE tại Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu so với thế giới hay không?

Bộ Thông tin Truyền thông đã xác nhận 4G sẽ được cấp phép năm 2016. Đó là tin vui cho người dùng và các công ty Việt Nam. Băng rộng di động là một trong những hạ tầng, nền tảng không thể thiếu cho IoE phát triển. Việt Nam không phải là nước đi sớm trong việc triển khai 4G LTE, nhưng tại thời điểm này, khi triển khai, Việt Nam có một số thuận lợi nhất định: có thể đi thẳng lên 4.5G, cung cấp 4G tốc độ cao thế hệ 2, 3. Việt Nam có thể đi ngay lên 4.5G, đi lên CAT6, tốc độ gấp đôi so với 4G thế hệ đầu tiên.

Thuận lợi thứ hai, các thiết bị hỗ trợ 4G hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với 3-4 năm trước. Nếu Việt Nam triển khai 4G trong 2016, sự chấp nhận của người tiêu dùng sẽ nhanh hơn các nước khác cách đây vài năm. Triển khai tại thời điểm này thuận lợi hơn cho các nhà mạng, có thể có doanh thu sớm hơn so với các nước khác.

- Nếu Việt Nam triển khai 4G sớm, sẽ có nhiều thiết bị tương thích với chuẩn 4G đầu tiên hơn. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn 4G Việt Nam lựa chọn, chỉ có điện thoại đắt tiền mới có thể tương thích. Đó có phải là rào cản để phổ cập 4G tại Việt Nam không? Theo ông, với tiêu chuẩn này, có khoảng bao nhiêu mẫu điện thoại tích hợp chipset của Qualcomm có thể tương thích? Giá thiết bị tương thích với chuẩn 4G Việt Nam lựa chọn khi nào mới phù hợp với nhiều người dùng Việt Nam? (Giá điện thoại tương thích với chuẩn 4G Việt Nam lựa chọn hiện khoảng 8 triệu).

Vấn đề giá của thiết bị 4G cho Việt Nam hiện tại không còn là trở ngại. Một điểm thuận lợi khác cho Việt Nam là băng tần lên kế hoạch cho 4G là những băng tần phổ cập nhất trên thế giới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông những băng tần dùng cho 4G tại Việt Nam là 1800MHz và sắp tới có thể là 2600MHz. Đây là hai băng tần phổ cập nhất trên thế giới cho 4G. Các thiết bị hỗ trợ 4G hầu hết hỗ trợ hai băng tần này. Trên 95% thiết bị hỗ trợ 4G trên thị trường hỗ trợ hai băng tần này.

Qualcomm là nhà cung cấp chipset cho thiết bị 4G đã đưa ra Snapdragon 430 và 617 là hai chipset cho smartphone tầm trung, nhiều người mua được, đã sẵn sàng cho 4.5G. Giá thiết bị ngày càng rẻ. Để đến với người tiêu dùng, có một số bước là đặc thù ở Việt Nam.

Trên thế giới có hai loại thị trường: một được nhà mạng kiểm soát, bán dịch vụ kèm thiết bị, các nhà cung cấp thiết bị phải đi qua nhà mạng để cung cấp; một thị trường khác, người dùng mua thiết bị và đăng ký dịch vụ với nhà mạng. Việt Nam thuộc thị trường thứ hai, do đó một bước rất quan trọng để phổ cập thiết bị 4G ở Việt Nam, số lượng ngày càng nhiều, giá càng đi xuống, đó là sự kết hợp giữa nhà mạng Việt Nam và nhà sản xuất thiết bị. Có thể các nhà sản xuất thiết bị đã có thiết bị 4G giá thấp, tuy nhiên, vẫn phải đợi thông tin từ nhà mạng để mang về Việt Nam.

Bên cạnh việc chuẩn bị hạ tầng, nhà mạng Việt Nam phải làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để biết kế hoạch triển khai 4G. Về mặt giá thành sản xuất và công nghệ, đây không còn là rào cản. Vừa rồi Qualcomm làm việc với một nhà mạng 4G tại Đông Nam Á với băng tần rất đặc thù, khác với Việt Nam. Qualcomm đã làm việc để kết hợp họ với các nhà sản xuất thiết bị để đưa ra thiết bị hỗ trợ 4G với giá 90USD.

- Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể bỏ qua 4G để lên thẳng 4.5G. Vậy Việt Nam có lợi thế gì về mặt quy mô triển khai, đầu tư, mức độ phổ biến, xu hướng? Khi nhà mạng và cơ quan quản lý đang chuẩn bị triển khai 4G, thay đổi này có khó khăn gì không? Trên thế giới có bao nhiêu nước bỏ qua 4G và lên thẳng 4.5G?

Thực tế, 4.5G là 4G, tuy nhiên 4G ban đầu có một băng tần, một sóng mang. Khi có hai hoặc ba sóng mang (carrier) thì gọi là 4G+ hay 4.5G. Để thêm tính năng ghép sóng mang, đó chỉ là việc nâng cấp phần mềm của các thiết bị hạ tầng và thiết kế antenna cho phù hợp. 4G và 4.5G không phải là hai thế hệ, hai hạ tầng khác nhau, mà 4.5G chỉ có các tính năng mới thông qua phần mềm, thêm antenna để chuyển tải dữ liệu trên hai sóng cùng một lúc. 4G và 4.5G không quá khác biệt để gây băn khoăn.

Việt Nam có thể đi ngay lên 4G+ vì chúng ta có nhiều băng tần khác nhau có thể kết hợp được, thiết bị đầu cuối hỗ trợ kết hợp sóng mang đã sẵn sàng. Có thể các nhà mạng có chiến lược thông minh, tích hợp sẵn chức năng kết hợp sóng mang thì sẽ hỗ trợ được 4.5G. Công nghệ kết hợp sóng mang cách đây nhiều năm chưa sẵn sàng, tuy nhiên hiện tại, mọi thứ đã sẵn sàng. So với tốc độ download 150Mbps của 4G thế hệ đầu, tốc độ download trên Snapdragon 820 CAT12/CAT13, nếu kết hợp 3 sóng mang, tốc độ tối đa có thể lên đến 600Mbps.

Tuy nhiên, về mặt đầu tư hạ tầng, đó chỉ là tính năng mới. Với các nhà mạng, khi triển khai 4G+, nhà mạng quan tâm về việc thiết bị sẵn sàng hay chưa. Hiện nay, Qualcomm đã đưa chức năng kết hợp sóng mang (CA) vào dòng 430. Nhà mạng Việt Nam đưa luôn CA vào, thì thiết bị đã sẵn sàng với giá rẻ.

- Xin cảm ơn ông!


Ý kiến bạn đọc