(VnMedia) - Trong văn bản trả lời Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc các bộ ngành, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, không di chuyển trụ sở làm việc đến khu Tây Hồ Tây.
Lý do Bộ Công Thương đưa ra bởi trụ sở làm việc của Bộ đã ổn định, đủ diện tích bố trí cho khoảng 1.500 người làm việc đến năm 2030.
Cụ thể, Trụ sở chính của Bộ Công Thương tại địa điểm 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, có tổng diện tích đất bằng hơn 9.500m2, diện tích sàn hơn 17.000m2. Đây là nơi làm việc của các vụ, thanh tra, văn phòng bộ và Cục Xuất Nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện đang bố trí trụ sở làm việc của đơn vị trực thuộc tại các số 21, 23, 25 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm) với diện tích đất hơn 4.000m2, diện tích sàn 12.000m2, đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp toàn bộ cơ sở này năm 2012. Và các địa điểm rải rác như 91 Đinh Tiên Hoàng; 20 Lý Thường Kiệt. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn có địa điểm tại số 655 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm.
Bộ này cũng cho rằng, trong trường hợp chủ trương của Chính phủ bắt buộc phải di chuyển trụ sở làm việc của hệ thống bộ máy hành chính về địa điểm mới quy hoạch tại khu vực Tây hồ Tây, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện theo phương án quy hoạch theo lô đất và bố trí quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất đầu tư trụ sở tối thiểu 25.000 m2 cho phù hợp với biên chế và diện tích phù hợp với nhu cầu thực tế đến năm 2030.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành về khu Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Theo đó, khu trụ sở bộ ngành tại Tây Hồ Tây 20 ha, gồm 5 bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng với bình quân 2-3,5 ha/cơ quan. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là hơn 8.500 tỷ đồng.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc