(VnMedia) - Việc phát triển 4 cây cầu tỷ đô, nhiều người cho rằng bất động sản Long Biên sẽ phát triển mạnh, liệu đây có phải là cú hích cho nhà đất khu vực phía Đông Hà Nội hay không?
Mới đây, Hà Nội có chủ trương triển khai 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Cụ thể 4 cây cầu này gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Ngay sau khi có thông tin này, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/9, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa.
Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất. Đây là chủ trương đúng đắn, bởi ở Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo của CBRE mới đây, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE Hà Nội cho rằng, hiện hạ tầng ở khu vực phía Đông Hà Nội khá tốt, nhưng để mức giá tăng đột biến thì khó có thể xảy ra.
Cụ thể, theo bà An, giá đất tại khu vực này tăng bao nhiêu rất khó nói. Nhưng nếu nhìn lại diễn biến giá đất tại khu vực này có thể thấy, trong giai đoạn thị trường ổn định, 1 năm giá đất có thể tăng 3 - 5%. Vì vậy, kỳ vọng tăng 10% trong vòng nửa năm là rất khó.
Phân tích về tác động của 4 cây cầu tỷ đô, bà An cho rằng, khi có cơ sở hạ tầng mới kết nối giữa 2 bờ sông, lại thêm quận Long Biên có vị trí rất gần với trung tâm Hà Nội, hoàn toàn có khả năng trở thành khu dân cư mới, trung tâm bất động sản mới, đặc biệt nếu so với với Sài Gòn thì quận 2 có vị trí tương đồng với Long Biên. Tất nhiên so sánh này là khập khiễng nhưng với tầm nhìn như vậy, hoàn toàn có cơ sở để Long Biên có những dự án có chất lượng tốt hơn, tiện ích tốt hơn.
"Hiện tại, theo đánh giá của CBRE, hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội, như Long Biên, cũng tốt rồi. Nhưng nếu có thêm những kết nối khác để tránh tình trạng tắc đường thì chắc chắn giá trị bất động sản tại Long Biên sẽ tăng", bà An nói.
Tuy nhiên, bà An cũng cho rằng, việc có nên đầu tư vào bất động sản khu vực này hay không cần hết sức thận trọng.
"Nếu chúng ta may mắn thì không sao nhưng không may thì nhiều rủi ro có thể xảy ra. Tất nhiên với nhà đầu tư, chớp thời cơ nhanh hơn thì rủi ro càng cao, lợi nhuận càng nhiều. Song bài toán đầu tư như vậy không dành cho tất cả mọi người", bà An lưu ý.
Ngoài ra, theo bà An, hiện tại Hà Nội, bất động sản vẫn phát triển mạnh tại các khu vực phía Tây. Cũng vì thế, nguồn cung căn hộ phía Đông không mấy dồi dào. Khi hạ tầng được cải thiện, nguồn cung khu vực này sẽ tăng lên, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ chú ý đến bất động sản khu vực này hơn.
Thực tế, khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, hiện đã được nhiều nhà đầu tư là SunGroup, Him Lam chú ý, lên kế hoạch phát triển những dự án địa ốc lớn tại đây.
Cụ thể, SunGroup đang triển khai xây dựng Dự án công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh, có quy mô diện tích hơn 100ha. Dự án được xây dựng theo mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu. Công trình có tổng mức đầu tư 4.600 tỷ, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công kể từ khi khởi công hồi tháng 9/2016.
Theo các chuyên gia bất động sản, thời gian tới, bất động sản khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh sẽ có những khởi sắc mới.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc